Công bố điểm sàn xét tuyển đại học
Điểm sàn là mức điểm tối thiểu mà thí sinh cần đạt để đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển vào trường trong kỳ tuyển sinh đại học năm nay.
Trường Đại học Ngoại thương
Năm nay, Trường Đại học Ngoại thương dùng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để tuyển sinh. Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) lần lượt là 100/150; 850/1200 và 60/100.
Đại học Kinh tế quốc dân
Đại học Kinh tế quốc dân lấy điểm sàn theo điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là 85/150. Ngoài ra, trường còn xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội với mức sàn lần lượt là 700/1.200 và 60/100.
Tuyển sinh ĐH 2025: Nhiều trường dự kiến điểm sàn (Ảnh minh họa).
Trường Quản trị và Kinh doanh
Theo thông tin từ Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội), thí sinh phải đạt ngưỡng điểm bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội từ 80/150 điểm trở lên hoặc với bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh từ 750/1.200 điểm mới bảo đảm ngưỡng điểm đầu vào.
Đồng thời, thí sinh phải đạt 1 trong 2 điều kiện: Có kết quả học tập từng kỳ (6 học kỳ) môn tiếng Anh cấp trung học phổ thông đạt tối thiểu 7,0 điểm hoặc có chứng chỉ tiếng Anh IELTS (hoặc tương đương) đạt từ 5.5 còn hạn 2 năm kể từ ngày thi theo quy định.
Trường Đại học Mở Hà Nội
Với phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HAS), Trường Đại học Mở Hà Nội sử dụng kết quả thi gồm 3 phần của bài thi HSA (tư duy định lượng, tư duy định tính, khoa học). Để được tham gia xét tuyển, thí sinh cần có tổng điểm từ 75/150 điểm trở lên, không có phần nào trong 3 phần của bài thi HSA có điểm bằng hoặc dưới 5 điểm.
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) dự kiến ngưỡng đầu vào các phương thức xét tuyển từ 18 - 20 điểm. Ngưỡng này áp dụng cho các phương thức: xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT 2025; ưu tiên xét tuyển học sinh (HS) 149 trường THPT theo danh mục quy định ĐH Quốc gia TP.HCM; ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh (TS) giỏi nhất trường THPT năm 2025; ưu tiên xét tuyển HS là thành viên đội tuyển của tỉnh, thành phố tham dự kỳ thi HS giỏi quốc gia hoặc đạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích trong kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh, thành phố; TS có thành tích trong hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao. Riêng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, trường dự kiến nhận hồ sơ từ mức 620 điểm trở lên.
ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay sử dụng 95 - 99% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tổng hợp. Công thức xét tuyển gồm điểm học lực và điểm ưu tiên. Trong đó, điểm học lực gồm các thành tố: điểm đăng lực (chiếm 70%), điểm tốt nghiệp THPT quy đổi (chiếm 20%) và điểm học THPT quy đổi (chiếm 10%). Điểm ưu tiên gồm thành tích (văn - thể - mỹ, hoạt động xã hội, thành tích khác) và khu vực đối tượng. Đáng chú ý, phương thức này trường tính theo thang điểm 100 và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 50 điểm.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thông tin TS xét tuyển vào trường chỉ cần đạt tổng điểm 50/100 là đủ điều kiện xét tuyển. Trường không quy định ngưỡng tối thiểu của từng thành tố học lực như trước. Năm ngoái, TS xét tuyển vào trường cần đạt điểm đánh giá năng lực từ mức 600/1.200, điểm thi tốt nghiệp THPT từ 18/30 và điểm học tập THPT từ mức 54/90 điểm (tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển trong 3 năm THPT).
ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng công bố ngưỡng điểm xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM. Theo thông tin dự kiến, TS tham dự kỳ thi năm 2025 và đạt từ 700 điểm trở lên đủ điều kiện xét tuyển vào tất cả các ngành của trường. Điểm xét tuyển gồm điểm thi, điểm cộng và điểm ưu tiên, trong đó điểm cộng tối đa 120 điểm dành cho TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo quy định của trường. Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường dự kiến nhận hồ sơ xét tuyển theo tổng điểm các môn trong tổ hợp từ mức 22,5 trở lên. Riêng ngành thiết kế vi mạch, tổng điểm các môn trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 24 (trong đó môn toán đạt tối thiểu 8 điểm).
(Ảnh minh họa)
Căn cứ vào điểm thi đánh giá tư duy
Với điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (TSA), thí sinh có tổng điểm từ 50/100 điểm trở lên, không có điểm từng phần thi trong bài thi TSA dưới mức quy định (tư duy Toán học bằng hoặc dưới 4 điểm, tư duy đọc hiểu bằng hoặc dưới 2 điểm, tư duy khoa học/giải quyết vấn đề bằng hoặc dưới 4 điểm).
Năm nay, cả nước có khoảng 10 kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy do các trường đại học tổ chức. Trong đó, 3 kỳ thi của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội có quy môn lớn nhất.
Kết quả của các kỳ thi này được nhiều trường đại học sử dụng làm căn cứ xét tuyển đầu vào. Đơn cử, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội có hơn 40 trường đăng ký sử dụng.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ từ ngày 16/7 đến 17h ngày 28/7.
Để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao, thí sinh cần lưu ý, điểm sàn là mức điểm tối thiểu mà thí sinh cần đạt được để đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển vào trường. Điểm trúng tuyển thực tế có thể cao hơn đáng kể so với mức điểm sàn này, tùy thuộc vào độ cạnh tranh của từng ngành và số lượng hồ sơ đăng ký.
Từ số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, các trường mới xác định điểm chuẩn trúng tuyển từng ngành. Thí sinh tránh nhầm lẫn giữa hai ngưỡng điểm này.
A.Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)