Rạng sáng ngày 17/7/2011, người dân thôn Khuẩy Lào (xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) nháo nhác vì thông tin trong làng có người vừa bị đánh chết. Bên bìa rừng, anh Hoàng Văn Đức (SN 1985, ngụ tại địa chỉ nêu trên) đã tắt thở, trên người bầm tím nhiều vết thương. Ngồi bên cạnh xác con, bà mẹ Nông Thị Mét (SN 1964) nét mặt vẫn còn bần thần tái dại, thều thào nhận tội: “Chính tôi giết nó đấy”.
Gã điên “ quậy tưng” xóm nhỏ
Khám nghiệm ban đầu, cơ quan chức năng nhận thấy nạn nhân Đức bị tử vong do chấn thương sọ não, vỡ hộp sọ bởi tác động của một vật tày nhọn. Ngoài ra, nạn nhân còn bị nhiều vết chém ở vùng cổ và bả vai bởi một vật sắc nhọn. Hung khí gồm một đoạn gỗ được tìm thấy ngay bên cạnh nạn nhân. Riêng con dao hung khí được bà Mét đem đến nộp khi đầu thú.
Nằm cách trung tâm Lạng Sơn hơn 60 cây số, đường vào khó khăn nên có đoạn phải cuốc bộ, thế nhưng câu chuyện dã man người mẹ nỡ giết con vẫn xôn xao khắp tỉnh Lạng Sơn. Trưởng thôn kiêm công an viên xã Nguyễn Văn Quảng, người chứng kiến toàn bộ câu chuyện đau lòng tóm gọn nội dung sự việc bằng một câu nói: “ Trong hành động giết người của bà Mét lại có hành động cứu người. Bà ấy vừa đáng trách vừa đáng thương”.
Vị trưởng thôn cho biết, nạn nhân Đức vốn là người mắc chứng thần kinh phân liệt. Chiều một ngày trước khi xảy ra vụ án, Đức lại nổi điên có biểu hiện bất bình thường, phá một số đồ đạc trong nhà rồi vác dao nhọn chạy đi tìm mẹ thông báo: “Mẹ về đi với con, hôm nay con phải giết chết một thằng mới hả giận”.
Biết con lên cơn, bà Mét vội bỏ ruộng cấy chạy đuổi theo con. Vừa đi, bà vừa quỳ xuống van lạy con quay về nhà nên gã trai lẩn thẩn nguôi giận và quay về. Để cẩn thận hơn vì sợ con làm liều, bà Mét đã giằng con dao con mình cầm. Thế nhưng gã trai tâm thần này vẫn không từ bỏ ý định. Hắn lén về nhà tìm một con dao khác để tiếp tục thực hiện “kế hoạch”.
“Thằng ấy” mà gã điên căm tức là một người đàn ông cùng xóm tên Thường. Đến nhà mà không thấy chủ nhà, gã điên bèn định xông vào nhà chém mấy đứa trẻ thì hai con của anh nhanh trí chốt cửa kịp thời ngăn không cho hắn vào nhà. Thấy cửa chốt, Đức quay ra đồng tìm chủ nhà lúc đó đang gặt lúa gần đó.
Đúng lúc này thì bà mẹ nghe tin chạy tới kịp ngăn không cho con mình phạm tội. Cơn tức giận của gã điên dường như vẫn không hạ nhiệt, hắn thấy con chó nhà hàng xóm xích gần đó thì chẳng nói một lời mà vung dao hạ con vật tội nghiệp.
Cơn điên của Đức khiến cả nhà anh Thường sợ chết khiếp, vợ chồng không dám về nhà, hai con anh cũng không dám mở cửa cho đến khi có sự xuất hiện của dân quân và chính quyền địa phương. Vị trưởng thôn kể lại: “Nhận được điện báo của nạn nhân, tôi ngay lập tức cử nhiều dân quân xuống hiện trường.
Một nhóm túc trực tại nhà anh Thường, còn lại thì chia nhau đi tìm xem gã điên đang ở đâu nhưng không tìm thấy. Mẹ và chú của gã điên cũng đốt đuốc đi tìm nhưng không có tin tức gì. Đến khoảng 9h tối thì bất ngờ nhà anh Thường bị ném đá. Những viên đá to được ném thẳng từ rừng xuống khiến mái nhà vỡ hàng mảng ngói rơi xuống làm mọi người chạy toán loạn.
