Dự thảo Luật Nhà giáo quy định lương của nhà giáo sẽ được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, đồng thời có thêm các khoản phụ cấp tùy thuộc vào tính chất công việc và vùng công tác.
Dự thảo không quy định tăng 1 bậc lương khởi điểm đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đây là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp giáo dục.
Bên cạnh chính sách về tiền lương, Điều 26 Dự thảo Luật Nhà giáo còn quy định rõ các chính sách hỗ trợ nhà giáo gồm: Chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp; Phụ cấp lưu động đối với nhà giáo làm công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, biệt phái, dạy tăng cường, dạy liên trường, dạy ở các điểm trường; Các chính sách hỗ trợ khác cho nhà giáo.
Dự kiến giáo viên được nhận thêm nhiều chính sách ưu đãi khác không chỉ có tiền lương (Ảnh minh hoạ)
Ngoài chính sách chung quy định tại khoản 1 Điều này, nhà giáo công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt; nhà giáo dạy giáo dục hòa nhập; nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật được hưởng một số chính sách hỗ trợ như:
- Được thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc được bảo đảm chỗ ở tập thể khi đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trường hợp không bố trí được chỗ ở tập thể hoặc nhà ở công vụ thì nhà giáo được hỗ trợ tiền thuê nhà ở theo mức hỗ trợ thuê nhà ở công vụ theo quy định;
- Được hỗ trợ thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định;
- Chế độ phụ cấp, trợ cấp tùy theo đối tượng.
Ngoài các chính sách hỗ trợ quy định tại Điều này, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được hưởng các chính sách hỗ trợ đối với viên chức và các chính sách hỗ trợ khác nếu có.
Địa phương, cơ sở giáo dục có các chính sách hỗ trợ nhà giáo bảo đảm cuộc sống, phát triển nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ sở giáo dục. Chính phủ quy định chi tiết điều này.
(Ảnh minh hoạ)
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng, việc ưu tiên lương cho nhà giáo thể hiện sự ghi nhận, khuyến khích của đội ngũ giáo viên, nhất là tại vùng khó khăn, ngành học đặc thù như mầm non, tiểu học.
Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ lo lắng, nếu áp dụng nguyên tắc cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp mà không có tiêu chí rõ ràng có thể gây phản ứng từ các ngành sự nghiệp công lập khác như y tế, văn hóa, khoa học hay cũng có thể là thiếu cân bằng trong nội bộ nếu không gắn với chất lượng, vị trí việc làm và gây áp lực lớn cho ngân sách khi triển khai thực hiện đồng loạt.
"Tôi kiến nghị biên tập lại khoản trên theo hướng không quy định lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp một cách cứng nhắc trong luật, nên thiết kế bảng lương riêng cho nhà giáo theo nguyên tắc là phù hợp với đặc thù ngành nghề có hệ số, có phụ cấp ưu đãi thâm niên hợp lý, gắn với chuẩn nghề nghiệp, kết quả đánh giá vào vị trí việc làm cụ thể.
Đồng thời nâng lương cần đi đôi với đổi mới, đánh giá chất lượng giảng dạy đảm bảo nguyên tắc trả lương theo năng lực và hiệu quả", đại biểu Nguyễn Hữu Thông chia sẻ.
T.Hà (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)