Tại hội nghị kết nối, thỏa thuận hợp tác tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang năm 2025, ông Lê Bá Thành - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Giang cho biết mùa vải thiều năm 2025 gặp phải thời tiết không thuận lợi, nắng nóng, khô hạn kéo dài. Tuy nhiên, tỉ lệ vải thiều ra hoa đạt trên 90%, tỉ lệ đậu quả đạt trên 80%. Sản lượng ước đạt trên 165.000 tấn, trong đó diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 16.000ha, GlobalGAP là 204ha và hữu cơ là 10ha.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Bắc Giang, từ nay đến cuối vụ thu hoạch vải thiều, nhiệm vụ đối với sản xuất vải thiều còn rất nặng nề, có ý nghĩa quan trọng quyết định đến năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm, khả năng tiêu thụ và hiệu quả sản xuất của người nông dân.
Năm nay vải thiều Bắc Giang dự báo trúng mùa, sản lượng lên tới 165 nghìn tấn.
Chính vì vậy, Sở sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên chuyên môn thường xuyên kiểm tra các vùng trồng vải để dự tính, dự báo các đối tượng sâu bệnh hại, nhất là sâu đục cuống quả, bệnh thán thư, sương mai gây hại trên quả vải.
Đồng thời hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc; tăng cường giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là các vùng vải thiều phục vụ xuất khẩu đúng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn và đảm bảo thời gian cách ly theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Bắc Giang cũng sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với 240 mã số vùng trồng vải, 39 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.
Đồng thời tiến hành kiểm tra, thẩm định vùng trồng, cơ sở đóng gói mới đáp ứng đủ điều kiện đề nghị Cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật gửi các nước cấp mã bổ sung trong năm 2025 đảm bảo đủ số lượng, năng lực phục vụ xuất khẩu.
Dự kiến xuất khẩu hơn 12.500 tấn đi Mỹ và Trung Quốc
Được biết, để phục vụ cho xuất khẩu, ngành nông nghiệp và môi trường Bắc Giang đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, giám sát 240 mã số vùng trồng (Trung Quốc 126 mã, Mỹ 21 mã, Australia 29 mã Thái Lan 25 mã, Nhật Bản 39 mã) vải xuất khẩu với tổng diện tích khoảng 17.400 ha và cấp mới bổ sung 3 mã vùng trồng vải xuất khẩu sang thị trường Mỹ, với diện tích 30 ha.
Trước vụ thu hoạch sẽ tiến hành lấy mẫu quả vải tươi tại các vùng sản xuất vải phục vụ xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc tập trung tại các huyện Tân Yên, Lục Ngạn và thị xã Chũ để phân tích đánh giá chất lượng.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)