Theo truyền thông đưa tin, hiện tại, nhiều trường đại học danh tiếng đã bị Chính phủ Mỹ đưa vào danh sách cắt giảm hoặc đình chỉ toàn bộ tiền tài trợ. Ngoài trường hợp điển hình như Đại học Harvard, các trường đại học khác như Brown, Columbia, Cornell, Pennsylvania, Princeton... cũng đang bị "trừng phạt" ở khía cạnh kinh tế.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố, các trường bị nhắm đến là những cơ sở giáo dục không kiểm soát được nhóm sinh viên có tư tưởng cực đoan, đi ngược lại những giá trị mà Chính phủ Mỹ đề cao, để hoạt động biểu tình từng có thời điểm lan rộng không kiểm soát.
Trong bối cảnh ấy, nhiều trường đại học danh tiếng bị Chính phủ Mỹ đánh giá là thiếu tập trung vào hoạt động đào tạo các ngành học đưa lại hiệu quả thực tiễn, để có đóng góp đắc lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Mỹ.
Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Kristi Noem đã ra lệnh chấm dứt chứng nhận Chương trình Sinh viên và Trao đổi khách (SEVP) của Đại học Harvard, có hiệu lực từ năm học 2025-2026.
Trước khi bị cấm tuyển sinh viên quốc tế, Chính phủ Mỹ đã đóng băng khoảng 3 tỉ USD tiền tài trợ liên bang cho Đại học Harvard trong những tuần gần đây, khiến trường này phải đâm đơn kiện để khôi phục nguồn tài trợ.
Nếu thực sự bị tước quyền miễn thuế, Đại học Harvard sẽ bắt đầu phải nộp thuế thường niên. Việc được miễn thuế từng giúp Đại học Harvard không phải đóng thuế thu nhập từ các hoạt động đầu tư. Các nhà tài trợ hiến tặng vào quỹ trường cũng từng được miễn các nghĩa vụ thuế đối với khoản tiền quyên tặng.
Hiện Đại học Harvard đã bị thu hồi quyền tuyển sinh viên nước ngoài.
Tuyền thông Mỹ ước tính lợi ích từ việc được miễn thuế đưa về cho Đại học Harvard và các đối tác khoản lợi nhuận lên tới hơn 465 triệu USD trong năm 2023. Trong báo cáo tài chính gần đây nhất của trường, Harvard sở hữu khối tài sản ròng lên tới 64 tỷ USD. Trong đó, hơn 53 tỷ USD nằm trong quỹ tài trợ của trường. Quỹ này vốn hoạt động như một kênh đầu tư dài hạn để sinh lợi cho trường, không ưu tiên chi dùng ngắn hạn.
Ngoài ra, quỹ tài trợ này gồm hơn 14.000 quỹ nhỏ, tiền trong hầu hết các quỹ đều gắn với điều kiện chi dùng do nhà tài trợ đặt ra, vì vậy, các quỹ này không thể chi dùng linh hoạt.
Vì vậy, tiền tài trợ và tiền đầu tư nghiên cứu của Chính phủ Mỹ rất có ý nghĩa đối với hoạt động của trường. Trong báo cáo về năm tài chính vừa qua, Harvard đã tiếp nhận tới 687 triệu USD từ nhà chức trách Mỹ. Tiền tài trợ của Chính phủ Mỹ đưa lại "sức khỏe tài chính" cho Đại học Harvard, đây cũng là mảng đang bị ảnh hưởng mạnh nhất, khiến Harvard lao đao.
Không được nhận ngân sách liên bang đồng nghĩa với việc nhà trường gặp rất nhiều khó khăn để duy trì các dự án nghiên cứu khoa học, y học, kỹ thuật... Chất lượng nghiên cứu và vị thế học thuật của trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ vậy, Đại học Harvard hiện đã "đóng băng" hoạt động tuyển dụng. Theo đánh giá của truyền thông Mỹ, tới đây, trường có thể phải sa thải nhân sự, đóng cửa phòng thí nghiệm, cắt giảm một số chương trình đào tạo...
Hiện tại, việc Harvard bị cấm tuyển sinh viên quốc tế khiến những sinh viên nước ngoài theo học tại Harvard phải chuyển trường, hoặc có nguy cơ bị đưa vào diện cư trú bất hợp pháp. Điều này khiến các giáo sư của Harvard lo ngại tới đây, nhiều phòng thí nghiệm của trường sẽ phải đóng cửa.
Theo thống kê, Đại học Harvard đã tuyển sinh gần 6.800 sinh viên quốc tế trong năm học 2024-2025, chiếm 27% tổng số sinh viên theo học.
Năm 2022, công dân Trung Quốc là nhóm sinh viên nước ngoài đông nhất ở Đại học Harvard với 1.016 người. Sau đó là sinh viên từ Canada, Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh, Đức, Úc, Singapore và Nhật Bản.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)