“Làm báo còn nguy hiểm hơn cảnh sát hình sự” – đó là lời chia sẻ đầy trăn trở của nhà báo lão thành Thọ Cao (Ban liên lạc nhà báo cao tuổi Hà Nội) về nghề báo. Thật vậy, cảnh sát hình sự còn được đào tạo bài bản, có vũ khí và cả một hệ thống phát luật bảo vệ kiên cố. Còn nhà báo, “tay mơ” một chút, “nhẹ dạ” một chút là "vào tròng” ngay.
Bị cản trở khi đang tác nghiệp là chuyện thường xuyên gặp phải của đa số
phóng viên xã hội (Ảnh minh họa).
Điển hình là câu chuyện của anh B.P (phóng viên ảnh của M&CS): “Phóng viên ảnh quan trọng nhất là cái máy ảnh, vậy mà mình bị giang hồ nó rượt theo giựt máy mấy lần, có đứa còn đòi đập máy vì nghĩ mình chụp nó. Có một lần chạy không thoát, mình bị nó giữ lại đòi đánh và đập máy. Cũng may hôm đó là đi chụp phóng sự nhà cửa chứ không phải đến chụp tệ nạn (đá gà) nên trong máy chỉ toàn hình ảnh nhà cửa của khu dân cư. Vậy là tụi nó tha cho, không quên để lại vài lời hăm dọa sẽ xử đẹp….
Làm báo vậy đó, phải yêu nghề, kiên trì và lì lợm. Độc giả họ cần biết sự thật nhưng không phải sự thật nào cũng dễ phơi bày. Một vài tấm hình minh chứng, nhìn thấy đơn giản chứ thật sự để có được nó – cánh phóng viên ảnh chúng tôi phải vất vả ngược xuôi, nhập vai giả dạng như diễn viên và tư duy về đối tượng như một cảnh sát. Nói chung là đủ trò để có được một bài báo chứ không phải chỉ lấy máy ảnh ra và chụp, chụp, chụp – như cách mọi người vẫn nghĩ”.
Để có những bài viết phản ánh thực tế xã hội, phóng viên các báo đã phải
đổi bằng máu và sức khỏe của chính mình.
Tương tự như anh B.P, nữ phóng viên T.T (báo GDXH) chuyên thực hiện những đề tài nóng của xã hội cũng là người thường xuyên nhận được những lời đe dọa đầy máu lạnh của giới xã hội đen, thậm chí là bị theo dõi, chặn đường nhiều lần nhưng chị vẫn mạnh mẽ đấu tranh và tích cực trong các đề tài xã hội của mình, mặc bao nhiêu nguy hiểm đang cận kề.
Hoặc như câu chuyện của anh T.D (báo GTVT) chia sẻ trên chính trang báo của mình về lần đi thực hiện phóng sự về tệ nạn rải đinh ở Bình Dương, chính anh cũng trở thành nạn nhân của tệ nạn này khi đang trên đường quay về thành phố. Giữa con mưa tầm tã, T.D đã phải ngậm ngùi rút 480.000 đồng cho một cái lốp xe và lòng thầm cám ơn trời đất vì đã không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào vì là may mắn khi trúng bẫy của bọn đinh tặc, anh đang chạy xe khá chậm.
Gần đây nhất (ngày 10/6/2013), anh T.D cũng bị một tai nạn nghề nghiệp trên đường khi đang đi chơi với cô bạn gái: “Trên đường từ Đại lộ Đông Tây ra Xa lộ Hà Nội thấy hai chiếc xe tải chở gỗ cồng kềnh, chất cao ngút, phóng vùn vụt. Máu nghề nghiệp trong người nổi lên, tôi bảo bạn gái lấy điện thoại ra chụp và quay lại cảnh kinh hoàng này.
