Cuộc đời bà Nguyễn Thị Can (57 tuổi, ngụ ấp 3, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM), người tự sát vào sáng 27/9 vừa qua, là cả một câu chuyện buồn về vòng luẩn quẩn đói nghèo, thất học.
Khổ 3 đời
Rạng sáng ngày 27/9, người dân ấp 3 còn đang say ngủ thì nghe có tiếng la thất thanh “cháy, cháy”. Theo phản xạ, nhiều người bật dậy chạy ra đường, nhìn thấy một người đang bốc cháy như ngọn đuốc sống. Các nhân chứng lao vào tích cực dập lửa, nhưng do vết bỏng quá rộng và sâu, nạn nhân đã tử vong ở Bệnh viện Chợ Rẫy sau đó.
Nạn nhân được xác định là bà Nguyễn Thị Can (57 tuổi). Ngay khi nhận được tin báo, Công an huyện Bình Chánh phối hợp công an xã Bình Hưng có mặt. Từ kết quả khám nghiệm hiện trường và lời khai của thân nhân nạn nhân, bước đầu xác định nguồn cháy là do xăng, nhiều khả năng bà Can tự vẫn bằng cách phóng hỏa tự thiêu.
Từ cái chết có phần đau đớn, có nguồn thông tin cho rằng bà Can hiện đang nợ số tiền lớn do cờ bạc, lô đề không có khả năng chi trả nên nghĩ quẩn mua xăng về tự thiêu. Pháp luật Việt Nam đã tìm xuống nhà nạn nhân để tìm hiểu sự việc.
Con gái nạn nhân bên di ảnh mẹ.
Con nạn nhân, chị Nguyễn Thị Hương thẫn thờ bên bàn thờ mẹ: “Mẹ tôi chết, nhiều người đồn đại là bà nợ nần cờ bạc nên tự thiêu để trốn nợ. Nhưng đó chỉ là lời đồn ác ý, đúng là mẹ tôi có nợ tiền nhưng để chi tiêu cho gia đình chứ không phải do cờ bạc”.
Bà Can tuy người Sài Gòn gốc nhưng gia đình gia đình nghèo từ xưa, cả nhà không học hành, chỉ lao động chân tay kiếm sống. Thời trẻ buôn bán lặt vặt, khi lấy chồng, bà sinh đàn con bốn người “trứng gà trứng vịt” thì chồng bỏ đi. Thiếu phụ một mình làm lụng nuôi bốn người con đến tuổi trưởng thành, dựng vợ gả chồng. Tưởng vất vả vì con cái, đến tuổi già sẽ được an nhàn hưởng tuổi già, thì con gái vấp phải “vết xe đổ” của mẹ, hôn nhân cũng đứt gánh giữa chừng. Người con gái để lại hai đứa con cho mẹ chăm sóc, đi lấy chồng khác. Toàn bộ bốn người con, người lập gia đình, người sống độc thân nhưng chung cảnh ai cũng nghèo khó, không được học đến nơi đến chốn, chỉ làm công việc tay chân, sống ở nhà thuê, thiếu trước hụt sau, không giúp gì được mẹ.
Người đàn bà cả đời lo cho con, cuối đời lại tần tảo lo cho cháu. Khó khăn càng thêm khó khăn khi năm vừa rồi mẹ bà Can bị bệnh nặng. Chị Hương cho biết, bà ngoại chị bị bệnh tiểu đường, nhưng tuổi cao sức yếu (gần 80 tuổi) nên “dậu đổ bìm leo”, hết bệnh này lại đến bệnh kia đổ xuống, chữa trị vô cùng tốn kém. Bà Can đi vay mượn khắp nơi chữa chạy cho mẹ, hết tiền gia đình xin đưa bà cụ về nhà tự chăm sóc. Một thời gian sau bà lão mất.
Bà Can day dứt cho rằng mình không làm tròn chữa hiếu. “Bà ngoại tôi mất, mẹ tôi cứ than trách bản thân bất hiếu không có tiền chạy chữa cho bà. Chúng tôi nhiều lần khuyên can, bà ngoại tuổi đã cao, “ra đi” thế là thanh thản, nhưng mẹ tôi cứ phiền não mãi”, con gái bà Can kể lại.
