Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh sẽ đăng ký và sắp xếp nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2025 trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ, trong khoảng thời gian từ ngày 16/7 đến 17 giờ ngày 28/7.
Việc áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau mang lại lợi thế lớn cho thí sinh. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ thông tin hoặc chủ quan trong việc đăng ký nguyện vọng, thí sinh có thể đánh mất cơ hội vào ngành học mong muốn.
Thí sinh cần có chiến lược sắp xếp nguyện vọng thông minh theo nguyên tắc "ba tầng"
Theo Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Mở Hà Nội, hàng năm, đều có thí sinh trượt tất cả các nguyện vọng. Do vậy, các em cần phải lên chiến lược đặt nguyện vọng thông minh, gồm cả những ngành có điểm chuẩn năm trước cao hơn, thấp hơn và bằng điểm thí sinh đạt được.
Trong đó, nguyện vọng 1 nên là ngành thí sinh yêu thích nhất, bởi nếu đủ điểm, đây là nguyện vọng có khả năng trúng tuyển cao nhất. Các ngành an toàn nên đặt ở vị trí sau để đề phòng rủi ro. Nếu đặt ngành an toàn lên đầu vì lo lắng trượt, có thể thí sinh sẽ mất cơ hội vào ngành bản thân mong muốn kể cả có đủ điểm.
Ngoài ra, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình đào tạo, định hướng nghề nghiệp, học phí, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, môi trường học tập và những chính sách hỗ trợ sinh viên của nhà trường. Đặc biệt, thí sinh cần lưu ý về phương thức xét tuyển để biết rõ bản thân đủ điều kiện tham gia phương thức nào và có nên sử dụng đồng thời nhiều phương thức hay không.
Nguyện vọng 1 nên là ngành thí sinh yêu thích nhất (Ảnh minh họa).
"Một số trường hợp thường lựa chọn ngành học theo phong trào, không xuất phát từ năng lực và sở thích cá nhân. Thực tế cho thấy, nhiều thí sinh sắp xếp nguyện vọng thiếu chiến lược, đặt các ngành có mức điểm tương đương gần nhau ở nhiều vị trí hoặc chỉ dồn vào một vài trường "top" đầu mà không có thêm phương án dự phòng. Đây là lỗi có thể dẫn tới việc thí sinh không đỗ bất cứ nguyện vọng nào hoặc đỗ vào ngành học không phù hợp", thầy Ngọc Anh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thụy - Trưởng phòng Phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Thí sinh sẽ trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất vào một trường đại học, nên phải có chiến lược đặt nguyện vọng hợp lý để tăng cơ hội vào ngành, trường bản thân yêu thích.
Nếu chỉ tập trung vào mục tiêu “trúng tuyển đại học” mà không chọn đúng ngành nghề yêu thích sẽ dẫn đến “học đại”. Thậm chí, trong quá trình học sau này, các em có thể mất động lực học tập hoặc nghỉ học giữa chừng. Do vậy, cần định hướng đúng ngành, đúng nghề, đúng năng lực của bản thân dựa trên sở thích cá nhân, phân tích ngành nghề theo thông tin các trường công bố trên website cũng như tìm hiểu kỹ cơ hội nghề nghiệp trong vòng 3-5 năm tới. Trên cơ sở đó, xác định ngành và trường theo học phải phù hợp với sở thích, đồng thời đáp ứng nhu cầu nhân lực và định hướng phát triển của xã hội".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thụy - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh trong một buổi tư vấn tuyển sinh. Ảnh: NVCC.
Theo Trưởng phòng Phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2025 là năm đầu tiên thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, do vậy điểm chuẩn có thể sẽ có nhiều biến động so với năm trước. Vì vậy, thí sinh nên sử dụng tất cả các phương thức xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển đại học.
Những năm trước, không ít thí sinh đăng ký các nguyện vọng có mức điểm chuẩn tương đương nhau, không có sự phân bổ hợp lý giữa nguyện vọng cao và thấp. Điều này dẫn đến việc có thí sinh trượt tất cả các nguyện vọng, đánh mất cơ hội vào đại học. Để tránh rủi ro, thí sinh nên sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên giảm dần, từ ngành và trường yêu thích nhất đến những lựa chọn an toàn hơn. Đặc biệt, các em nên xác định ngành học phù hợp trước, sau đó mới cân nhắc chọn trường đào tạo.
Một số lưu ý khác khi đăng ký ngành học
Trong khi đó, Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cho rằng, việc chọn ngành nghề là quyết định quan trọng, cần cân nhắc kỹ lưỡng cũng như cân bằng giữa đam mê cá nhân và nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Thay vì lựa chọn ngành "hot", thí sinh nên lựa chọn ngành có cơ hội phát triển trong tương lai, đón đầu xu hướng phát triển của xã hội.
Ngoài căn cứ vào điểm chuẩn của những năm trước, thí sinh cần đối chiếu điểm thi với phân vị trong phổ điểm toàn quốc. Việc này cho phép thí sinh đánh giá được xác suất trúng tuyển một cách có cơ sở chính xác hơn.
Bên cạnh đó, cần phân tích biến động về chỉ tiêu tuyển sinh và mật độ hồ sơ đăng ký của từng ngành, từng trường. Những thay đổi như tăng chỉ tiêu 15–20% hoặc giảm hồ sơ 10% có thể khiến điểm chuẩn dao động đến hơn 1 điểm. Ngược lại, với các ngành “nóng” đang thu hút đầu tư mạnh như bán dẫn, năng lượng tái tạo hay trí tuệ nhân tạo, điểm chuẩn có thể tăng dù chỉ tiêu không đổi. Đây là dữ liệu thí sinh cần tra cứu trực tiếp từ thông tin tuyển sinh chính thức của từng trường, không thể ước đoán hoặc làm theo cảm tính.
(Ảnh minh họa)
Đáng lưu ý, thí sinh cần quan tâm đến mức độ gắn kết giữa ngành học và chiến lược phát triển nhân lực quốc gia. Trong giai đoạn 2025–2035, Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực như: bán dẫn – vi mạch; trí tuệ nhân tạo, kinh tế số; năng lượng tái tạo, điện hạt nhân; logistics thông minh... nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Lựa chọn ngành học phù hợp sẽ giúp người học tăng cơ hội việc làm sau khi ra trường, tiếp cận nhanh với xu hướng nghề nghiệp của kỷ nguyên chuyển đổi số và phát triển xanh.
Cuối cùng, cần cân nhắc đến độ phù hợp giữa ngành học với năng lực học thuật, điều kiện tài chính của gia đình và định hướng cá nhân. Việc chọn ngành vượt ngoài khả năng học tập hoặc vượt quá tiềm lực tài chính dài hạn có thể dẫn tới quá tải, lệch hướng hoặc bỏ học giữa chừng. Thí sinh cần tự đánh giá kỹ năng học tập, năng lực ngoại ngữ, khả năng thích nghi và mức đầu tư học tập trong 4–5 năm để bảo đảm lựa chọn là bền vững và khả thi.
A.Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)