Báo cáo thường niên 2024 của Vingroup đã hé lộ về một bước đi táo bạo: phát triển người máy đa năng mang thương hiệu "Made in Vietnam". Tập đoàn này đã thành lập hai công ty con, VinMotion và VinRobotics, với vốn điều lệ mỗi đơn vị lên tới 1.000 tỷ đồng, thể hiện sự đầu tư nghiêm túc và kỳ vọng lớn vào lĩnh vực này.
VinMotion, dự kiến đi vào hoạt động từ đầu năm 2025, sẽ tập trung vào thiết kế và chế tạo robot hình người đa nhiệm, một dòng sản phẩm được định hướng là "general-purpose humanoid robot". Những robot này được thiết kế để hoạt động linh hoạt, không chỉ trong môi trường sản xuất mà còn trong cuộc sống hàng ngày. Mục tiêu của VinMotion không chỉ giới hạn ở thị trường nội địa mà còn hướng đến việc chinh phục thị trường quốc tế.
Vingroup hé lộ về một bước đi táo bạo: phát triển người máy đa năng mang thương hiệu "Made in Vietnam"
Trong khi đó, VinRobotics, ra đời vào cuối năm 2024, sẽ đóng vai trò then chốt trong việc nghiên cứu công nghệ lõi và phát triển các nguyên mẫu robot phục vụ cho nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghiệp, dịch vụ và tự động hóa. Đặc biệt, các sản phẩm của VinRobotics sẽ được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), nâng cao khả năng tương tác và thực hiện các tác vụ phức tạp. Mô hình phát triển của VinRobotics được xây dựng khép kín, đảm bảo quá trình thử nghiệm và kiểm tra kỹ lưỡng trước khi chính thức thương mại hóa.
Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng, trực tiếp tham gia vào dự án này bằng việc góp vốn và nắm giữ 39% cổ phần tại VinRobotics. Vingroup sở hữu 51% cổ phần, phần còn lại thuộc về hai cổ đông khác là ông Phạm Nhật Quân Anh và Phạm Nhật Minh Hoàng.
Việc Vingroup tham gia vào lĩnh vực robot hình người gợi nhớ đến những hoài nghi ban đầu khi tập đoàn này quyết định tham gia vào thị trường xe điện vào năm 2017. Tuy nhiên, VinFast đã chứng minh được khả năng của mình bằng việc xuất khẩu ô tô ra thị trường quốc tế, đạt tỷ lệ nội địa hóa ấn tượng 60% và hướng tới mục tiêu 84% vào năm 2026. Sự ra đời của VinRobotics tiếp tục cho thấy tham vọng của ông Vượng không chỉ dừng lại ở lĩnh vực ô tô, mà còn mở ra một "giấc mơ robot" cho người Việt.
Vingroup chính thức gia nhập vào "sân chơi robot hình người" toàn cầu, nơi đã có sự hiện diện của nhiều "ông lớn" công nghệ. Tesla, dưới sự dẫn dắt của tỷ phú Elon Musk, đã giới thiệu robot hình người Optimus với khả năng thực hiện các thao tác phức tạp. BYD, nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc, cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào AI và robot, thành lập nhóm nghiên cứu riêng về "Trí thông minh hiện thân" để phát triển các dòng robot di động và robot hình người.
(Ảnh minh hoạ)
Các hãng xe khác như Xpeng và Dongfeng Motors cũng không đứng ngoài cuộc đua này. Xpeng đã cho ra mắt robot Iron, được ứng dụng trong nhà máy, trong khi Dongfeng hợp tác với Ubtech để đưa robot Walker S lên dây chuyền lắp ráp ô tô. Theo dự báo của Elon Musk, đến năm 2040, thế giới có thể có khoảng 10 tỷ robot hình người, với mức giá dao động từ 20.000 đến 30.000 USD (từ hơn 520 triệu - 781 triệu đồng) mỗi con. Goldman Sachs ước tính thị trường robot toàn cầu có thể đạt quy mô 38 tỷ USD (hơn 989 nghìn tỷ đồng) vào năm 2035.
Trong bối cảnh các quốc gia đang chạy đua để làm chủ công nghệ robot, sự xuất hiện của VinRobotics và VinMotion không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chiến lược quốc gia. Đây là cách Vingroup chủ động xây dựng nền tảng công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh công nghệ của Việt Nam.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)