Tôi vội chạy ra bìa rừng cùng một vài dân quân thì lại chẳng thấy ai cả. Cứ thế, cứ một lúc lại có đá ném xuống mái nhà làm vỡ ngói khiến tất cả những ai có mặt hôm ấy đều mất ngủ. Mọi người tìm đủ mọi cách để ngăn Đức nhưng không ai lại gần được vì gã điên có dao và rất hung hãn. Đến gần sáng thì hắn lộ mặt, đứng trên đỉnh đồi chửi “cả làng Vũ Đại”.
Khi trời sáng hẳn thì bà mẹ và ông chú Đức đi lên đỉnh đồi, vừa đi vừa gọi con hãy về nhà đi chứ đừng phá hoại tài sản của dân làng nữa nhưng gã thanh niên điên cuồng “ phòng thủ”. Đến khoảng hơn 6h sáng, người chú nhanh trí nói “ có chuyện muốn nói nhỏ với cháu”.
Ảnh minh họa
Khi đến gần Đức, người chú tránh con dao nhọn và quật ngã được đứa cháu ngỗ ngược. “Lúc đó, tôi đứng ở khá xa nhưng cũng kịp trông thấy bà Mét chạy lên chỗ hai người, đoạn bà cầm một đoạn gậy nện tới tấp vào người con vừa la, vừa khóc: “ Mày cứ bảo mày muốn chết, hôm nay mẹ cho mày chết”. Tôi vội vàng cùng mọi người chạy lên thì đã quá muộn, Đức bị thương nặng nằm đó thoi thóp, được một lát thì tắt thở, không kịp đưa đi cấp cứu”.
Hồi ức kinh hoàng
Vị trưởng thôn cho biết, gia đình bà Mét chỉ có ba mẹ con sống với nhau do chồng bà đã mất đột ngột khi bà mới 24 tuổi. Sau khi chồng chết, bố mẹ chồng đều tỏ ý muốn bà Mét “đi thêm bước nữa” vì có rất nhiều người đến ngỏ lời muốn cưới làm vợ.
Nhưng thấy hai con còn nhỏ, nhớ lời hứa năm xưa với chồng sẽ nuôi hai con trưởng thành, bà quyết định ở vậy nuôi hai con. Ở nhà, Đức là đứa con được bà yêu thương, chăm sóc hơn cả, nhất là khi Đức bắt đầu có biểu hiện bệnh động kinh.
Đức phát bệnh từ năm 1997, cũng từ đó tâm tính cậu thanh niên này thay đổi hẳn. Cứ bình thường thì không sao nhưng khi phát bệnh là Đức lại la hét, đập phá tài sản trong nhà, thường xuyên dùng các vật dụng như búa, dao đập phá đồ đạc. Hai lần Đức châm lửa đốt hai chiếc xe máy của gia đình chỉ vì nghĩ “ có xe mà mình không được mẹ cho đi”.
Công an xã cho biết Đức có một tính khí thất thường nhưng không đáng sợ bằng việc cậu thanh niên này thù dai. Hễ ai làm phật ý Đức hoặc có gì không phải là y như rằng Đức sẽ liệt vào danh sách những người mình thù ghét, Đức rất hay lườm và nhìn rất đáng sợ. Khi phát bệnh, cậu ta cứ tìm những người này đòi “ thanh toán” khiến dân làng không ai dám lại gần.
Cả làng vẫn còn nhớ lại câu chuyện cách đây hai năm xảy ra trong chính gia đình bà Mét. Hôm đó, không hiểu vì lý do gì mà hắn kẹp mẹ vào hai cánh cửa và dùng thanh gỗ vụt tới tấp và bả vai bên phải. Rất may là đầu bà mẹ thì lại ở ngoài và mọi người đến ứng cứu kịp thời, nếu không có lẽ bà đã mất mạng.
Khi được hỏi vì sao Đức lại đánh mẹ thì hắn cho rằng “chờ mãi đến trưa mà mẹ chưa về nấu cơm cho tao ăn, nghĩ mẹ quên và bỏ mặc nên khi thấy mẹ về, tao ghét nên đánh cho chừa”.
Còn bản thân anh Hoàng Văn Thường, nạn nhân của gã điên cũng bị hắn thù ghét vì lý do cực kỳ lãng nhách. Nhớ lại nỗi sợ hãi của mình suốt bao năm qua, anh Thường cho hay: “Cách đây đã lâu, trong một lần Đức đi rửa đồ thì thôi ra suối tắm. Lúc ấy tôi không để ý đến đồ của Đức ngâm dưới nước nên đã vô ý giẫm lên một góc. Thấy vậy nó cầm đá ném về phía tôi và chửi bới.
