Ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông
Sinh viên ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông hiện được săn đón ngay từ khi chưa tốt nghiệp, nhờ cơ hội việc làm rộng mở, mức lương khởi điểm cao và triển vọng phát triển toàn cầu.
Trong bối cảnh bùng nổ của 5G, IoT, AI, robot, thành phố thông minh..., ngành này đang giữ vai trò then chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xóa bỏ định kiến “khô khan” trước đây.
Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết mỗi năm thiếu khoảng 100.000 kỹ sư công nghệ thông tin và viễn thông, con số đang tiếp tục tăng.
Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch HĐQT TMA Solutions, nhận định: “Ngành viễn thông đang tái cấu trúc toàn diện với 5G, IoT, cloud và AI. Doanh nghiệp sở hữu nhân lực chất lượng cao sẽ nắm lợi thế cạnh tranh vượt trội”.
Ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông dễ xin việc trong bối cảnh hiện tại (Ảnh minh họa).
Theo dự báo từ Tập đoàn VNPT, từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần hơn 500.000 kỹ sư điện tử - viễn thông để đáp ứng nhu cầu mở rộng mạng lưới, phát triển hệ thống dữ liệu, thiết kế chip, vi mạch và vận hành các thiết bị kết nối thông minh.
Tại Diễn đàn chuyển đổi số quốc gia 2024, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Việt Nam muốn trở thành trung tâm sản xuất thiết bị 5G, vi mạch khu vực, thì điều kiện tiên quyết là phải có lực lượng kỹ sư đông đảo, giỏi chuyên môn, thành thạo ngoại ngữ và tư duy toàn cầu".
Cơ hội việc làm và mức lương
Sinh viên ngành này còn được hưởng mức lương khởi điểm cao so với mặt bằng chung các ngành kỹ thuật.
Tại các tập đoàn lớn như Viettel, FPT, VNPT, Samsung R&D, mức lương khởi điểm cho kỹ sư mới tốt nghiệp dao động từ 12 - 18 triệu đồng/tháng, và có thể tăng nhanh lên 30 - 50 triệu/tháng chỉ sau 2 - 3 năm nếu có kỹ năng tốt và ngoại ngữ ổn.
Theo khảo sát thị trường của VietnamWorks, kỹ sư điện tử viễn thông có thể đạt mức lương hơn 50 triệu/tháng nếu làm ở vị trí chuyên gia giải pháp, quản lý dự án hoặc chuyển sang các mảng "hot" như điện tử y sinh, tự động hóa, an ninh mạng hoặc thiết kế chip.
Không ít sinh viên từng thực tập tại các doanh nghiệp Nhật, Hàn, Singapore cũng được mời về làm việc chính thức ngay sau khi bảo vệ đồ án tốt nghiệp.
Trần Phúc Nam, sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông (ĐH Bách Khoa TP.HCM) chia sẻ: “Từ học kỳ 7, em đã được một công ty công nghệ Nhật Bản mời phỏng vấn thực tập, sau đó nhận luôn offer chính thức. Thầy cô còn khuyên nên cân nhắc kỹ vì lúc đó em còn chưa hoàn thành đồ án tốt nghiệp".
(Ảnh minh họa)
Câu chuyện của Nam không phải là cá biệt. Nhiều trường đại học kỹ thuật hiện đang hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để đào tạo sinh viên sát thực tiễn và đảm bảo đầu ra.
Theo đại diện Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Tỷ lệ sinh viên ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông có việc làm đúng chuyên ngành sau tốt nghiệp đạt trên 95%, nhiều sinh viên được các doanh nghiệp tuyển dụng ngay từ năm 3, năm 4".
Đây là kết quả của việc nhà trường đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp và cập nhật chương trình đào tạo sát với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao.
Không phải ai cũng phù hợp với ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông. Để theo đuổi ngành này, ngoài năng lực học toán - lý - công nghệ, sinh viên cần rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tư duy giải quyết vấn đề và khả năng ngoại ngữ - đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành.
Bên cạnh đó, xu hướng mới như thiết kế vi mạch (IC Design), trí tuệ nhân tạo trong viễn thông, 5G/6G hay điện tử y sinh đang mở ra cơ hội cho các bạn yêu thích công nghệ có thể vừa “làm kỹ thuật”, vừa sáng tạo giải pháp mới cho xã hội.
T.San (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)