Theo thông tin từ Sở nghiên cứu khoa học địa chất sinh vật cổ Nam Kinh, Trung Quốc, một nhà khoa học người Tây Ban Nha là José Bienvenido Diez đã phát hiện một đóa hoa kỳ lạ 15 triệu năm tuổi bên trong một hóa thạch hổ phách Dominica của Bắc Mỹ.
Việc các nhà khảo cổ khám phá về sinh vật thời xa xưa thông qua các hóa thạch hổ phách đã không còn xa lạ. Nhựa cây cổ đại sau khi thu hút côn trùng bởi mùi hương đã cuốn các sinh vật này vào và giữ chúng lại bên trong. Tuy nhiên nhựa cây cũng là chất rất dễ bị phá hủy. Không dễ dàng gì để nhựa cây đó có thể chống chịu sự phân hủy của các quá trình vật lý và sinh học qua hàng chục triệu năm để tồn tại đến ngày nay. Vì vậy, mỗi loài sinh vật hay thực vật tồn tại trong hóa thạch hổ phách càng vô cùng quý giá.
Hóa thạch hổ phách luôn có ý nghĩa rất lớn với khoa học bởi đây là nguồn thông tin quý giá về sinh vật thời cổ đại
Nhóm các nhà nghiên cứu bao gồm José và 3 nhà nghiên cứu người Trung Quốc đã cùng thực hiện báo cáo về đóa hoa thượng cổ này. Kết quả nghiên cứu đã được ghi nhận trong tập san 'Palaeoentomology' (Côn trùng học cổ đại).
Hình chiếu 3 chiều của đóa hoa cổ, được đặt tên theo nhà số học Đinh Thạch Tôn nổi tiếng của Trung Quốc
Mẫu vật của đóa hoa này được cất giữ tại viện Nam Kinh. Nhóm nghiên cứu cũng thống nhất đặt tên loài hoa là hoa 'Đinh Thị' để tưởng nhớ nhà số học Đinh Thạch Tôn nổi tiếng của Trung Quốc.
Hình ảnh đóa hoa viễn cổ được phục dựng 3D
Những loài hoa ngày nay cũng đã tiến hóa và phát triển khác rất nhiều về chủng loại hay hình thái, nhưng hình ảnh một đóa hoa từ thời viễn cổ vẫn còn lưu lại trên Trái Đất sau 15 triệu năm khiến người ta không khỏi trầm trồ trước sự kỳ diệu của thiên nhiên.
Minh Tâm (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)