Đi ăn trộm mà “khua chiêng gõ mõ” như đi hội
Rạng sáng 4-10-2011, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ, trên đường phố bỗng xuất hiện một thanh niên cao lớn chạy xe rà khắp các tuyến đường khu vực xã Hiệp Phước. Khoảng 20 phút sau thì hắn lao vào một ngõ hẻm nhỏ giấu xe và thong thả đi bộ ra đường.
Đi tới trước cửa hàng điện thoại Quốc Toàn, hắn dừng lại đảo mắt một vòng quan sát. Sau một lúc ngó nghiêng, hắn ngồi thụp xuống đất, nhanh chóng lôi ra một thanh sắt hì hục cạy cửa, tiếng động kèn kẹt vang cả một góc phố.
Cơ quan điều tra không biết làm thế nào để lấy lời khai từ tên tội
phạm "5 không" này
Vừa lúc đó, một người đi tập thể dục ngang qua nghe thấy nên chạy ngay đến để hỗ trợ anh Tặng. Thấy anh Tặng phân tâm, tên trộm này bất ngờ dùng thanh sắt đánh mạnh vào đầu khiến anh Tặng ngã lăn xuống đất bất tỉnh.
Người dân kia thấy vậy xông vào tiếp ứng cũng bị đối tượng dùng cây sắt hành hung, nhưng anh đã xông vào đối tượng trộm cắp đánh trả quyết liệt. Thấy tình hình không suôn sẻ, bản thân lại đang bị thương, gã “đạo chích” liền bỏ chạy vào hẻm rồi lên xe nổ máy tẩu thoát. Anh Tặng được mọi người đưa lên bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu nhưng do chấn thương sọ não nghiêm trọng, đã tắt thở một ngày sau đó.
Hiện trường vụ án đặt lại rất nhiều câu hỏi khó trả lời cho các điều tra viên. Vì sao tên trộm mắt lấm lét nhưng trái với quy luật tội phạm: Đã ăn trộm nhưng không làm nhẹ nhàng mà hành sự rất ầm ĩ. Hơn thế, cửa cuốn của nhà hàng xóm kéo bằng tay, tiếng động phát ra rất lớn khi người hàng xóm mở cửa xông ra bắt, thế nhưng tên trộm không tháo chạy mà vẫn điềm nhiên ngồi phạm tội. Có phải do hung thủ quá hung ác, bất chấp nguy hiểm hay vì lý do gì khác? Công an chỉ có thể đưa ra nhận định ban đầu, tên trộm cắp, giết người này rất to khỏe, tinh ranh và nguy hiểm.
Hung thủ “5 không”
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với công an huyện Nhơn Trạch, công an xã Hiệp Phước áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khẩn trương xác minh truy tìm hung thủ. Sau khi rà soát các đối tượng tình nghi, các điều tra viên thấy nghi vấn tên Nguyễn Văn Đức (29 tuổi, ngụ tại ấp 7, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, Đồng Nai), từng có nhiều tiền án, tiền sự; đã rời khỏi địa phương từ nhiều năm nay không rõ tung tích.
Khi gây án, đối tượng đã bị thương nên các trinh sát phán đoán tên này nhất định phải đi viện để băng bó điều trị. Lập tức, thông báo nhận dạng đối tượng được gửi đi tất cả các bệnh viện, các nhà trọ, kêu gọi mọi người phối hợp hỗ trợ cơ quan công an truy tìm hung thủ.
Ba ngày sau khi xảy ra vụ việc, một bệnh viện trên địa bàn gọi điện thông báo, bệnh viện của họ có một bệnh nhân có nhận dạng giống đối tượng mà công an đang truy tìm. Ngay lập tức, một tổ trinh sát đã được cử đến bệnh viện nhưng khi ập đến nơi, đối tượng đã bí mật trốn khỏi bệnh viện trước đó chỉ đúng 1 tiếng đồng hồ. Xác định đây là một đối tượng rất “cáo già” nên cách trinh sát lặng lẽ rút lui tránh “rút dây động rừng”. Tuy nhiên, các anh không phải chờ lâu. Ngày 8/10, một chủ nhà trọ gọi điện thông báo, một đối tượng đang thuê trọ ở nhà họ có nhận dạng như người mà công an đang truy tìm.
Tránh để hung thủ lọt lưới như lần trước, một mũi trinh sát được cử đến tiếp cận nhà trọ, bí mật quan sát các hoạt động và bao vây khu vực trên. Mặc dù rất ranh mãnh, xảo quyệt khi ém mình trong phòng, nhưng hắn không thể ngờ được “nhất cử nhất động” của hắn đều nằm trong tầm kiểm soát của trinh sát. Khi thấy thời cơ đã đến, lực lượng trinh sát ập vào còng tay khiến hắn chỉ ú ớ vài tiếng, sau đó cúi đầu im lặng.
