Bóng bì vốn là món ăn khoái khẩu, không thể thiếu của nhiều gia đình người Việt trong những dịp lễ, tết. Nguyên liệu để chế biến thành bóng bì chính là bì lợn. Song, điều ít ai biết đó là phần lớn bì lợn trong quá trình vận chuyển đã bị ôi thiu.
Bóng bì được phơi trên mái nhà, dưới sân đất. Ảnh: An Tuấn.
1 lít ô xy già tẩy trắng 3 tạ bì lợn!
Về thôn Bình Lương (xã Tân Quang, H.Văn Lâm, Hưng Yên), hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những miếng da lợn đã qua sơ chế được phơi la liệt bên đường làng, trên mái nhà hoặc cạnh bờ ao.
11 giờ trưa, nhưng lò chế biến của chủ hộ tên Đ.X.C vẫn nhộn nhịp. Đây là một trong những cơ sở tái chế bì lợn lớn nhất ở Bình Lương, hoạt động từ nhiều năm nay. Theo tiết lộ của ông C., trung bình mỗi ngày nhập khoảng 1,5 tạ bì sống và chế biến. Những ngày giáp tết thì nhiều hơn, gần 2 tạ/ngày. “Toàn bộ số bóng bì sẽ được đổ buôn cho các mối hàng quen tại chợ Đồng Xuân, chợ Hôm”, ông C. cho hay.
Quan sát cơ sở của hộ ông C., không khó để nhận thấy tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng. Ngay bên gian bếp vốn được dùng làm nơi sơ chế da lợn, là dòng nước thải ứ đọng đen kịt, khắp nơi bóng nhẫy mỡ lợn, nước than nhem nhuốc. Bóng bì thành phẩm chưa kịp thu gom bày la liệt khắp nền đất, gác bếp cùng đủ thứ đồ đạc, vật dụng như bao tải, quần áo, xoong nồi ruồi nhặng bu kín. Chốc chốc, hai công nhân vô tư giẫm chân lên miếng bóng bì chuẩn bị được đóng ni lông đem đi tiêu thụ. Cảnh tương tự cũng xảy ra tại nhiều cơ sở làm bóng bì khác ở Bình Lương.
Bì lợn được phơi trên nền sân.
Tính trung bình các hộ ở Bình Lương sơ chế tới gần chục tấn bì lợn mỗi ngày. Bì lợn được nhập từ những chợ đầu mối, lò mổ của vùng lân cận. Tuy nhiên, càng về cuối năm, bì lợn khan hiếm hết hàng, dân làm bóng bì phải đi gom hàng từ khắp các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… “Trong trường hợp này, tư thương thu mua hàng từ các chợ, lò mổ ở những tỉnh xa. Và để tránh đội chi phí, da lợn gom được sẽ tập kết tại một điểm, sau đó đợi đủ chuyến rồi mới theo xe khách về Bình Lương. Thu gom, vận chuyển như thế cũng mất hơn 2 ngày, nên da lợn khi về tới nơi chế biến bị ôi thiu và bốc mùi là điều không tránh khỏi”, ông Nguyễn Huy Lập, Chủ tịch UBND xã Tân Quang, nhìn nhận.
Hôm 23.1, 300 kg bì lợn bốc mùi hôi thối trên đường về xã Tân Quang đã bị Công an Bắc Giang phát hiện bắt giữ. Lái xe tên Nguyễn Quốc (36 tuổi, ở xã Thanh Long, H.Yên Mỹ, Hưng Yên) cũng đã khai nhận toàn bộ sự việc.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết nhiều hộ làm bóng bì ở Bình Lương có hẳn bí quyết tẩy trắng và làm mất mùi của bì lợn ôi thiu. Bì lợn sau khi cạo sạch lông, nạo bỏ toàn bộ mỡ sẽ được ngâm trong thùng ô xy già từ 2 - 3 tiếng đồng hồ. Một nam thanh niên làm thuê cho cơ sở sản xuất bóng bì của ông Đ. tiết lộ: những thùng dung dịch ô xy già khi mới nhập về từ Lạng Sơn thì còn có nguyên nhãn chữ Trung Quốc trên vỏ thùng, nhưng sau đó bị bóc đi. Một lít ô xy già mua ở Lạng Sơn có giá 15.000 đồng và có thể tẩy trắng tới hơn 3 tạ bì lợn. “Nhìn miếng bì lợn được tẩy trắng thì thích thật, nhưng lại khổ cho bọn tôi, vì cứ mỗi lẫn tiếp xúc với ô xy già là y như rằng đôi bàn tay lại ngứa ngáy hết cả”, nam thanh niên làm thuê kể.
