Ngành công nghiệp bán dẫn đang ngày càng có vai trò chiến lược trong sự phát triển của mọi lĩnh vực công nghệ cao. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và chuyển đổi số mạnh mẽ, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để Việt Nam vươn lên trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.
(Ảnh minh họa).
Tại hội thảo "Phát triển nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam và toàn cầu thông qua liên kết giáo dục và doanh nghiệp" ngày 19/4 tại Hà Nội, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ tập đoàn FPT, nhận định Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong cuộc cách mạng bán dẫn toàn cầu, nhưng thách thức lớn nhất hiện nay là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Trong bối cảnh ngành bán dẫn toàn cầu dự kiến đạt quy mô 1.000 tỉ USD vào năm 2030, Việt Nam cần đào tạo 50.000–100.000 kỹ sư để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Chia sẻ tổng quan về ngành bán dẫn, ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp Quốc gia - nhấn mạnh, đây là công nghệ nền tảng, giữ vai trò trung tâm trong mọi thiết bị điện tử hiện đại.
Theo ông Thịnh, để một quốc gia có thể tự chủ về công nghệ, điều kiện tiên quyết là phải làm chủ được ngành bán dẫn. Ông cũng lưu ý rằng tại Mỹ, các công nghệ lõi như bán dẫn thậm chí còn được xem là một phần của an ninh quốc gia.
Về thu nhập, theo ông Thịnh, ngành bán dẫn trên thế giới hiện đang có mức lương rất cạnh tranh, đủ để người lao động yên tâm theo đuổi sự nghiệp lâu dài.
Chuyên gia này cho rằng, việc liên kết giữa các cơ sở giáo dục đào tạo Việt Nam và nước ngoài như Đài Loan (Trung Quốc) sẽ là bước đi chiến lược giúp Việt Nam nhanh chóng rút ngắn khoảng cách và từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ công nghệ thế giới.
Những hoạt động như chương trình thực tập, các đơn đặt hàng thiết kế, sản xuất sản phẩm từ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) sẽ giúp sinh viên được tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, hiểu rõ nhu cầu của ngành và sẵn sàng hòa nhập ngay khi ra trường. Bên cạnh đó, chuyên gia này còn gửi đến thế hệ trẻ thông điệp: “Đi để trở về". Thế hệ trẻ hãy chủ động học tập, tích lũy kinh nghiệm ở môi trường quốc tế để rồi quay về đóng góp cho sự phát triển công nghệ của đất nước.
Các diễn giả tham gia phiên tọa đàm “Phát triển nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam và toàn cầu”.
Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ FPT nhận định Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong cuộc cách mạng bán dẫn toàn cầu, nhưng thách thức lớn nhất hiện nay là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Trong bối cảnh ngành bán dẫn toàn cầu dự kiến đạt quy mô 1.000 tỷ USD vào năm 2030, Việt Nam cần đào tạo 50.000–100.000 kỹ sư để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Ông Tú chia sẻ, tầm nhìn của FPT trong việc xây dựng hệ sinh thái bán dẫn hoàn chỉnh, từ thiết kế đến R&D. Mới đây, FPT đã khai trương trung tâm R&D tại Đà Nẵng – hướng đến trở thành “Silicon Bay” của khu vực. FPT đang đẩy mạnh đào tạo thông qua sự hợp tác với hơn 20 đại học toàn cầu.
“Việc hợp tác giữa Trường Đại học FPT, tập đoàn FPT và Asia University Đài Loan (Trung Quốc) là một bước đi chiến lược nhằm phát triển nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao, hướng đến mục tiêu toàn cầu", Giám đốc công nghệ FPT khẳng định.
