Không nên để túi xách ở khung xe khi di chuyển
“Sự cố” bất ngờ
Khoảng 20h ngày 5-12, chị Nguyễn Hồng Hạnh (SN 1978), ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội điều khiển xe máy từ nơi làm việc về nhà riêng. Vừa đến nút giao Lạc Trung – Thanh Nhàn, chị Hạnh bị một thanh niên đi xe máy cùng chiều đâm mạnh từ phía sau. Mặc cho người phụ nữ bị ngã dúi dụi, thanh niên kia vờ như không liên quan, định nổ xe bỏ chạy. “Tôi và cô bạn thân đã yêu cầu anh ta đứng lại giải quyết. Nhưng người đó không những không thừa nhận đã va chạm mà còn to tiếng quát tháo. Chỉ khi người dân xúm lại, nam thanh niên mới chịu xuống nước xin lỗi, mong được bỏ qua” - chị Hạnh ấm ức kể. Nhưng lúc quay lại, chị Hạnh mới phát hiện chiếc túi đựng máy tính xách tay treo ở trước xe đã không còn. Đáng nói, đó là tài sản của cơ quan, bên trong chứa toàn bộ số liệu kinh doanh, công nợ từ đầu năm đến nay. Ngẫm nghĩ lại, chị Hạnh khẳng định, vụ va chạm được thực hiện có chủ ý.
Khoảng một tuần sau đó, cũng gần khu vực này lại tiếp tục xảy ra vụ trộm cắp tài sản với thủ đoạn tương tự. Nạn nhân lại là một nữ nhân viên văn phòng, điều khiển xe máy để máy tính xách tay ở khung. Lúc đó, đang là giờ tan tầm nên đường khá đông. Vừa lách qua chiếc xe taxi, xe của nữ nhân viên này đã bị một thanh niên giữ lại. Mất nhiều công thuyết phục, người này mới chịu buông tay khỏi đuôi xe. Khi quay lại định nổ máy đi tiếp, nạn nhân mới biết chiếc máy tính xách tay để phía trước đã không cánh mà bay. Nhìn quanh một vòng, cô gái trẻ không thấy gã trai đeo bám mình đâu nữa.
Thông tin chúng tôi cập nhật ở riêng Đội CSĐT tội phạm về TTXH – CAQ Hai Bà Trưng cho thấy, đơn vị này đang thụ lý điều tra ổ nhóm trong khoảng thời gian từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11 năm 2013, đã gây ra hơn 10 vụ trộm cắp tài sản với thủ đoạn “đâm sau, trộm trước” trên nhiều địa bàn ở thành phố. Đáng nói, các vụ việc dạng này không chỉ diễn ra ở các địa bàn nội thành mà bắt đầu xuất hiện ở một số huyện giáp ranh – nơi có đông sinh viên, người lao động thuê trọ. Thời điểm gây án của các đối tượng thường từ sau 18h, và đa phần bị hại là phụ nữ điều khiển xe máy một mình. Tuy nhiên, đã có cả người điều khiển ô tô rơi vào bẫy “đâm sau, trộm trước”. Sáng 5-12, trong lúc dừng xe ô tô để mua thức ăn trên phố Trần Xuân Soạn, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, bà Liên (SN 1957), đã bị kẻ gian “thó” mất túi xách để ở ghế phụ. Trong túi có 2 triệu đồng, 40 USD và một số giấy tờ tùy thân. Theo tường trình của bà Liên, trước đó, 1 đối tượng đi xe máy ngược chiều cố tình va vào gương xe ô tô. Bà Liên đã hạ kính, và xuống xe để giải quyết. Lợi dụng thời điểm đó, có kẻ thứ hai đã ra tay lấy trộm túi xách của “khổ chủ”.
Một vụ việc khác xảy ra trước cửa công viên Thống Nhất hồi tháng 11 vừa qua; các đối tượng gây án cũng có sự bàn bạc, phân vai để tạo nên các tình huống va chạm người điều khiển ô tô. Kể lại sự việc với nỗi bực tức, anh Tuấn - lái xe hôm đó cho biết, đã bị xe máy do một đối tượng nữ khá trẻ điều khiển đâm vào sau xe ô tô. Quan sát qua gương chiếu hậu thấy cô gái ngã ra đất, anh Tuấn vội xuống xe đỡ cô gái dậy. Trước sự có mặt của nhiều người, lái xe ô tô đã phân tích nguyên nhân vụ va chạm. Mải loay hoay hỏi han vết thương của cô gái và kiểm tra vết trầy xước trên xe, anh Tuấn không biết trong xe đang có người lục lọi. Sau khi đi tiếp được vài cây số, nạn nhân mới phát hiện bị mất cắp điện thoại di động và lọ nước hoa đắt tiền.
Đối tượng chuyên đeo bám, cướp giật túi xách của phụ nữ bị CAP Trương Định bắt giữ
Phòng tránh như thế nào?
Theo đánh giá của cơ quan công an, để thực hiện các vụ dàn cảnh trộm cắp tài sản, các đối tượng luôn có sự cấu kết, phối hợp ăn ý với nhau. “Con mồi” chủ yếu là những phụ nữ điều khiển xe máy cầm theo ĐTDĐ, túi xách hoặc các tài sản có giá trị. Để tránh bị nạn nhân phát hiện, tri hô, kẻ gian thường ra tay tại các nút giao thông có đèn xanh – đèn đỏ hay các đoạn đường đông người qua lại. Đây vừa là nơi có thể tạo ra va chạm, lại vừa dễ để đối tượng lấy cắp tài sản tẩu thoát.
Đề phòng tình huống này, Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội khuyến cáo: Người đi xe máy không nên để túi xách, treo các vật dụng có giá trị ở trước xe, cũng như đặt ở khu vực để chân. Tài sản đắt tiền như điện thoại, ví da, máy ảnh, máy tính xách tay… nên cất trong cốp xe, hoặc để trong túi, ba lô có quai đeo sau lưng chắc chắn. Tuyệt đối không cầm điện thoại, đeo túi xách ở vai, cánh tay khi tham gia giao thông. Trước những tình huống va chạm, người điều khiển phương tiện cần bình tĩnh, chú ý bảo quản, cầm giữ tài sản có trên xe và rút khóa khỏi ổ điện. Riêng người điều khiển xe ô tô nhớ đóng toàn bộ kính xe, chốt cửa trước khi ra khỏi ngoài giải quyết va chạm. Trong mọi trường hợp cần thường xuyên bao quát tình hình, sẵn sàng tri hô, kêu gọi trợ giúp nếu phát hiện những biểu hiện bất thường.
Theo ANTĐ