Thời gian vừa qua, thông tin về kho báu 4000 tấn vàng đang nằm sâu dưới núi Tàu (Phước Thể, Tuy Phong, Bình Thuận) khiến dư luận đặc biệt xôn xao, nhiều người quan tâm, gây sự tò mò. Để mục sở thị tận nơi được cho là chứa đựng kho báu khổng lồ trên, chúng tôi đã có cuộc "viếng thăm" ngọn "núi vàng" này để tìm hiểu thực hư xung quanh lời đồi thổi về khối châu báu có một không hai đang nằm sâu trong dãy núi Tàu kia.
Có hay không một kho báu dưới lòng núi Tàu?
Trước chúng tôi, cũng có nhiều đoàn PV, quay phim tìm về ngọn “núi vàng” này để làm phóng sự về kho báu 4000 tấn vàng. Chúng tôi đi, mang theo sự tò mò, thấp thỏm xen chút hồi hộp. Những dãy núi dần hiện ra, hoang sơ và trơ trọi. Mùa này, đất Bình Thuận chỉ có nắng và gió. Hỏi thăm một vài người dân sống lác đác bên đường, họ chỉ cho chúng tôi một cách tường tận và chi tiết hướng tiếp cận ngọn núi có kho báu.
Núi Tàu hiện ra trước mắt chúng tôi với những khối đá lởm chởm, khô khan và cháy nắng. Trước khi lên núi tìm kho báu, chúng tôi muốn ngược thời gian, điểm lại những chứng cứ cũng như giả thuyết có tính thuyết phục về kho báu trên núi Tàu.
Về nguồn gốc của kho báu này, người ta đồn rằng trong Thế chiến thứ II quân Nhật đã vơ vét được nhiều tài sản vàng bạc, châu báu, đồ cổ, kiệt tác nghệ thuật từ các đền chùa, ngân hàng, viện bảo tàng ở các nước châu Á mà họ chiếm đóng. Cuối năm 1944 đến khoảng tháng 8/1945 sau khi Nhật đầu hàng quân đồng minh, đô đốc Tomoyuki Yamashita lúc đó là Tư lệnh quân đội Nhật ở châu á - Thái Bình Dương đã đưa một hạm đội gồm nhiều tàu chiến chở đầy vàng âm thầm chuyển chúng về Nhật Bản. Tuy nhiên âm mưu này bị quân đồng minh phát hiện, họ ráo riết dùng lực lượng không quân để ngăn chặn. Phương án chuyển vàng bằng đường biển về Nhật lúc đó coi như là bị chặn đứng. Nguy cơ hàng vạn tấn vàng có thể bị chôn vùi vĩnh viễn dưới đáy biển Đông hoặc bị rơi vào tay đồng minh đã gần ngay trước mắt.
Trước tình thế đó, Tomoyuki Yamashita, đưa ra một phương án được coi là hợp lý nhất vào thời điểm đó. Ông ta cho quân đội Nhật bí mật chôn giấu lại tại các rặng núi ven biển, nơi những con tàu buộc chở vàng phải tấp vào bờ. Khi đó ông đã tính tới việc sẽ quay trở lại để lấy lại nhưng kho báu này, lúc đó đường biển sẽ thuận lợi và an toàn hơn đường bộ. Ở vị trí mỗi kho báu được lập một tấm bản đồ duy nhất, giao cho một người cất giữ.
Câu chuyện về kho báu của Yamashita đã được lưu truyền và quan tâm ở tất cả những quốc gia Đông Nam Á có biển. Giấc mơ vàng chỉ thực sự trở lên sôi sục vào năm 1970, khi ông Ferdinand Marcos là đương kim tổng thống Philippines lên tiếng việc ông đã phát hiện được kho báu của Yamashita nhưng không nó rõ số lượng.
Ông Trần Văn Tiệp và tập hồ sơ kho báu tìm vàng (ảnh: báo Thanh niên)
Năm 1992 sau khi vị tổng thống này qua đời vợ ông, bà Imelda Marcos tái xác nhận chuyện này và khẳng định chồng bà đã tìm được 4.000 tấn vàng từ kho vàng của Yamashita. Việt Nam cũng là một trong những hải trình mà con đường vàng bạc trên biển của phát xít Nhật đi qua. Người ta đồn rằng khi những chiến hạm cực lớn chở vàng bạc, châu báu của Yamashita đến vịnh Cà Ná thuộc tỉnh Thuận Hải (nơi giáp ranh tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận ngày nay) thì bị không quân của quân đồng minh truy kích dữ dội. Vị đô đốc này đã bí mật chuyển 4.000 tấn vàng xuống một hòn núi sát với vùng biển này (!?). Sau này mới biết đây là núi Tàu nay thuộc xã Phước Thể, Tuy Phong, Bình Thuận.
Người ta kể, sau Thế chiến thứ II, người Nhật đã nhiều lần đến Việt Nam để tìm tung tích kho vàng cực lớn này nhưng đều thất bại. Trong mấy chục năm, một người đàn ông đã bí mật đi tìm kho báu khổng lồ đó, bởi trong tay ông đang giữ một tấm bản đồ chỉ dẫn (!?). Ông là Trần Văn Tiệp. Nhưng những thông tin này còn quá sơ sài, nhân chứng đều không có. Nên câu chuyện về kho vàng ông giữ trong lòng như một bí mật của riêng mình.
