Việc phát hiện này làm nổi bật tầm quan trọng của việc tái chế rác thải điện tử, đặc biệt trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt. Theo Hiệp hội Hóa học Trung Quốc, những kim loại quý hiếm này được hình thành từ trước khi Trái Đất ra đời và không thể được con người tạo ra, với dự đoán một số sẽ cạn kiệt trong vòng 100 năm tới. Trong khi đó, các thiết bị điện tử cũ chứa đựng hàm lượng đáng kể các kim loại quan trọng này.
Sau khi phát hiện những túi rác đen chứa đầy thiết bị điện tử phế thải, các chuyên gia ước tính "mỏ vàng" kim loại quý hiếm ẩn chứa bên trong có giá trị lên đến hơn 147 nghìn tỷ đồng (Ảnh minh hoạ)
Trung Quốc, với vai trò là trung tâm tiếp nhận khoảng 70% rác thải điện tử toàn cầu, đồng thời là quốc gia sản xuất và tiêu thụ lớn nhất thế giới, đang tích cực khai thác nguồn tài nguyên này. Xu hướng mua mới và thải cũ thiết bị điện tử ngày càng phổ biến đã biến các bãi rác thành những "mỏ vàng" hiện đại, nơi linh kiện được tháo dỡ, kim loại quý thu hồi và chuyển đến các nhà máy tái chế chuyên dụng.
Tuy nhiên, việc xử lý rác thải điện tử một cách không hiệu quả vẫn là một vấn đề nhức nhối. Một lãnh đạo công ty tái chế thiết bị điện tử ở Trung Quốc chia sẻ: "Rất nhiều thiết bị điện tử cũ bị vứt vào túi rác đen và xử lý như rác thông thường, thậm chí bị đốt, điều này thực sự là một tổn thất lớn".
Để giải quyết thách thức này, Trung Quốc đã thúc đẩy các mô hình tái chế sáng tạo như “tiêu dùng xanh + tái chế xanh” hay “internet + tái chế phân loại", tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của internet và nhu cầu đổi mới liên tục từ người tiêu dùng.
(Ảnh minh hoạ)
Ngành công nghiệp tái chế rác điện tử tại Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn phát triển mới. Dự kiến đến năm 2030, tổng giá trị phân loại và tái sử dụng chất thải rắn tại nước này sẽ đạt từ 7.000 đến 8.000 tỷ NDT (hơn 25 đến 28 nghìn tỷ đồng), tạo ra khoảng 40 - 50 triệu việc làm, trở thành một ngành công nghiệp trọng điểm.
Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, mỗi năm có hơn 200 triệu thiết bị điện tử lớn bị tiêu hủy tại nước này. Tính đến nay, Trung Quốc đã thải bỏ hơn 11 triệu tấn sản phẩm như tivi, tủ lạnh, điện thoại và các thiết bị điện tử khác – chiếm phần lớn rác thải điện tử toàn cầu. Tuy nhiên, vào năm 2019, chỉ 17,4% lượng rác điện tử được thu gom và tái chế, cho thấy tiềm năng khai thác vẫn còn rất lớn.
Với sự phát triển của công nghệ tháo dỡ và chiết xuất kim loại quý, việc "kiếm tiền từ rác" đang trở thành hiện thực. Nhiều doanh nghiệp lớn đã tham gia vào lĩnh vực này, thúc đẩy ngành tái chế rác điện tử phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc, biến những bãi rác tưởng chừng vô giá trị thành những nguồn tài nguyên vô cùng quý báu.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)