Tại Nghị định 97/2023/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào ngày 31/12/2023 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Trong đó, chính sách miễn giảm học phí vẫn quy định theo Nghị định 81.
Cụ thể, Chính phủ quy định những chuyên ngành được miễn 100% học phí bao gồm: Chuyên ngành Mác-Lê Nin; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Chuyên ngành Lao; Phong; Tâm thần; Giám định pháp Y; Pháp y tâm thần; Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.
Theo Luật khám chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 (thay thế cho luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009), có quy định thêm 2 ngành được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học là Truyền nhiễm và Hồi sức cấp cứu. Tuy nhiên, sinh viên phải đạt kết quả học tập, rèn luyện đủ điều kiện để cấp học bổng tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước.
Bên cạnh đó, đối tượng hưởng chính sách này còn là người học các trình độ trung cấp, Cao đẳng đối với những ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng có nhu cầu theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
Chính phủ đã ban hành quy định về những chuyên ngành đã được áp dụng chính sách miễn giảm 100% học phí. (Ảnh minh họa)
Cũng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các ngành sư phạm được miễn học phí bao gồm: Ngành sư phạm Mầm non, Sư phạm tiểu học và ngành sư phạm các môn học ở Trung học cơ sở công lập; Giáo dục Trung học phổ thông; Giáo dục đặc biệt; Giáo dục thể chất; Giáo dục Quốc phòng – An ninh.
Bên cạnh đó, nhằm thu hút được sinh viên học ngành sư phạm, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, sinh viên sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí.
Mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (mỗi năm học 10 tháng). Các sinh viên ngoài các ngành được miễn giảm theo quy định sẽ đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo theo học.
Sinh viên Sư phạm đã được hưởng chính sách, nhưng không thực hiện công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm hoặc đủ 2 năm, tính từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm bồi hoàn lại kinh phí hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt theo quy định.
Bên cạnh sư phạm, các trường Công an, Quân đội cũng nằm trong chính sách hỗ trợ 100% học phí cho sinh viên theo học theo quy định của Nhà nước.
Ngoài các ngành học nêu trên, nhiều ngành khác cũng đang được đề xuất miễn, giảm học phí để giảm gánh nặng cho người học.
Cụ thể, Bộ Y tế mới có đề xuất với Chính phủ về việc hỗ trợ học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành Y nhằm thu hút người học trong bối cảnh ngành này đang thiếu nhân lực về cả số lượng và chất lượng.
Bộ GD&ĐT cũng nghiên cứu, đề xuất về chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành bán dẫn, đồng thời triển khai mô hình liên kết để đào tạo nhân lực cho ngành này. Dự kiến trong năm 2025, Bộ sẽ rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách miễn, giảm học phí và chính sách học bổng đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan ngành công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)