Người dân đang chế biến bì lợn.
Gần 100% hộ kinh doanh không phép
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Lập, Chủ tịch UBND xã Tân Quang, cho biết thôn Bình Lương hiện có khoảng 150 hộ làm nghề liên quan đến chế biến bóng bì lợn và mỗi ngày Bình Lương xuất đi các tỉnh phía bắc vài ba tấn bóng bì lợn. “Gần như 100% không có giấy phép kinh doanh”, ông Lập nói. Ông Lập thừa nhận, việc các cơ sở dùng ô xy già cũng như một số dung dịch hóa chất khác để tẩy trắng, làm mất mùi ôi thiu của bì lợn là có thật.
Trong khi đó, một người (đề nghị không nêu tên) hiện đang công tác tại Trạm y tế xã Tân Quang, cho biết gần 3 năm trước, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng các cơ quan như chức năng như an toàn vệ sinh thực phẩm và cảnh sát môi trường của H.Văn Lâm hướng dẫn, tập huấn cho các hộ làm nghề. Nhưng cho tới nay, tình trạng mất vệ sinh trong khâu chế biến vẫn chưa được cải thiện, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên hiện các cơ sở làm nghề vẫn chưa được cấp phép. Vẫn theo người này, ngay từ đầu vào chất lượng của bì lợn cũng đã rất đáng lo ngại. “Ai mà biết được chất lượng thật của số bì lợn được nhập về đây từ khắp các chợ lẻ, chợ cóc, tới chợ đầu mối, rồi tại các lò mổ thủ công không phép… Nếu là lợn mang dịch bệnh như tai xanh, viêm cầu, thì cũng chẳng ai biết. Cứ mỗi lần họ nhập về cả một loạt xe tải lớn toàn bì, nhưng chính quyền xã cũng chẳng bao giờ cử người tới kiểm tra, làm rõ về nguồn gốc thực phẩm”, người này phản ánh.
Bóng bì thành phẩm bày la liệt khắp nơi.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Tân Quang cũng thừa nhận là do các hộ làm bóng bì đi thu mua bì tại rất nhiều mối nên việc kiểm soát là “tương đối khó”. Để quản lý tốt việc này, ông Lập đã đá “quả bóng” trách nhiệm cho các cơ quan khác, khi cho rằng, cơ quan chức năng cấp trên nên quyết liệt trong việc xử lý an toàn vệ sinh thực phẩm, thì những cơ sở thu mua bì lợn của xã sẽ không còn “cửa” để mua phải bì lợn kém chất lượng.
Rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng tới hệ thần kinh
Theo PGS-TSKH Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), ô xy già chỉ có tác dụng tẩy trắng thực phẩm, chứ không diệt hết được các loại vi khuẩn cùng mầm lây bệnh như dịch tai xanh, viêm cầu... nên nếu dùng phải loại bóng bì được chế biến từ những con lợn mang bệnh thì hậu quả rất khôn lường. Bên cạnh đó, việc sản xuất thủ công sẽ khiến các hộ gia đình lạm dụng việc dùng ô xy già để tẩy trắng bì lợn, như dùng nồng độ quá đậm đặc, thời gian ngâm tẩm quá lâu thì sẽ gây tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng. “Lo lắng nhất là việc người làm bóng bì mua phải những loại ô xy già trôi nổi không rõ nguồn gốc. Người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm bị ngâm tẩm với những hóa chất có trong ô xy già, dễ dẫn đến các chứng như rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng tới hệ thần kinh cũng như các bộ phận trên cơ thể người”.
Thanh Niên