Khi qua trạm thu phí Xa lộ Hà Nội, vừa định cất điện thoại thì bỗng có hai ông xe ôm chạy xe gắn máy kè sát hai bên tôi. Một ông chỉ thẳng vào mặt tôi và ra lời hăm dọa. “Làm gì mà quay phim chụp hình thế? Muốn nằm xuống giữa đường luôn không?”. Tôi biết là nếu cự cãi thì chẳng có lợi gì cho mình nên rẽ trái qua hướng đường khác. Bạn gái tôi ngồi sau mặt như không còn chút máu, ôm sát lấy tôi”.
N.M (nữ phóng viên trẻ của một trang tin xã hội) chia sẻ: “Nhớ nhất là cái vụ đi làm bài phóng sự ở Hóc Môn. Mình và một anh phóng viên ảnh phóng xe máy xuống hiện trường gặp nhân vật và bí mật theo dõi bà ấy từ trưa đến tận tối để xác minh sự thật. Trong quá trình tác nghiệp, bọn mình phải chui vào một cái ngõ nhỏ đối diện nơi sống của nhân vật để quay clip làm bằng chứng. Mọi thứ đang diễn ra khá suôn sẻ, đúng ngay lúc gây cấn thì có một nhóm thanh niên giống người nghiện đến vỗ vai và “hỏi thăm” những lời lẽ đầy mùi xã hội đen. Không thể chối cãi với hành động của mình và biết rõ bản thân đang đứng giữa khu tệ nạn bậc nhất khu này nên bọn mình không còn đường thoát nào ngoài cách “Chạy”, hai anh em chạy thật nhanh ra đường lớn, nhắm mắt mà chạy và không dám nghĩ gì ngoài việc cắm đầu để chạy”.
Nhà báo T.Đ với khuôn mặt bị đánh bầm, sưng húp (ảnh nhỏ) khi đi tìm
thông tin việc vận chuyển gia súc, gia cầm tại Lạng Sơn. Ảnh: Internet
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn được như vậy, phóng viên T.Đ của báo N.L.Đ khi đi viết bài về buôn lậu tại Lạng Sơn đã bị hành hung một cách dã man, phải nhập viện điều trị suốt một thời gian dài trong đau đớn và chịu nhiều tốn kém. Hoặc như vụ phóng viên ảnh thể thao D.B (TT24h) đang tác nghiệp thì bị 6 người đàn ông lao vào hành hung và đập phá máy ảnh. Sự việc sau đó cũng được phản ánh nhưng cuối cùng lại “chìm xuồng”, không một lời xin lỗi một cách khó hiểu.
Phóng viên đi tác nghiệp bị móc túi, mất trộm điện thoại di động đã là chuyện bình thường. H.H và P.H (phóng viên của TTXVN) trên đường đi tác nghiệp đã bị kẻ gian giật mất chiếc balo trong đó có 3 ống kính máy ảnh trị giá hơn 50 triệu đồng. Các sự kiện sao ngoại đến Việt Nam có khi lại là nơi nguy hiểm nhất của nghề báo vì khi đó cánh phóng viên dường như chảng màng đến việc gì ngoài việc lao vào đám đông “chụp, và chụp”, họ chỉ quan tâm làm sao để đem về cho độc giả báo mình những hình ảnh đẹp và độc nhất. Đó chính là lý do chỉ trong một sự kiện sao Hàn đến Việt Nam mà có đến tận 5 phóng viên của nhiều báo mất điện thoại Iphone ngay tại sân bay khi đang chăm chú tác nghiệp hình ảnh.
Công việc làm báo nguy hiểm và đầy chông gai. Nếu không có lòng yêu nghề và ý chí dũng cảm, tinh thần “thép” để vượt qua khó khăn thì những người làm báo (đặc biệt là mảng đời sống - xã hội) sẽ khó mà sống và trụ lại với nghề được lâu.
*Bài viết có sử dụng nguồn thông tin và hình ảnh từ các đồng nghiệp báo chí.
Theo Trí Thức Trẻ