Tôi bảo: “Đức à, chú có biết mày để đồ ở đó đâu, chú xin lỗi mày nhé! Chú vô tình thôi mà”, nhưng Đức vẫn không bỏ qua mà thâm thù với tôi từ ngày ấy. Cứ gặp tôi ở đâu là nó lại nhìn tôi gườm gườm nên thú thực, tôi lánh mặt Đức là chủ yếu sợ chẳng may xảy ra việc gì thì không hay”.
Tuy nhiên, chưa trả thù được thì gã điên tìm cách hãm hại gia đình anh. Trong một lần thấy con trai anh đi chơi về, Đức liền đuổi theo đánh cháu bé. Cháu bé sợ quá, vừa chạy vừa kêu cứu và nhảy xuống suối nhưng Đức đuổi kịp. Hắn túm cổ cháu bé dìm xuống nước nhưng rất may người dân vừa đi làm về đến đó vội nhảy xuống giải cứu kịp thời.
Cũng sau lần giết hụt cháu bé ấy, Đức bị mẹ cùng họ hàng cùm chân lại, thi thoảng mới dám mở ra để đi lại. Bà mẹ thì lúc nào cũng lo sợ con mình gây tai họa cho dân làng nên đi đến đâu bà cũng không dám đi xa mà chỉ chực về chăm con và lo cho con. Biết Đức thù dai nên mỗi khi hắn ra khỏi nhà là bà lại đi ngay đằng sau, thậm chí biết Đức định đến nhà ai là bà lại chạy đến gia đình đó báo tin trước để họ phòng bị hoặc chạy trốn kẻo gặp chuyện không hay.
Dân làng Khuẩy Lào rất sợ làm Đức phật ý, ngay cả người thân, họ hàng trong nhà cũng sợ việc bị cậu ta ghét. Việc cùm chân hắn là một ví dụ. Cô của hắn kể lại: “Do chồng tôi giúp chị cùm chân thằng Đức lại nên có hôm tôi sang nhà chơi, vừa thấy tôi đi vào, nó bảo “Cô cẩn thận con gái cô đấy, ai bảo chú cùm chân cháu. Cháu mà ra được cháu sẽ giết con gái cô cho mà xem”. Tôi nghe thế sợ quá vội vàng về nhà ngay mà chả kịp uống nước”.
Không chỉ gây ra mối nguy hiểm với dân làng, hễ ai lạ mặt vào làng mà gặp Đức, chẳng may hắn không “ hợp mắt” là y như rằng có chuyện xảy ra. Có lần, một thanh niên làng bên cạnh sang chơi đã bị Đức đánh cho bầm dập người khiến bà mẹ phải đi bồi thường tiền thuốc men, viện phí. Biết hoàn cảnh gia đình chị khó khăn và Đức bị bệnh nên nhà nọ mới thôi không kiện ra tòa.
Nhiều lần khác, Đức hành hung người dân trong làng đều khiến mẹ phải đến xin lỗi và xin mọi người bỏ qua cho.
Đau lòng nghe chuyện bi kịch của người mẹ
Sau khi gây ra vụ án giết con, do sức khỏe không đảm bảo và nhận thấy đủ các điều kiện nên công an đã quyết định cho bà Mét được tại ngoại. Chúng tôi tìm đến nhà khi bà vừa đi viện về.
Vết thương năm nào Đức gây ra cộng với việc suy nghĩ quá nhiều về việc đã quá khiến cho người phụ nữ này tiều tụy và ốm yếu liên miên. Hiện nay, một bên nửa người mẹ bất hạnh này có dấu hiệu bị liệt vì tay và chân phải đã không còn cảm giác đau hay cử động được nhiều như trước nữa. Lấy chồng và có hai con từ sớm nhưng bi kịch cuộc đời bà Mét bắt đầu khi bất ngờ chồng chị qua đời đột ngột năm 1989.
Một mình tần tảo với hơn 5 sào ruộng nuôi hai con khôn lớn thì bỗng một đêm bà giật mình khi nghe tiếng người con trai cả ú ớ. Vén màn nhìn vào giường con nằm, nghĩ con mơ ngủ nhưng bà bất ngờ thảng thốt khi thấy Đức co giật liên hồi, chân tay khua khoắng loạn xạ.
Biết con gặp điều chẳng lành, bà vội đi báo cho mọi người trong làng đến giúp đỡ. Sau khi đi viện và theo dõi bệnh tình, bác sĩ thông báo Đức bị bệnh động kinh, cần phải theo dõi thêm và phải dành nhiều thời gian chăm sóc. Lúc đó, bà Mét là Hội trưởng Hội phụ nữ của xã, rất có uy tín và đang nhận được sự tín nhiệm cao của bà con nhân dân. Tuy nhiên, và nhất định xin nghỉ công tác để chăm sóc con.
