Theo bà Trang, chính sách miễn viện phí toàn dân là một chính sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước đối với sức khỏe người dân. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh, chính sách này không đặt mục tiêu "miễn phí tuyệt đối". Thay vào đó, mục tiêu cốt lõi là giảm tối đa chi phí tiền túi mà người dân phải bỏ ra khi đi khám, chữa bệnh.
"Miễn viện phí toàn dân là một chính sách nhân văn và vẫn phải dựa trên nền tảng trụ cột là bảo hiểm y tế", bà Trang khẳng định. Bà cũng cho biết, chính sách này còn hướng tới việc tăng mức độ phủ của bảo hiểm y tế, giảm tỷ lệ tử vong do phát hiện bệnh muộn, và xây dựng một hệ thống y tế bền vững, hiệu quả, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Lộ trình thực hiện từng bước để đạt hiệu quả bền vững
Bà Trang cũng làm rõ rằng, chính sách miễn viện phí toàn dân sẽ được thực hiện theo lộ trình cụ thể.
Từ năm 2026, người dân sẽ được khám sức khỏe định kỳ miễn phí mỗi năm một lần tại trạm y tế xã, bao gồm xét nghiệm cơ bản, chụp X-quang tim phổi, siêu âm ổ bụng,... (Ảnh minh hoạ)
Từ năm 2026: Người dân sẽ được khám sức khỏe định kỳ miễn phí mỗi năm một lần tại trạm y tế xã. Các dịch vụ bao gồm xét nghiệm cơ bản, chụp X-quang tim phổi, siêu âm ổ bụng... Quan trọng hơn, mỗi người dân sẽ được lập hồ sơ sức khỏe để theo dõi liên tục, sàng lọc bệnh dựa trên yếu tố nguy cơ và được quản lý sức khỏe trọn vòng đời, từ khi còn trong bụng mẹ đến khi về già.
Bên cạnh đó, người dân sẽ được tiếp cận các gói dịch vụ y tế cơ bản mang tính phòng bệnh, góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh, tử vong và tiết kiệm chi phí điều trị ở giai đoạn muộn.
Mục tiêu đến năm 2035: 100% người dân sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế tại cấp khám, chữa bệnh ban đầu và các cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu thuộc cấp khám, chữa bệnh cơ bản. Đồng thời, 100% trạm y tế cơ sở sẽ đủ năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả.
Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, bà Trang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cấp toàn diện y tế cơ sở. Điều này bao gồm việc cải thiện về chức năng, tổ chức, nhân lực và trang thiết bị. Đặc biệt, bà lưu ý cần đảm bảo các trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa có đủ bác sĩ để khám ngoại trú, chỉ định xét nghiệm và quản lý bệnh mạn tính.
Song song đó, việc phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình, tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại cơ sở cũng là những giải pháp then chốt. Bà cũng đề xuất cần có chính sách điều động thêm bác sĩ về làm việc có thời hạn tại các trạm y tế xã và chính sách đãi ngộ vượt trội về thu nhập để thu hút và giữ chân đội ngũ y bác sĩ tại tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng và các lĩnh vực ưu tiên.
(Ảnh minh hoạ)
Một vấn đề quan trọng mà bà Trang đặc biệt nhấn mạnh là việc tuân thủ quy trình chuyển tuyến và phân luồng người bệnh.
Bà khẳng định: “Chính sách miễn viện phí không đồng nghĩa với việc người dân cứ muốn đến đâu khám thì đến và được chi trả 100%, mà vẫn phải tuân thủ quy trình chuyển tuyến cơ sở khám, chữa bệnh, phân luồng người bệnh theo cấp chuyên môn”.
Nếu người bệnh đi khám không đúng cấp chuyên môn hoặc khám vượt mức cần thiết, họ sẽ phải chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí, ngay cả khi đã có bảo hiểm y tế. Đây là một yêu cầu thiết thực nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng của quỹ bảo hiểm y tế, đồng thời giảm tải cho tuyến trên và tăng cường năng lực cho tuyến cơ sở.
"Lúc này, các tuyến y tế cơ sở phải đủ mạnh, đủ năng lực để lấy được sự tin tưởng của người dân, tránh được tình trạng 'vượt tuyến'", bà Trang kết luận.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)