Tám năm trước, anh Hồ Văn Lang cùng cha được đưa về làng sau 40 năm chạy vào rừng sâu trốn một trận bom trong chiến tranh. Ngày đó, ánh mắt Lang ngơ ngác trước dân làng và cả những người bà con thân thuộc, bây giờ, "người rừng" ngơ ngác trước bệnh tật của mình.
Nỗi nhớ rừng thăm thẳm
Anh Tri - em trai của Hồ Văn Lang kể lúc mới đưa anh về gia đình thì tiếng Cor anh chỉ nói được vài từ, tiếng Kinh hoàn toàn không nói được. Một năm đầu tiên, anh Lang đối diện với bệnh tật liên tục, năm thứ hai đang hòa nhập với cuộc sống mới thì bất ngờ anh Lang và ông Hồ Văn Thanh - cha anh Lang - muốn rời làng vào lại căn chòi trên đọt cây gắn bó 40 năm trước.
"Lúc đó tôi phát hiện nên ngăn lại, động viên mãi cha và anh trai mới thôi ý định. Đến năm thứ ba về làng, cha và anh Lang đào hố, tính dựng trụ làm chòi như trước sống. Tôi không cho khiến cha và anh rất buồn, cứ nhìn mãi về núi" - anh Tri tâm sự.
41 năm ở rừng, thời gian đủ dài để cha con "người rừng" nhớ nhung núi thẳm. Năm 2017, ông Thanh qua đời, người Cor chứng kiến sự suy sụp của "người rừng": anh ngồi bó gối, im bặt trước bất kỳ lời động viên nào. Mấy tháng ròng anh Lang lặng lẽ trước bàn thờ của cha, không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai. Anh Tri và người làng cũng hết cách an ủi, họ để anh Lang tự chữa lành cảm xúc của mình. Mãi cho đến một ngày, trong làng có một buổi tiệc rượu, anh Lang tìm đến khiến mọi người bất ngờ.
"Anh Lang đã chấp nhận chuyện cha mất, từ đó anh có những thay đổi không ngừng. Tôi nghĩ năm 2017 anh ấy mới thật sự khởi đầu lại cuộc đời mình, thoát khỏi bóng núi vẫn tồn tại trong lòng lâu nay" - anh Tri chia sẻ.
"Người rừng" bắt đầu cuộc sống mới ở tuổi 51
Từng sống giữa rừng già tự cấp tự túc nên việc rẫy rừng anh Lang rất thạo. Trong khu rẫy của gia đình mình, anh trồng rất nhiều loại cây khác nhau. Người Cor giỏi làm rẫy, nhưng chẳng ai qua được anh Lang. Anh biết nuôi gà, nuôi trâu, trồng rau, chuối để bán. Nhịp sống trôi đi như suối nguồn, mở lòng ra anh Lang nhanh chóng thông thạo tiếng Cor.
"Người rừng" ngờ nghệch như một đứa trẻ ngày nào giờ không hỏi "tiền để làm gì?" nữa, chỉ có điều lúc mới hòa nhập, anh vẫn chưa hiểu mệnh giá của tiền. Chính điều này dẫn đến những chuyện buồn cười. Có lần em trai đưa tiền nhờ anh Lang đi mua muối, anh đưa tiền và chủ cửa hàng tạp hóa bán hẳn 10 gói, anh mang về nhà và mất bốn tháng mới ăn hết chỗ muối ấy.
Sống chung với bệnh ung thư
Anh Tri kể, Lang có dấu hiệu đau giữa vùng bụng và ngực từ năm ngoái, khi còn sống ở căn chòi lá trong núi cách nhà 4 km. Lúc đó, anh chỉ đoán anh trai bị đau dạ dày. Anh Tri tìm lá mơ gan, một loài cây được xem là "thần dược" của miền núi để trị bệnh cho Lang.
Nhưng cơn đau xuất hiện ngày một dày hơn. Tháng 11 năm 2020, cơn đau âm ỉ trở nên dữ dội như những cơn mưa rừng cuối đông, người Lang sút đến gần 10 kg. Anh Tri liên hệ với một người quen là đạo diễn từng làm phim về họ ở thành phố Quảng Ngãi để xin trợ giúp, sau đó đưa anh xuống thành phố khám bệnh.
Sau ba ngày, bác sĩ chẩn đoán Lang bị tổn thương gan. Chuyển viện ra Đà Nẵng, bác sĩ cho biết khối u chiếm nửa quả gan bên phải, không còn khả năng phẫu thuật mà chỉ có thể điều trị.
Không đủ tiền điều trị bằng Tây y, anh Tri tìm đến các già làng để làm lễ cúng cho anh. Từ ngày Lang bị đau, anh đã cúng gần 10 lần, mỗi lần 8 con gà. Chi phí lên đến gần 20 triệu đồng, nhà không có tiền, anh mượn các chủ quán trong xóm rồi bán chuối, cây mây... các sản vật trong rừng để trừ nợ.
Căn bệnh khiến Lang mất sức lao động, không còn vào rừng, anh chỉ ở nhà, thi thoảng ra quán mua thức ăn. Nửa năm nay, hai cái niêu nước của nhà, một để đi rừng, một để ở nhà, giờ đổi chức năng một niêu nấu nước, một niêu nấu thuốc.
Nhiều lúc nhìn anh trai đau quằn quại, Tri xót ruột nhưng không biết làm cách nào. Anh cũng cảm thấy khó hiểu vì Lang gần nửa đời sống trong rừng, sao lại mắc bệnh vào lúc này.
Qua lời của bác sĩ và người thân, anh lý giải, có thể Lang ở trong rừng không uống rượu nhưng khi về làng được nhiều người mời rượu bia, hoặc Lang có thói quen bỏ bột ngọt quá nhiều vào thức ăn.
Cũng may, Lang cảm thấy đau nhưng không sợ, vì không hiểu căn bệnh ung thư là gì. Không còn trồng chuối, phát rẫy, chăn trâu, anh ở nhà đan rổ, đan nia bán cho hàng xóm từ cây giang (một loại cây rừng) em trai mang về. Ba ngày mới hoàn thành một sản phẩm, bán được 60.000 - 70.000 đồng, hai anh em có thu nhập để xoay xở qua ngày.
"Tôi mong sao có phép để Lang khỏi bệnh hoặc giúp anh ấy đỡ đau đớn", anh Hồ Văn Tri nói khi đưa thuốc cho anh trai. Trên tay "người rừng" Hồ Văn Lang, những đường gân nổi lên chằng chịt và gồ ghề như những con đường Lang từng đi khi còn ở rừng. Nhưng anh không biết liệu mình có còn trở lại.
Minh Tâm (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)