Khoảng năm 2004 thì Đức phát bệnh thường xuyên hơn và cũng có nhiều biểu hiện bất thường hơn trước khiến cho bà mẹ rất lo lắng. Bà bán bớt ruộng đi đế có tiền chạy chữa thuốc men cho con nhưng bệnh tình không khỏi. Thời gian phát bệnh của Đức bắt đầu kéo dài hơn nhưng hễ phát bệnh là cậu lại sẵn sàng đi “trả thù” những người mình ghét làm cho bà Mét nhiều đêm mất ăn mất ngủ.
Có lần, chính quyền thôn đã đến tận nhà chị vận động gia đình đưa Đức vào trại tâm thần hay trung tâm chuyên chữa trị bệnh động kinh. Đi được một thời gian ngắn, bà mẹ lại đón Đức về. Bà tâm sự: “ Gia đình tôi có bố nó chết ở ngoài và xa quê. Họ hàng cũng có vài trường hợp như thế rồi nên tôi chỉ sợ thằng Đức nó lại gặp mệnh hệ nào rồi mất ở ngoài thì tôi mang tiếng với họ hàng và bố nó nơi chín suối.
Nghĩ thế nên tôi xin lại nó về để tiện chăm sóc, ở trại thì ai thương nó hơn mình được, ai hết lòng với con mình được”. Sau đó bà viết giấy cam đoan với chính quyền địa phương và tự tay đi mua xích về cùm chân con mỗi khi Đức phát bệnh.
Nói đến đây, bà Mét bật khóc: “Chỉ sợ nó gây họa cho dân làng nên tôi mới phải làm như vậy. Những lúc nó tỉnh táo, nó rất ngoan và lễ phép, hay bắt tôi kể chuyện hồi đi làm ăn xa, nó bắt tôi nấu món nó thích. Những lúc ấy nó khác hẳn với khi phát bệnh. Những lúc nó la hét, đập phá đồ đạc, đốt xe, rồi đốt cả nhà tôi đều phải van xin nó, khuyên bảo nó hết lời nó mới nguôi đi rồi mới thôi”.
Bà dẫn chúng tôi đi khắp một lượt trong nhà, những chiếc cột nhà, bàn ghế, giường tủ, không chỗ nào là không mang vết tích của dao chém mỗi khi Đức phát bệnh. Có lẽ cũng vì thế mà trong căn nhà tuềnh toàng không hề có vật dụng gì đáng giá.
Trước ngày xảy ra sự việc đau lòng khoảng vài tháng, Đức trong lúc phát bệnh đã suýt giết em trai mình vì cậu này khi đi làm về càu nhàu với Đức. Bà Mét nhớ lại: “ Hôm đó thằng em đi làm thuê về kêu mệt nhưng Đức lại mắng nó nên hai anh em cãi nhau.
Tôi không rõ là thẳng em nó nói gì mà khi ăn cơm trưa xong, thằng em leo lên giường đi ngủ, tôi rửa bát thì nghe có tiếng bước chân thằng Đức đi ra mé cửa rút một con dao. Tôi chạy vào thì thấy nó đi thẳng tới chỗ thằng em đang nằm chém xuống. Do vướng tấm màn nên thằng em tình giấc bỏ chạy, còn tôi chỉ biết lao vào ôm chân nó và ôm con khóc nhưng nó vùng ra và lao xuống chém chết con lợn mà tôi đang chăn”.
Sau lần đấy, Đức lầm lì hơn nhưng không còn tin tưởng vào ai cả. Trong bữa cơm, Đức đá xoong nồi và bảo mẹ: “ Tại mẹ mà dân làng bây giờ chẳng ai tin con cả, chẳng ai dám chơi với con. Tại mẹ nên con phải giết mẹ hoặc con sẽ giết ai đó cho mẹ xem”. Bà Mét kể lại chi tiết này mà nước mắt trào dâng.
Bà mẹ trần tình về khoảnh khắc giết con: “Trước đó tôi bàn với ông chú là phải làm sao bắt được nó, đánh cho nó ngất đi rồi đem về nhà chứ để nó như thế thì không ổn. Lúc bắt được nó, tôi chỉ định đánh cho nó ngất đi nhưng có lẽ một phần do tôi uất ức quá vì thằng con không bảo được nên đã lỡ tay đánh chết con”.