Bất giờ, năm 1976 người ta trục vớt được một chiếc tàu chiến của quân đội Nhật ở đáy biển hòn Lao Câu cách chân núi Tàu khoảng 3 hải lý đã làm bùng lên niềm tin trong ông Tiệp. Một con tàu cả ngàn tấn, rỗng không nằm dưới biển càng củng cố giả thiết về những chiếc tàu chở vàng của quân đội Nhật đã bí mật bốc chọn số vàng vào đất liền chôn giấu và sau đó đánh đắm tàu để xóa dấu vết.
Hơn nửa đời người đào xới kho báu
Có mặt tại nơi được cho là quân đội Nhật đã chôn kho báu 4000 tấn vàng trên núi Tàu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nơi đây vẫn còn nguyên chứng tích của các cuộc thăm dò. Nhiều hố sâu chưa được san lấp vẫn còn ngưng đọng lại những vũng nước trong xanh, người ta có thể tắm ở đó được. Tại địa chỉ được cho là có kho báu, nằm khuất phía bên kia núi giáp mặt với biển. Chỉ với những thông tin mỏng manh trên tấm bản đồ, ông Trần Văn Tiệp đã mất hơn nửa thời gian của đời mình kì công đi tìm kho báu.
Theo chứng cứ ông Trần Văn Tiệp cung cấp cho UBND tỉnh Bình Thuận, hiện ông đang giữ trong tay tấm mật đồ kho báu núi Tàu (hay còn gọi là kho báu Yamashita) từ nửa thế kỷ trước? Kho báu này có khoảng 4.000 tấn vàng cùng với số lượng lớn tài sản có giá trị khác, số tài sản ước lượng nếu khai quật được lên tới 100 tỉ USD (gấp gần 2 lần số tài sản của Bill Gates một trong những người giàu nhất thế giới hiện nay).
Từ năm 1993, ông Tiệp và người cộng sự của mình khi đó chính thức được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy phép để tìm kho vàng tại núi Tàu. Ngay lập tức, ông thuê kỹ sư địa chất và rất nhiều công nhân ngày đêm đào bới sườn Đông của dãy núi Tàu. Sau đó, thấy không có hiệu quả ông liền thuê xe ben, xe ủi, làm một đường dài 2, 5km từ chân núi lên vị trí kho báu. Rất nhiều máy móc, thậm chí cả mìn được huy động đế phá núi tìm vàng, trong quá trình khai quật suốt 10 năm có lúc tưởng chừng như ông đã chạm tay vào kho báu, khi phát hiện thấy một cửa hầm, được ngụy trang bằng các phiến đã xếp chồng lên sau. Nhưng sau đó, càng đào sâu thì hết cửa hầm này đến cửa hầm khác lộ ra. Người dân địa phương cho rằng, do cấu tạo địa chất khắp các dãy núi của khu vực này, rất nhiều chỗ có các phiến đá tự nhiên xếp lớp như vậy?
Dấu tích lục tìm kho báu cách đây vài năm.
Tuy chưa tìm ra vàng, nhưng trong vòng 10 năm (1993-2003) ông Tiệp và cộng sự đã thuê nhân công máy móc để tìm kiếm đào bới ở núi Tàu, ông đã phát hiện được một thanh gươm cùng với vỏ bao gươm của quân đội Nhật đã cũ, đồng tiền 10.000 Yen, một mảng đá la bàn và hai cổ vật Champa. Phát hiện sự có mặt của người Nhật ở đây càng làm cho giả thuyết về kho báu của ông cùng những cộng sự càng trở nên thuyết phục hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, do thời gian đào bới quá lâu, việc đào bới bằng máy móc đã làm ảnh hưởng đến hiện trạng của núi Tàu. Cộng với nhiều phiền phức của những người tìm vàng gây ra, người dân ở chân núi Tàu, xã Phước Thể đã có nhiều kiến nghị với chính quyền. Đến năm 2003 UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định chấm dứt thăm dò kho vàng đối với ông Tiệp.
Nhưng niềm tin của ông Tiệp, người suốt mấy mười năm trăn trở, tìm vàng không vì thế mà bị dập tắt. Tháng 9/2010 Công ty CP thiết bị địa vật lý Hà Nội được ông thuê để dùng máy thiết bị điện từ (máy đo MP -21T-PV) để tìm vàng ở núi Tàu. Tại đây, người của công ty này phát hiện: "Theo hướng Bắc - Nam có một dãy dị thường hẹp (bề ngang khoảng 10m) độ dài của dãy dị thường khoảng 200m ở độ sâu khoảng 50m. Dị thường này là các khối kim loại tự nhiên hoặc nhân tạo với khối lượng lớn và tương đối tập trung. Niềm tin về kho vàng trị giá hàng trăm tỉ USD một lần nữa lại bùng lên trong lòng ông Tiệp mãnh liệt. Ngay sau đó ông làm công văn gửi lên UBND tỉnh Bình Thuận đưa ra bằng chứng, sự khả thi cùng với phương án cụ thể sẽ được ông triển khai nếu được chấp nhận cấp phép đào vàng một lần nữa...
Chúng tôi không bình luận thêm về việc làm của ông Tiệp là thành công hay thất bại bởi tất cả những cái gì có hay không vẫn đang còn nằm ở trong lòng núi sâm thăm thẳm kia. Tuy nhiên, qua chuyến thực tế này, chúng tôi tìm được một con người cần mẫn cả đời đi tìm kho báu mà theo quan niệm của ông: Không phải để làm giàu hay vì mục đích lợi nhuận cá nhân, ông tìm kho báu vì không muốn mất đi một khối lượng tài sản khổng lồ của đất nước bị chôn vùi dưới lòng đất!.
nguoiduatin