Sân bay Gia Bình
Sân bay Gia Bình được khởi công từ tháng 12/2024, tại xã Xuân Lai và thị trấn Gia Bình, thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ban đầu, sân bay được định hướng phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Không quân Công an nhân dân, đồng thời làm sân bay dự bị cho các sân bay khu vực khi có tình huống khẩn cấp. Bên cạnh đó, nơi đây cũng được tính đến cho việc phục vụ các chuyến bay chuyên cơ cấp cao cũng như vận tải hành khách, hàng hóa khi cần thiết và đủ điều kiện.
Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Bộ Công an đề xuất chuyển đổi chức năng sân bay thành một cảng hàng không quốc tế cấp 4E dùng chung, vừa phục vụ quốc phòng – an ninh, vừa đáp ứng nhu cầu dân dụng, giảm tải cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đang trong tình trạng quá tải và khó mở rộng thêm. Đây cũng được kỳ vọng sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực Bắc Bộ.
Minh họa phối cảnh bãi đỗ và đường băng sân bay Gia Bình. (Ảnh: Sun Group)
Vào ngày 10/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để xem xét và điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án sân bay Gia Bình. Theo đề xuất của Bộ Công an, sân bay Gia Bình sẽ được nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế cấp 4E. Dự kiến công suất của sân bay sẽ đạt khoảng 5 triệu hành khách và 250.000 tấn hàng hóa mỗi năm, phục vụ cả các chuyến bay dân dụng và quân sự.
Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Gia Bình duy trì cấp 4E, công suất dự kiến tăng lên 15 triệu hành khách và 1 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Sân bay sẽ tiếp tục khai thác các loại tàu bay hiện đại như Boeing 777, Boeing 787, Airbus A350, A321, cùng các máy bay chuyên cơ và chuyên dụng khác.
Tổng mức đầu tư cho dự án sân bay Gia Bình ước tính khoảng 31.300 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ là một công trình quan trọng trong việc phát triển hạ tầng giao thông hàng không khu vực phía Bắc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và nâng cao an ninh quốc phòng tại khu vực.
Sân bay Long Thành
Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một trong những dự án giao thông quan trọng nhất Việt Nam hiện nay. Tọa lạc tại tỉnh Đồng Nai với quy mô 5.000ha, dự án này có tổng mức đầu tư lên đến khoảng 336.630 tỷ đồng, được chia thành 3 giai đoạn. Sân bay Long Thành được quy hoạch từ năm 1997 nhưng phải đến hơn 20 năm sau, ngày 5/1/2021, dự án này mới chính thức khởi công.
Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất cả nước. (Ảnh: Báo Chính phủ)
Sau khi hoàn thành, sân bay có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ nhằm đáp ứng công suất lên đến 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Với quy mô này, đây sẽ là sân bay hiện đại và lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á, đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Ngày 10/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, hiện nay đường băng số 1 đã hoàn thành các hạng mục điện, ánh sáng, sẵn sàng phục vụ bay hiệu chuẩn, rút ngắn tiến độ 3 tháng so với kế hoạch. Đường băng thứ 2 của sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến khởi công xây dựng trong tháng 5 này. Theo tiến độ, đường băng thứ 2 dự kiến thi công trong 12 tháng, như vậy sẽ đảm bảo khai thác đồng bộ với đường băng số 1 trong nửa đầu năm 2026.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng, không chỉ góp phần thúc đẩy ngành hàng không Việt Nam mà còn đóng vai trò lớn trong việc kết nối Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)