Đưa đối tượng về cơ quan công an lấy lời khai, đối tượng dường như không muốn hợp tác. Đã không trả lời, hắn còn “giương mắt ếch” nhìn chằm chằm vào người hỏi cung. Cho rằng đang gặp phải một đối tượng “lì lợm ngang ngạnh”, các anh phải chuyển hướng qua thuyết phục, khuyên bảo. Dường như hắn cũng nhận thấy thái độ mềm mỏng hiền hòa nên lúc này mới “khởi động”: Mồm ú ớ liên hồi, vung tay chân loạn xạ để “đáp lại”. Đến lúc này các điều tra viên mới vỡ lẽ, thì ra Đức bị câm điếc bẩm sinh. Việc lấy lời khai trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, bởi Đức không thể nghe và cũng không thể nói.
Báo cáo cấp trên, một lãnh đạo “hiến kế”: “Không lo, đưa giấy bút cho đối tượng viết lời khai”. Thế nhưng oái oăm hơn nữa, khi điều tra viên ghi câu hỏi ra giấy đưa cho hắn đọc, mặt đối tượng lại càng xịu xuống rồi lắc đầu quầy quậy. Thì ra Đức cũng không biết chữ. Trước một đối tượng “5 không”: Không nghe, không nói, không đọc, không viết, không được học ở trường khuyết tật ngày nào, việc lấy cung tưởng như là “điều không tưởng” và vụ án có thể rơi vào bế tắc.
Chưa hết rắc rối
Trong cuộc họp tìm phương án đấu tranh với “nghi phạm 5 không”, một sáng kiến đã lóe lên: Dù không được học ở trường khuyết tật một ngày nào nhưng người tật nguyền “mặc định” khi sinh ra đã có thể hiểu một số “ngôn ngữ” dù không được dạy. Một công văn khẩn cấp bay sang trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật, đề nghị cử người sang hỗ trợ. Lập tức, hai cô giáo được cử sang để lấy lời khai hung thủ. “Nói chuyện” mỏi cả tay suốt buổi chiều, qua các thông tin rời rạc, các phiên dịch viên đã sắp xếp được câu chuyện cơ bản: Đức thừa nhận hắn chính là đối tượng trộm cắp, giết người trong vụ án nêu trên.
Trong vụ án nêu trên có một luật sư thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý, phải có người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng để giúp bị cáo thực hiện quyền và nhiệm vụ của mình, đồng thời tránh được những rắc rối có thể xảy ra với cơ quan chức năng.
Luật sư này phân tích: “Vì Đức vừa bị điếc, vừa bị câm, không biết chữ nên buộc phải có người phiên dịch trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Thế nhưng vì Đức không đi học tại trường câm điếc nên việc phiên dịch “ký hiệu” của người phiên dịch chưa chắc đã đảm bảo đúng 100% “ký hiệu” của bị cáo về hành vi phạm tội của mình, mà có thể chỉ có bố mẹ hoặc người thân của hắn mới hiểu được các “ký hiệu” đó”.
Theo ông, trong trường hợp này , cơ quan chức năng cần phải ngay lập tức mời người thân của Đức đến làm người đại diện hợp pháp, tránh lằng nhằng có thể xảy ra sau này.
Vẫn chưa hết rắc rối, khi Đức đã bỏ nhà đi nhiều năm nay và người thân nhất thời gian gần đây lại là cô bồ nghi vấn “đồng phạm” hiện đã bỏ trốn. Theo lời phiên dịch, hung thủ kiên quyết không chịu trả lời việc ai đã đưa hắn tới bệnh viện, ai làm thủ tục nhập viện, ai thanh toán viện phí những ngày hắn điều trị? Lúc đầu, hắn khẳng định phạm tội một mình, nhưng khi bị hỏi: “Không biết nói, không nghe được, lại không biết viết thì làm sao làm thủ tục nhập viện? thì hắn “ngậm miệng như hến”.
Dù đã cố gắng thuyết phục nhưng hung thủ nhất định không khai báo do sợ người tình bị liên lụy. Tuy nhiên, qua điều tra, các trinh sát cho biết Đức đã sống chung như vợ chồng với một cô gái khá xinh xắn, và người đưa hắn đi bệnh viện, lo lắng cho hắn trong thời gian qua chính là cô gái này. Chỉ tiếc là nghi phạm đã “cao chạy xa bay” trước khi cảnh sát ập vào bắt tên Đức.
Pháp Luật & Thời đại