Vào mỗi buổi chiều, các chị em phụ nữ và cụ già lứa tuổi từ trên 60 đến 83 ở làng Xuân Bách
xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) lại tổ chức thi đấu trò bóng cửa. Đây là
một môn thể thao quen thuộc và gắn bó với người cao tuổi toàn xã
đã hơn 10 năm nay.
Họ tổ chức chơi tại sân chơi của làng. Cứ 15h chiều, mọi người lại vác dụng cụ
ra địa điểm thi đấu để chơi.
Môn bóng cửa có nét na ná như chơi golf. Tại đây, các cụ dùng một chiếc vồ để đánh bóng.
Quả bóng có đường kính gần 10cm, làm bằng nhựa đặc, được người chơi
đánh qua ba lần cửa có chiều cao và rộng chừng hơn 20cm.
Trận đấu gồm hai đội, mỗi đội năm người, mỗi người sở hữu một quả bóng được đánh số
chẵn và lẻ, phân biệt bằng hai màu trắng và đỏ. Trong ảnh là bà cụ Bôn, người đã có
thâm niên chơi bóng cửa 13 năm.
Mặc dù cụ Bôn (83 tuổi) lưng còng nhưng chơi môn thể thao này rất khoẻ. Cụ cho biết
mình bị nghiện bóng cửa, không thể bỏ được. "Ngày nào mà không được chơi
là thấy thiếu thiếu gì đó. Ngày nào cũng chỉ mong nhanh đến buổi chiều
để được ra sân thi đấu với mọi người", cụ Bôn nói.
Trong thời gian 30 phút thi đấu một trận, các thành viên trong đội dùng trái bóng của đội mình
để làm cầu nối đánh về phía cột cờ ở giữa sân, và phá bóng của đối phương ra ngoài sân
buộc đối thủ phải chơi lại từ đầu. Mỗi một lần bóng qua cửa được tính là 5 điểm.
Chung cuộc đội nào nhiều điểm hơn sẽ giành chiến thắng.
Một pha dùng bóng của mình đánh bóng đối phương ra ngoài sân.
Các cụ không chỉ khoẻ, đánh giỏi, chính xác mà còn có nhiều chiến thuật khá cao tay.
Bà Nguyễn Thị Trải (83 tuổi) cũng là một trong những người đầu tiên ở làng
chơi bóng cửa. Bà hay được con cháu giục đi chơi bóng cửa cho sớm
sau khi ăn, vừa chơi vừa đùa vui hai câu thơ: "Ngày ngày sớm sớm
chiều chiều/Luyện tập bóng cửa là liều thuốc tiên".
Thi đấu thì khoẻ người ra nhưng trong khi thi đấu việc chạy theo bóng và dùng sức
để đánh bóng bằng chiếc vồ nặng vài kg cũng làm nhiều cụ mỏi ra rời chân tay.
Cột cờ, đích đến của những trái bóng.
Niềm hứng khởi chiến thắng của bà cụ Trải trong một trận đấu 30 phút. Môn thể thao này
đã giúp cho không khí ở làng quê ngoại thành Hà Nội trở nên rộn rã hơn, tạo sự
gắn kết giữa các cụ già đã nghỉ hưu hoặc hết tuổi lao động.
Theo Tri Thức