Tuy không hề đẹp đẽ, rực rỡ như trời xuân tuyết trắng, nhưng nó lại liên quan mật thiết tới cuộc sống của chúng ta. Đó đều là những kinh nghiệm sống quý báu mà người xưa đúc kết lại truyền cho chúng ta, để chúng ta có thể học hỏi nhiều hơn. Đây cũng là nguyên nhân khiến tục ngữ có thể lưu truyền qua ngàn năm dài đằng đẵng.
Những lĩnh vực mà tục ngữ bao hàm vô cùng rộng lớn, từ phong tục tập quán cho tới những thói quen sinh hoạt hàng ngày. Ngày hôm nay, câu tục ngữ mà chúng ta nhắc tới là một câu tục ngữ Trung Quốc có liên quan tới đàn ông và phụ nữ: “Đàn ông ít lông quý như vàng, đàn bà có lông sung túc cả đời”. Câu tục ngữ này rốt cuộc bao hàm những gì?
Trọng điểm trong câu tục ngữ này chính là nói về tóc lông trên cơ thể của nam và nữ, ý nói nếu như trên cơ thể nam giới không có lông thì là chuyện cực quý báu, còn đàn bà mà mọc nhiều lông trên cơ thể thì sẽ sống sung sướng. Tại sao lại có lập luận như vậy?
Cấu tạo cơ thể của đàn ông và đàn bà có sự khác biệt rất lớn, về tổng thể mà nói thì lông và tóc trên cơ thể của đàn ông thường nhiều hơn phụ nữ và lông tóc trên cơ thể của đàn ông cũng cứng và đậm màu hơn của phụ nữ. Người xưa rất coi trọng thân thể, tóc tai, da thịt vì họ cho rằng đó là do cha mẹ ban tặng, thế nên họ rất chú trọng việc chăm sóc da tóc. Việt Nam có câu: “Cái răng cái tóc là góc con người” cũng mang ý nghĩa gần giống như vậy. Những người đàn ông có lông rậm và tóc dày thường sẽ trở nên nam tính hơn, uy dũng hơn, giống như Lý Quỳ, Quan Công,…
Tại sao đàn ông không có lông hoặc ít lông trên cơ thể thì quý như vàng? Thực ra “quý báu” ở đây không phải là từ mang nghĩa tốt, mà là ý chỉ những người đàn ông “õng ẹo, ẻo lả”. Sở dĩ đàn ông mọc nhiều lông vì đàn ông trong thời cổ đại đa phần là lực lượng sản xuất chính, công việc họ phải làm nhiều hơn phụ nữ, điều này khiến tuyến mồ hôi của họ rất phát triển, thế nên lông và tóc mới rậm rạp.
Còn những người đàn ông không có lông, hay ít lông trên cơ thể, đa phần là được sinh ra trong gia đình giàu có, không phải làm việc gì cả, sống cuộc sống được người khác hầu hạ cơm bưng nước rót, không phải lo lắng điều gì, thế nên mới mọc ít lông, da cũng trắng trẻo mịn màng hơn người bình thường, nên trông bề ngoài mới có vẻ hơi “ẻo lả”.
Tuy có rất nhiều người khinh bỉ những loại người như thế này, nhưng từ đáy lòng, ai mà lại không ngưỡng mộ họ? Thư sinh là tầng lớp có địa vị khá cao trong xã hội cổ đại, hình tượng mà họ thể hiện ra ngoài đa phần cũng đều là như vậy.
Còn đàn bà nếu như có mọc nhiều lông trên cơ thể thì tại sao lại sung túc cả đời? Thực ra phạm vi sinh hoạt của phụ nữ thời cổ đại cực kỳ hạn hẹp, họ thường xuyên ở trong khuê phòng, hiếm khi bước chân ra ngoài. Sống trong một môi trường gần như là khép kín toàn bộ, mức độ hoạt động cũng ít hơn đàn ông rất nhiều, thế nên tuyến lông của phụ nữ rất ít.
Nếu như phụ nữ có nhiều lông, cho thấy người này phải làm nhiều việc, điều này chắc chắn sẽ có liên quan tới việc sản xuất bên ngoài và con người là sinh vật sống thành bầy đàn, đều hòa nhập vào tập thể, giao lưu nhiều với nhau thì chắc chắn sẽ thân thuộc với nhau, quan hệ giữa người với người cũng trở nên tốt hơn.
Những người phụ nữ như vậy được coi là những người phụ nữ mạnh mẽ, những “nữ cường nhân”, không biết nhõng nhẽo, chắc chắn là sống cuộc sống rất thoải mái, tự tại. Tuy rằng nếu như theo quan niệm tư tưởng người cổ đại thì những cô gái như vậy chắc chắn sẽ khó lấy chồng, nếu như xét về mặt cuộc sống đơn thuần thì chắc chắn họ còn sống thoải mái hơn cả đàn ông.
Tuy nhiên, trường hợp này không phù hợp với xã hội hiện đại, thậm chí có thể nói là ngược lại hoàn toàn. Con người hiện đại ngày nay đã bỏ đi quan niệm không được cắt tóc, cạo lông trước kia, bắt đầu sống theo ý mình. Thêm vào đó là sự ổn định của thời đại, nhu cầu của thị trường, kiểu đàn ông “không có lông” lại ngày càng được yêu thích, hơn nữa còn có rất nhiều người ủng hộ, bởi nó mang đến một hình tượng sạch sẽ, gọn gàng cho người nhìn.
Còn về nữ giới thì lại càng chú trọng điều này hơn, trên thị trường xuất hiện đủ loại sản phẩm tẩy lông, triệt lông, chính là để thỏa mãn nhu cầu “biến hình” từ một “trái kiwi” đầy lông rậm rạp thành một trái “sơ ri” căng mọng. Một cô gái cho dù tính cách có cởi mở, phóng khoáng đến mấy thì đều sẽ có khuynh hướng như vậy. Thế nên câu tục ngữ này đã trở thành đại diện cho sinh hoạt trong xã hội thời xưa, không hề có bất kỳ ý nghĩa gì với xã hội hiện đại ngày nay nữa.
Cuộc sống đang không ngừng thay đổi, xã hội cũng đang không ngừng phát triển, tuy có rất nhiều thứ đã mất đi ý nghĩa ban đầu của nó trong thời đại này, nhưng chúng ta cần học cách suy ngẫm vấn đề. Người xưa để lại kinh nghiệm sống cho chúng ta là họ sợ rằng chúng ta sẽ phải đi đường vòng, mất nhiều thời gian như họ đã từng trải qua, thế nên mới để lại cho hậu thế. Vậy chúng ta có thể để lại gì cho người đời sau đây?
Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)