Ngày 25/8, một chuyên gia của Liên hợp quốc đã lên án việc ngược đãi những bệnh nhân nhỏ tuổi bị bệnh bạch tạng tại các trung tâm chăm sóc của Chính phủ Tanzania.
Những bệnh nhân này trước khi vào các trung tâm thậm chí còn bị giết và lấy các bộ phận cơ thể đem bán làm vật hiến tế, cầu may.
Từ năm 2000, đã có ít nhất 74 bệnh nhân bạch tạng bị giết hại tại quốc gia châu Phi này.
Sau khi số người bị giết lên đến đỉnh điểm vào năm 2009, Chính phủ đã đưa những đứa trẻ vào các trung tâm chăm sóc trẻ em trong nỗ lực tuyệt vọng để bảo vệ chúng.
Một bé trai bị bệnh bạch tạng (Ảnh nguồn: AFP)
Alicia Londono, chuyên gia thuộc cơ quan Nhân quyền của Liên hợp quốc, người vừa trở về sau chuyến thanh tra ở Tanzania cho biết:
'Việc đưa những trẻ em bị bệnh vào các trung tâm chăm sóc là một giải pháp mang tính bảo vệ và ban đầu được hoan nghênh.
Tuy nhiên, điều kiện chăm sóc ở các trung tâm này thật tồi tệ. Ở đó luôn luôn chật ních người và điều kiện vệ sinh cũng rất kém.
Có nhiều vụ ngược đãi xảy ra ở các trung tâm này, thậm chí cả lạm dụng tình dục'.
Bạch tạng là một tình trạng gen đặc biệt, trong đó khiến da, tóc và mắt người ta bị thiếu hụt hắc tố vốn bảo vệ họ khỏi tia tử ngoại.
Người bị bạch tạng thường cũng bị phân biệt và ngược đãi tại nhiều nước châu Phi. Vì vậy những kẻ giết hại các bệnh nhân bạch tạng rất hiếm khi bị xử tội ở Tanzania hay bất cứ quốc gia châu Phi nào.
Ở Tanzania, cứ 1.400 người thì có một người mắc bệnh bạch tạng, thường là bẩm sinh, trong khi tỉ lệ này ở các nước phương Tây chỉ là 1/20.000.
Thông thường ở đây, những bộ phận cơ thể của người bệnh bạch tạng được bán với giá khoảng 600 USD, còn giá toàn bộ thi thể có thể lên đến 75.000 USD.
Vietnamplus.vn