Trước đây bà Can mở quán hủ tiếu bán trong hẻm buổi sáng và tối, ban ngày bà nhận quần áo giặt thuê. Trong hồi ức của cô con gái: “Khi mẹ tôi còn khỏe, mỗi ngày bà giặt mấy chục ký quần áo. Mỗi cân được 6 ngàn, cũng đủ tiền ăn uống của ba bà cháu. Giờ bà gần 60, sức khỏe không được như trước. Công việc lại đòi hỏi phải giặt từ chiều đến đêm khuya để sáng mai nắng lên mới khô kịp nên bà không kham nổi”. Chưa nói đến việc giờ kinh tế chung đã khá giả hơn, nhiều gia đình có máy giặt, không còn thuê người giặt quần áo nữa.
“Mẹ không muốn sống để làm khổ các con”
Thời gian mẹ bị bệnh nặng, bà Can đi vay nợ nhiều nơi, thậm chí nhiều chỗ vay nặng lãi. Tiền không làm ra mà lãi mẹ đẻ lãi con mỗi ngày một chồng chất. Gần đây, nhiều người đòi nợ gắt gao, bà nghĩ quẩn. Con gái nạn nhân giải thích: “Chúng tôi không có nhà, hơn 20 năm nay ở nhà thuê nên ngoài tiền ăn còn lo tiền nhà, mấy khoản nợ chưa biết kiếm đâu để trả. Tôi bàn với mẹ định bán chiếc tủ lạnh, tài sản duy nhất còn có giá, để lấy tiền trả nợ, thì bà không đồng ý”.
Người nhà nạn nhân kể lại, tối 26/9, thấy bà Can bồn chồn đi đi lại lại trong nhà, sau đó ra ngoài một lúc lâu. Chị Hương đi tìm, phát hiện mẹ đang ngồi bên cạnh một thùng rác lớn. Thấy con gái lại gần, bà lấy tay lau vội nước mắt. Biết mẹ buồn, người con gái ngồi bên cạnh mẹ an ủi. Hai mẹ con ôm nhau tâm sự lúc lâu, đợi mẹ bình tĩnh trở lại, cả hai mới vào nhà ngủ.
Sợ mẹ buồn, chị Hương kêu mẹ ngủ cùng, an ủi: “Mọi chuyện rồi sẽ qua, chỉ cần mẹ con ta ở bên nhau là đủ”. Nghe con gái nói vậy, bà ôm con hôn lên trán. “Mẹ hôn tôi mà nước mắt bà rơi lã chã. Lúc đó, tôi không hề biết bà đã có chủ định từ trước. Không ngờ đó là nụ hôn vĩnh biệt của mẹ”, người con gái đau xót.
Đến 2h đêm, khi con cháu đã yên giấc, bà Can lẻn dậy ra ngoài, lấy can xăng chuẩn bị sẵn đổ lên người, châm lửa đốt. Thấy lửa bùng lên, mấy người nhậu khuya ở gần đó tưởng nhà ai đốt rác, chạy ra xem, hốt hoảng phát hiện có người cháy. Người con gái giật mình tỉnh dậy, chạy ra ngoài, bàng hoàng thấy toàn thân mẹ đã như ngọn đuốc.
Anh Nguyễn Thanh Hùng, con trai lớn của nạn nhân chia sẻ: “1h sáng hôm đó, tôi ra khỏi nhà để đi chở hàng, vừa đến nơi nhận được điện thoại của em gái nói về nhà gấp. Tôi tưởng nhà bị trộm. Ai ngờ về đến nhà, nhìn thấy mẹ cháy đen thui. Tôi rụng rời chân tay, đứng không vững”.
Theo hai người con của nạn nhân thì mẹ của họ khi chết vẫn còn tính toán đến việc chết làm sao để oan toàn nhất cho gia đình: “Mẹ tôi ra ngoài cổng mới châm lửa đốt vì sợ xăng bắt lửa có thể gây cháy nhà, nguy hiểm đến con cái hoặc hỏng đồ đạc gia đình”.
Đưa bà Can vào viện, vét hết tiền trong gia đình cũng chưa được 200 ngàn đồng để thử máu. Khi bác sĩ chỉ định đưa bệnh nhân vào phòng chăm sóc đặc biệt, người phụ nữ khốn khổ còn gào khóc: “Đừng đưa tôi vào đó, các con tôi ai cũng nghèo khổ cả, không có tiền trả đâu”.
Phút hấp hối, dù bị bỏng nặng nhưng tinh thần bà vẫn tỉnh táo. Những lời trăng trối cuối cùng của người mẹ khiến nhiều người rơi nước mắt: “Mẹ không muốn sống để làm khổ các con nên các con đừng cứu mẹ. Các con cứ để mẹ chết cho thanh thản. Sau này anh em phải bảo ban nhau cố gắng lên, đừng để khổ như mẹ. Thế là mẹ nhắm mắt được rồi".
Baophapluat.vn