Vừa qua, Cơ quan Công an đã ra lệnh bắt khẩn cấp 02 đối tượng đã sử dụng Facebook của người khác đăng thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự
Theo đó, 02 đối tượng Ngô Bá Sơn (SN 1984, ĐKHKTT: Hải Đăng, Hải Hậu, Nam Định) và Vũ Văn Bằng (SN 1989, ĐKHKTT: An Bình, Lạc Thủy, Hòa Bình) đã vi phạm vào điều 226 BLHS “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên máy tính mạng, mạng viễn thông, mạng Internet”.
Hai đối tượng bị bắt ngày 29/4 vì sử dụng Facebook đăng thông tin sai sự thật.
Trong buổi họp báo sáng 29/4, Phòng PC50 CA TP Hà Nội đã khuyến cáo người sử dụng Facebook một số lưu ý sau để tránh gặp phải rắc rối không đáng có:
- Khi nhận thấy các tin giật gân, khiêu dâm trên mạng Internet, mạng xã hội mà có biểu hiện tin sai sự thật để câu view thì không bấm vào xem. Việc kích vào đường link trên vô hình chung tiếp tay cho việc tăng lưu lượng truy cập nhằm thu lợi bất chính của các đối tượng. Nếu đã lỡ kích vào những đường link này thì người dùng nên đổi ngay mật khẩu để tránh mất tài khoản.
- Với các hành vi giả danh bạn bè, người thân để nhờ nạp thẻ điện thoại, trước khi thực hiện cần có biện pháp kiểm tra (gọi điện thoại, hỏi người quen) trước để xác thực thông tin, danh tính.
- Tất cả các hoạt động tri ân khách hàng, trúng thưởng của nhà mạng viễn thông, mạng Internet chỉ đăng tải trên các website của các nhà mạng đó hoặc trên các kênh truyền thông chính thống. Đối với các thông báo trên website khác, hoạt động như trên Facebook, Zalo… là các đối tượng giả mạo nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Những chương trình khuyến mại do các nhà mạng triển khai sẽ được thông báo công khai trên website của các nhà mạng hoặc trực tiếp gửi tin quảng cáo đến thuê bao của khách hàng. Việc nạp thẻ chỉ nên thực hiện trên website chính thức của các nhà mạng hoặc đối tác của nhà mạng (nên tìm hiểu trên website của các nhà mạng) và các dịch vụ Internet Banking do ngân hàng cung cấp.
- Trước khi đăng nhập vào các tài khoản xã hội, cần kiểm tra kỹ trên thanh địa chỉ để tránh truy cập vào các địa chỉ giả dẫn đến bị mất tài khoản. Cụ thể: với mạng xã hội Facebook: https://www.facebook.com, Gmail: https://www.gmail.com (lưu ý phải có https: thể hiện cơ chế mã hóa SSL/TLS của nhà cung cấp dịch vụ). Người sử dụng tuyệt đối không bấm vào các đường link lạ, nếu cần phải xác minh với người gửi thông tin. Đồng thời, khi đăng nhập vào tài khoản Facebook, người dùng cần lưu ý kiểm tra địa chỉ đúng là https://www.facebook.com với chữ https màu xanh. Để ngăn chặn và phòng ngừa những thủ đoạn lừa đảo trên, khách hàng khi sử dụng máy tính nên đặt mật khẩu dài trên 8 ký tự có cả chữ thường, chữ hoa và con số để tăng tính bảo mật.
- Người dùng không nên cung cấp cho bất cứ ai mật khẩu email hoặc qua chat. Đồng thời không nên bấm vào những đường link lạ, các website lạ không rõ nguồn gốc. Người sử dụng phải cài đặt các phần mềm phòng chống virus, các phần mềm an ninh có cập nhật thường xuyên để ngăn chặn virus xâm nhập vào máy tính…
- Hạn chế dùng máy người lạ hay máy ngoài tiệm Internet để truy cập vào tài khoản email, chat. Nếu bắt buộc phải đăng nhập bằng máy người lạ, có thể dùng bàn phím ảo trên màn hình và dùng chức năng cắt dán để tránh lộ mật khẩu. Không dùng email cơ quan để trao đổi thông tin cá nhân. Khi thấy có hiện tượng đáng nghi ngờ, ví dụ email mới mình chưa đọc mà có dấu hiệu đã bị mở, hoặc bạn trong danh sách chat hỏi lại mình nội dung lạ, không phải mình nói thì nên cảnh giác đổi mật khẩu email, chat.
Theo Infonet.vn