Cạm bẫy người ở bên kia biên giới
Có mặt tại trụ sở Ủy ban xã Đôn Phục, tiếp chúng tôi là Trưởng Công an xã Vi Uy Tín. Tín cho biết, Đôn Phục là xã nghèo, trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại rất khó khăn, hễ trời mưa to là các bản bị chia cắt bởi các con suối, không đi lại được.
Tín không khỏi lo lắng cho biết: “Từ năm ngoái đến nay, trên địa bàn xã đã có 15 phụ nữ, trẻ em rơi vào nghi diện bị lừa bán. Riêng đầu năm 2012 đến nay có 8 nữ sinh nghỉ học, mà theo những người nhà cho biết thì các em đi làm ăn xa, nhưng không cho biết cụ thể là ở đâu.
Có nhiều em bị lừa bán sang Trung Quốc, nhưng cũng có một số tự nguyện đi, sau khi gia đình nhận một số tiền kha khá từ các đối tượng cò mồi”.
Dừng chân tại Trường Trung học cơ sở xã Đôn Phục, chúng tôi gặp thầy Trần Viết Nam, Phó hiệu trưởng. Qua câu chuyện về sự mất tích đầy bí ẩn của nhiều nữ học sinh, thầy Nam cho biết: các em học sinh bỏ học nhiều nhất là học sinh nữ khối lớp 8, lớp 9, vì ở độ tuổi này các em có thể lao động.
Để đề phòng nạn nhân bỏ trốn, sau khi đã lừa được, bọn chúng sẽ tìm mọi cách cắt đứt liên hệ của các nạn nhân với người quen và thế giới bên ngoài bằng cách quản lý giấy tờ tùy thân, không cho mang theo điện thoại, tiền bạc.
Có một số đối tượng trong đường dây buôn người vốn trước đây là nạn nhân nay trở về lại thực hiện hành vi lừa đảo các đối tượng khác.
Lời kể của thiếu nữ bị lừa bán làm vợ… ông già
Sau hơn một giờ đồng hồ vật vã với đường rừng, chúng tôi cũng đến được nhà em Ngân Thị Ứng, vừa được giải cứu sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc.
Trong gian nhà tranh dột nát, Ứng chưa hết sợ hãi khi nhắc lại những ngày làm vợ tủi nhục nơi đất khách quê người. Vào tháng 8/2011, Lương Thị Việt, bạn cùng xã, đến rủ em xuống thành phố Vinh làm giúp việc, công việc đơn giản nhiều tiền, em đồng ý.
Hai hôm sau, khi Ứng ở nhà một mình thì Việt đến rủ đi. Khi lên nhà Việt thì đã có chị Lương Thị Nhung và chị Vi Thị Hà đợi sẵn. Trước những lời dụ dỗ dồn dập của các “má mì”, Ứng lên xe rồi nghe lời uống thuốc chống say, sau đó ngủ không biết gì.
Ba ngày sau, xe dừng lại, Ứng mới biết mình đang ở Trung Quốc.
Một người phụ nữ bảo với Ứng và Việt: "bọn tao đã bán chúng mày cho người ta lấy làm vợ rồi”.
“Chúng em nói không đồng ý và đòi về nhà thì liền bị mấy người đàn ông xông vào đánh túi bụi và kề dao vào cổ dọa giết, sợ quá nên bọn em đành phải đồng ý”, Ứng kể.
Ứng làm vợ một người đàn ông còn nhiều tuổi hơn cả bố mình, mặt rất ghê sợ và hung dữ, ngày nào cũng đánh đập vì Ứng luôn cự tuyệt mỗi lúc ông ta bảo lên giường.
Sau hơn 7 tháng ở xứ người, Ứng cũng không biết tên ông ta là gì, đang ở đâu vì không biết tiếng Trung. Ngày nào em cũng phải làm việc từ sáng tinh mơ cho đến đêm khuya mới được nghỉ.
Từ khi ở quê người, điện thoại của Ứng cũng hết tiền, chỉ nhận mà không thể gọi được. Cho đến một hôm có một cuộc điện thoại của cô nhà báo, hỏi thăm tình hình để giải cứu. Cũng may nhà chồng không biết tiếng Việt nên sau đó không lâu, Ứng được cứu đưa về Việt Nam.
“Bữa nó đi nhằm vào ngày lũ lớn nên hai vợ chồng cứ tưởng nó bị nước lũ cuốn đi, sau đó hỏi Nhung và Hà (hai phụ nữ lừa bán Ứng) qua điện thoại thì được hai người này báo là đã bán con gái sang Trung Quốc. Tham gia lừa bán Ứng còn có hai người là Vi Văn Sơn và Lang Thị Ngân. Ngay khi nghe chuyện, tôi liền báo ngay cho Công an xã, huyện để tìm cách cứu con gái. Thật phúc cho nhà tôi, cháu nó đã trở về”, anh Tư - cha của Ứng kể lại.
Afamily