Điểm sàn đánh giá năng lực là ngưỡng điểm tối thiểu để tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào đại học chính quy năm 2025 theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy do các đại học tổ chức.
Thí sinh căn cứ vào mức điểm sàn này để nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học, học viện theo mong muốn.
Năm nay, thí sinh xét tuyển vào Đại học Kinh tế quốc dân đưa ra mức xét điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) tối thiểu 85/150 điểm, đánh giá năng lực Đại học Quốc TP.HCM (APT) tối thiểu 700/1200 điểm và đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội (TSA) từ 60/100 điểm. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển độc lập bằng điểm các kỳ thi này, hoặc kết hợp với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS từ 5.5, TOEFL iBT 46 trở lên.
Trường Đại học Ngoại thương tiếp tục xét bằng chứng chỉ đánh giá năng lực trong nước và quốc tế. Trường dùng kết quả hai kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức. Điểm sàn lần lượt từ 100/150 và 850/1200, bằng năm ngoái.
Với chứng chỉ quốc tế, trường vẫn dùng SAT, ACT và A-Level. Điều kiện với nhóm dùng A-Level không đổi, còn SAT từ 1380/1600 và ACT từ 30/36 trở lên. Năm ngoái, điều kiện với hai chứng chỉ này lần lượt là 1260 và 27.
Nhiều trường đại học top đầu trong cả nước vừa công bố điểm sàn phương thức xét kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy 2025. (Ảnh minh họa)
Tại trường Đại học Thương mại , thí sinh cần có kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2025 đạt từ 80/150 điểm trở lên hoặc có kết quả thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức năm 2025 đạt từ 50/100 điểm trở lên. Với phương thức xét kết hợp chứng chỉ quốc tế, trường chấp nhận IELTS từ 5.0 trở lên hoặc tương đương.
Học viện Ngân hàng tiếp tục sử dụng phương thức xét tuyển các chứng chỉ trong nước như V-SAT và kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội trong năm 2025. Tất cả đều được quy đổi về thang điểm 30. Trong đó, HSA tối thiểu để nộp hồ sơ xét tuyển là 85/150 điểm và HSA từ 110 điểm trở lên được tính thành điểm 10. Với phương thức xét chứng chỉ quốc tế, thí sinh cần có chứng chỉ SAT từ 1.200 điểm trở lên; IELTS từ 6.0 trở lên; TOEFT iBT từ 72 điểm trở lên.
Kể từ năm 2025, các trường đại học phải quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển về thang điểm chung. Việc quy đổi áp dụng với những ngành, chương trình có nhiều phương thức xét tuyển, nhằm đảm bảo điểm chuẩn vào cùng một ngành có sự tương đương, đánh giá đúng năng lực cốt lõi của người học.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không thể quy đổi giữa các kỳ thi có bản chất đánh giá khác nhau. Ví dụ, kỳ thi ACT, SAT, TSA, HSA khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT, rất khó để quy đổi chính xác.
Trao đổi về vấn đề này, mới đây Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, ông đồng ý với quan điểm nêu trên. Nếu các kỳ thi đánh giá các năng lực hoàn toàn khác nhau, rõ ràng không thể dùng các phương thức khác nhau đó để đánh giá năng lực của thí sinh vào cùng một ngành; chỉ có thể dùng cho nhiều ngành khác nhau với yêu cầu khác nhau.
Ngược lại, nếu các phương thức dùng để xét thí sinh vào một ngành, cần phải đặt ra yêu cầu giống nhau (hoặc chỉ khác nhau một phần nhỏ). Các phương thức có thể khác nhau về cách đánh giá, nhưng phải đánh giá được cùng một năng lực cốt lõi của thí sinh.
Theo ông Sơn, đây là nguyên tắc giúp đảm bảo công bằng trong xét tuyển. Vì vậy, điểm chuẩn trúng tuyển phải quy đổi được.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)