GS. Gene-Eu Jan đến từ Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, Asia University là một trong những trường top đầu tại Đài Loan (Trung Quốc) trong đào tạo kỹ sư bán dẫn, với lợi thế vị trí gần các tập đoàn công nghệ lớn như TSMC. "Sinh viên được tiếp cận thực tế ngay trong quá trình học, với mức thu nhập sau tốt nghiệp có thể lên tới 100.000 USD/năm – một minh chứng rõ nét về giá trị của nhân lực chất lượng cao ", vị giáo sư cho hay.
GS. Deng Wen Ling, Tham tán Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) tại Việt Nam nhấn mạnh, công nghệ bán dẫn là một lĩnh vực vô cùng tiềm năng, đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các ngành công nghiệp hiện đại.
Tuy nhiên, thị trường hiện nay đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Do đó, GS. Deng Wen Ling khuyến khích các bạn trẻ nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đầu tư học tập và phát triển bản thân trong ngành đầy triển vọng này.
Ông Nguyễn Vinh Quang – Tổng Giám đốc FPT Semiconductor, tập đoàn FPT chia sẻ rằng nhiều sinh viên Việt Nam vẫn phải đào tạo lại sau khi tốt nghiệp do thiếu nền tảng chuyên sâu về bán dẫn. Ông khẳng định các chương trình đào tạo liên kết với Đài Loan là bước đi chiến lược giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ, phương pháp giảng dạy tiên tiến và nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành bán dẫn toàn cầu.
(Ảnh minh họa).
Ngày 14/12, tại phiên họp phiên họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng cho rằng, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là nhu cầu, đòi hỏi tất yếu, là đột phá chiến lược và là nhiệm vụ trọng tâm.
Thủ tướng giao: Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, trong đó có việc nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết giữa nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn bảo đảm hiệu quả, chất lượng; Khẩn trương trình ban hành Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng đến 2045” để chuẩn bị nguồn nhân lực STEM có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực bán dẫn, nhất là đội ngũ nhân lực tài năng có khả năng tham gia sâu vào công đoạn nghiên cứu và phát triển trong một số lĩnh vực công nghệ then chốt và xây dựng, hướng dẫn thực hiện chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn.
Trước đó vào tháng 9/2024, Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030”, đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo ít nhất 50 nghìn nhân lực trình độ đại học trở lên cho lĩnh vực bán dẫn. Trong số này, khoảng 15 nghìn người sẽ phục vụ cho thiết kế vi mạch, 35 nghìn người sẽ đảm trách các lĩnh vực sản xuất, đóng gói và kiểm thử sản phẩm. Ngoài ra, sẽ có thêm 5.000 chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ và nâng tầm lĩnh vực bán dẫn, cùng 1.300 giảng viên tại các trường đại học và viện nghiên cứu được bồi dưỡng chuyên sâu, tạo nên đội ngũ giảng dạy tinh hoa, sẵn sàng đưa Việt Nam vươn lên trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học đã và đang tham gia đào tạo lĩnh vực này, dự kiến số lượng sẽ tăng đáng kể trong 2-3 năm tới khi các trường cao đẳng nghề, các dự án hợp tác đào tạo với doanh nghiệp cùng lúc vào cuộc. Các chuyên gia cảnh báo ngành bán dẫn đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao, với công nghệ cập nhật liên tục theo chu kỳ 6 đến 12 tháng, trong khi việc đổi mới chương trình đào tạo đại học thường chậm hơn rất nhiều.
Điều này khiến sinh viên ra trường dễ thiếu hụt các kỹ năng thực tiễn, không bắt kịp yêu cầu của thị trường quốc tế. Đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất cũng là những nút thắt lớn đối với các cơ sở đào tạo. Vấn đề cốt lõi là các trường phải nâng chuẩn đào tạo để đầu ra có chất lượng, cạnh tranh được trên thị trường lao động toàn cầu. Bên cạnh đó, ngành vi mạch bán dẫn cũng đòi hỏi rất cao ở người học về năng lực và tố chất. Sinh viên cũng cần lường trước những khó khăn đặc thù của ngành.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)