Người mẹ tâm sự thêm, lúc bị đánh Đức bảo: “Mẹ cứ đánh chết con đi, con sống mà chẳng ai mong con sống cả. Mẹ cứ đánh con chết đi”. Bà lúc đó vừa tức giận, vừa bị ức chế dồn nén nên quát lại: “Mày muốn chết mẹ đánh cho mày chết”. Không may Đức bị tổn thương vùng chẩm đầu và sau gáy, vết thương chí mạng đã dẫn đến tử vong. Sau khi biết con mình chết, bà Mét gần như suy sụp hẳn, suốt mấy tháng nay, người phụ nữ này không ăn uống được gì nhiều ngoài cháo và truyền nước.
Mặc dù dân làng ai nấy đều đến động viên bà nhưng những ám ảnh về giây phút lỡ tay sát hại chính con mình thì còn in sâu trong tâm trí người mẹ này mãi không thôi.
Người sống, người điên làm khổ lẫn nhau
Người dân thôn Khuẩy Lào là những người thương cảm bà mẹ tội nghiệp nhất. Khi Đức còn sống, mặc dù thanh niên này là nỗi khiếp sợ của mọi người nhưng không ai có ý làm hại hắn mà thường xuyên động viên bà Mét cố gắng chữa cho con mau khỏi bệnh. Có lần Đức bị rắn cắn, không chỉ riêng bà mẹ hắn mà nhiều gia đình xung quanh đều chạy đi khắp nơi tìm thuốc về chữa vết thương cho hắn.
Người trưởng thôn giãi bày tâm tư: “Tôi cũng đã đọc cáo trạng gửi về cho chị ấy và đúng là giết người thật nhưng thấy hai chữ “giết người” như cáo trạng truy tố sao nó lạnh lùng và nghe tàn nhẫn quá.
Chẳng qua là vì quá uất ức và bị dồn nén quá lâu nên khi nóng giận, chị ấy đã không làm chủ được mình nên mới dẫn tới việc Đức qua đời. Tôi nghĩ nên có một tội danh khác cho chị ấy thì hay hơn, hoặc một mức án phù hợp để chị ấy có thể sớm quay về với thằng con thứ hai nữa”.
Anh Thường, người từng sống nhiều năm trong nỗi sợ gã điên cũng tâm sự bao dung: “Tôi vẫn thường bảo vợ con không được thù oán hay ghét gia đình chị Mét. Cậu con chị ấy có bệnh tật như thế là chuyện ngoài ý muốn thôi. Còn chị Mét thì thương con, chuyện đó ai ở làng này cũng biết cả.
Việc chị ấy hy sinh bản thân mình đến thường xuyên nhẫn nhịn chịu Đức suốt bao năm qua mỗi khi cậu ấy phát bệnh là chuyện mà ai ở bản này cũng biết, cũng thương. Chuyện này xảy ra rồi, ai cũng bảo phải động viên chị Mét cố gắng vượt qua nỗi đau mà sống tiếp vì chị vẫn còn một thằng con trai nữa”.
Chào từ biệt dân làng ra về, chúng tôi tiếp tục vượt quãng đường dài ra về nhưng trâm trí vẫn không nguôi nghĩ về câu chuyện đau lòng xảy ra tại thôn Khuẩy Lào. Người mẹ trong vụ án nếu thoạt chỉ nhìn qua cáo trạng, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đó là một người mẹ ác độc và tàn nhẫn.
Thế nhưng, đó lại là một người mẹ này vốn rất mực thương yêu con và hy sinh cho con rất nhiều nhưng trong một phút hồ đồ và nóng giận mất lý trí đã đánh mất tất cả. Đáng giận nhất ở chị có lẽ là chuyện lòng thương đã đặt nhầm vị trí. Nếu chị chịu đưa con đi chữa trị, bản làng này đã không xôn xao vì gã tâm thần suốt nhiều năm qua và chị sẽ không phải chịu bản án của pháp luật, bản án của lương tâm còn dày vò trong nhiều năm nữa.
Theo lịch xét xử tại TAND tỉnh Lạng Sơn, phiên tòa xét xử bị cáo Nông Thị Mét (SN 1964, trú tại Khuẩy Lào, Hội Hoan) diễn ra vào sáng ngày 30/11/2011 bị hoãn lại vì bị cáo ốm liệt giường không thể đi lại. Do sức khỏe yếu, cơ quan điều tra xác định bị cáo cũng không gây nguy hiểm cho cộng đồng nên người mẹ này tạm thời được tại ngoại, chờ khi có lệnh triệu tập sẽ phải trình diện cơ quan chức năng.
Pháp luật & thời đại