Năm 1980, phi công Phạm Tuân cùng nhà du hành Liên Xô Viktor Vasilyevich Gorbatko thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Liên hợp 37. Ông trở thành người Việt Nam, cũng như người châu Á đầu tiên, thực hiện sứ mệnh bay vào vũ trụ.
Nhóm 6 phi hành gia được tuyển chọn là các phụ nữ xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cô Amanda Nguyễn.
Giờ đây sau gần nửa thế kỷ, Amanda Nguyễn sẽ là người phụ nữ gốc Việt đầu tiên làm nên lịch sử từ một chuyến bay tương tự. Trong một video do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam công bố hôm 28/3, Amanda Nguyễn nói bằng tiếng Việt: "Tôi là người Việt Nam".
"Tôi bay vào vũ trụ để những phụ nữ trẻ Việt Nam có thể nhìn thấy mình giữa những vì sao. Điều quan trọng đối với tôi là tôi có thể mang cộng đồng của mình ở bên cạnh. Tôi có thể là người đầu tiên, nhưng tôi sẽ không phải là người cuối cùng", Amanda Nguyễn cho biết trong một video được công bố bởi Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.
Chuyến du hành của tàu New Shepard đã thành công tốt đẹp khi lên tới độ cao 100km trong không gian và trở về an toàn.
Thông qua những thành tựu đột phá của mình, Amanda Nguyễn không chỉ phá vỡ định kiến mà còn truyền cảm hứng cho một thế hệ mới. Cô đã chứng minh rằng, không có trở ngại nào là không thể vượt qua trong quá trình theo đuổi ước mơ của mình.
Amanda Nguyễn sinh ngày 10/10/1991, cô tốt nghiệp Đại học Harvard và thực tập ở NASA vào năm 2013. Sau đó, cô làm việc tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard & Smithsonian, tiếp đó giữ chức phó liên lạc viên Nhà Trắng tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
Được biết, hiện Amanda Nguyễn là nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng, sáng lập tổ chức Rise - một tổ chức phi chính phủ với mục đích bảo vệ quyền công dân của những người đã trải qua xâm hại tình dục.
Năm 2019, cô được đề cử giải Nobel Hòa bình vì nỗ lực đấu tranh cho quyền của nạn nhân tấn công tình dục. Cô cũng được tạp chí TIME bình chọn là Người phụ nữ của năm, xuất hiện trong danh sách “30 under 30” của Forbes.
Amanda Nguyen gặp lại những người thân trong gia đình tại Bạc Liêu.
Amanda Nguyen là minh chứng cho người phụ nữ nỗ lực vì hoạt động xã hội, nhân quyền.
“Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ bước lên bục phát biểu tại Liên Hợp Quốc, nhưng tôi đã làm điều đó với trái tim của một người sống sót và khát vọng của người kiến tạo”, nữ phi hành gia nói.
Song hành với hoạt động xã hội, Amanda không bao giờ từ bỏ ước mơ thời thơ ấu là trở thành phi hành gia. Cô thực tập tại NASA và nghiên cứu tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian. Năm 2021, Amanda bắt đầu huấn luyện tại Viện Khoa học Hàng không Vũ trụ Quốc tế (IIAS) với chuyên ngành sức khỏe phụ nữ trong môi trường vi trọng lực.
Không chỉ được ghi nhận bởi những nỗ lực xã hội, Amanda còn trở thành biểu tượng văn hóa được truyền thông quốc tế ca ngợi. The Guardian gọi cô là “người biến đau thương cá nhân thành phong trào toàn cầu”, trong khi InStyle mô tả cô là “chiến binh nhân văn thời hiện đại”.
Năm 2024, Amanda Nguyễn phát hành hồi ký mang tên Rise: A Survivor's Journey from Silence to Power. Quyển sách thuật lại chi tiết hành trình Amanda Nguyễn từ sinh viên chịu nỗi đau bị xâm hại đến người lãnh đạo phong trào toàn cầu.
Cuốn sách nhanh chóng vào hạng mục bán chạy nhất tại Mỹ và được giảng dạy tại nhiều đại học. Rise: A Survivor's Journey from Silence to Power được xem như tài liệu về chuyển hóa chấn thương và lãnh đạo xã hội. Trong sách, Amanda nói lên thông điệp mạnh mẽ: “Mỗi vết thương là một chương chưa viết. Tôi viết để những người khác được thấy mình và được chữa lành”.
Amanda Nguyen diện áo dài và nón ba tầm khi đến thăm vịnh Hạ Long.
Vượt lên nỗi đau, Amanda Nguyễn viết nên chương mới không chỉ cho riêng mình. Hành trình vào không gian của khẳng định lại châm ngôn sống của Amanda và truyền động lực đến nhiều người: "Quá khứ không định nghĩa con người, chính cách họ lựa chọn đi tiếp quyết định bạn là ai".
N.Minh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)