Ngày 28.8, Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD) và Tổ chức quốc tế OXFAM đã công bố kết quả nghiên cứu về lao động giúp việc (LĐGV) gia đình.
Bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm GFCD công bố, hiện có tới 98,7% LĐGV là phụ nữ. Phần lớn trong số họ ở độ tuổi từ 38 - 55 (chiếm hơn 90%). Gần 50% LĐGV là người nghèo, người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn ở vùng sâu vùng xa. “Tại VN, thu nhập của một LĐGV khá cao.
Nếu năm 2008, mức lương trung bình của LĐGV là 1,1 triệu đồng/tháng, thì năm 2013 mức lương đã tăng lên 3,2 triệu đồng/tháng (chưa kể các khoản thưởng). So với một lao động mới ra trường 2,7 triệu đồng/tháng, thì mức lương LĐGV cao hơn hẳn”, bà Ngọc Anh nhấn mạnh.
Mặc dù được hưởng mức lương khá cao, tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rất nhiều thiệt thòi mà LĐGV đang phải chịu đựng. 61% LĐGV phải làm quá 8 tiếng/ngày; 20,2% thường xuyên bị mắng chửi; 2,4% bị đánh đập, đẩy ngã; 0,8% có nguy cơ bị đe dọa, cưỡng bức tình dục. Chỉ có 22,2% số LĐGV có BHYT (BHYT theo người nghèo) và có 0,8 % gia chủ mua BHYT cho LĐGV.
Theo Trung tâm thông tin và thị trường lao động Việt Nam (Bộ LĐ-TB-XH), trong vòng 3 đến 5 năm tới, số lượng LĐGV sẽ tăng lên khoảng 246.000 người. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân thừa nhận cơ quan quản lý chưa làm tròn trách nhiệm, giám sát, quản lý, bảo vệ quyền lợi cho LĐGV. Kết quả của dự án nghiên cứu sẽ là căn cứ để Chính phủ có những nghị định, quy định chi tiết nhằm quản lý tốt hơn về vấn đề này.
Theo Thanhnien.com.vn