Chuyện “tay trong” của cô diễn ra ở một số trường, một số lớp cũng dẫn đến nhiều tình huống bi hài.
Vị phụ huynh này kể, lớp vẫn có ban phụ huynh được bầu chọn như thông lệ, tuy nhiên thủ quỹ sẽ là một phụ huynh có quen biết, là người nhà của cô, được cô tin cậy và quan trọng nhất là đứng về phe cô và thực hiện mọi việc theo ý cô.
Lẽ thường thủ quỹ có trách nhiệm giữ tiền, ban phụ huynh được quyết định thu chi sau khi đã thông qua các phụ huynh khác, nhưng trong trường hợp này thủ quỹ riêng của cô lại thường xuyên gợi ý, thậm chí yêu cầu ban phụ huynh mua thứ này thứ kia theo ý cô.
Ban phụ huynh vì cả nể nên không thể không làm theo. Chính vì thế, ban phụ huynh không phải là người quyết định, mà người đứng sau chính là cô chủ nhiệm và vị thủ quỹ kia.
Cũng nhờ mối thân tình giữa cô chủ nhiệm và thủ quỹ, việc tiền nong, mua sắm thực tế như thế nào cũng chỉ có hai người biết. Thủ quỹ sẽ tìm những nơi có hoa hồng cao nhất để mua trong khi thông báo với ban phụ huynh một con số khác.
Không những thế, cô chủ nhiệm còn nhờ một phụ huynh trong lớp làm kế toán riêng để hợp lý hóa các khoản chi tiêu. Thường thì quỹ hội phụ huynh chỉ dùng để chi cho 3 khoản: chi phí quà biếu thầy cô các dịp lễ tết, chi phí mua sắm trang thiết bị cho học sinh và chi phí cho các hoạt động ngoại khóa.
Theo kế hoạch công khai trước phụ huynh thì chi phí mua sắm trang thiết bị bao giờ cũng là khoản tiêu tốn nhất, sau đó đến chi phí cho các hoạt động dã ngoại, cuối cùng là chi phí quà tặng thầy cô. Nhưng trên thực tế, vị phụ huynh này cho biết chi phí cao nhất luôn là quà tặng cho các thầy cô. Vì thế để qua mặt phụ huynh, cô chủ nhiệm cần kế toán riêng để hợp lý hóa các khoản chi tiêu.
Công việc hợp lý hóa sổ sách hoàn toàn do kế toán đảm nhiệm để mọi việc được tiến hành theo đúng ý cô chủ nhiệm, chứ không phải theo ý ban phụ huynh. Cuối năm học, kế toán sẽ phải làm 2 bản thu chi, một bản thu chi thực chỉ những người trong cuộc biết, một bản ảo để công khai cho phụ huynh.
Các phụ huynh khác trong lớp gần như không biết chuyện những “cánh tay phải” của cô trong lớp, chỉ biết là phụ huynh này phụ huynh kia giúp lớp hoạch định chi tiêu, mua sắm. Hầu hết phụ huynh đều là những người bận rộn, chỉ mong con cái học hành yên ổn, nên không quan tâm nhiều tới bản chi tiêu này. Số ít phụ huynh tỏ ra không hài lòng, hay thắc mắc nhưng cũng không làm gì được.
Những tình huống bi hài
Chuyện “tay trong” của cô diễn ra ở một số trường, một số lớp cũng dẫn đến nhiều tình huống bi hài cho cả cô và phụ huynh. Một phụ huynh từng là kế toán riêng của cô kể, năm con chị học lớp 1, chị chỉ biết răm rắp nghe lời cô thì không có chuyện gì xảy ra. Đến năm con lên lớp 2, chị tỏ ra khó chịu với yêu cầu của cô thì ngay lập tức cô thay kế toán.
Một vị phó ban phụ huynh cũng tỏ ra không hài lòng khi thủ quỹ riêng của cô thường xuyên truyền đạt lại ý của cô chủ nhiệm một cách trịnh thượng, như ra lệnh cho ban phụ huynh phải làm.
Hay hài hước hơn khi cô chủ nhiệm thay vì công khai bản thu chi ảo cho phụ huynh thì lại in nhầm bản thu chi thật khiến kế toán riêng của một lớp khác hốt hoảng gọi ngay cho cô chủ nhiệm lớp mình đề nghị xóa ngay file thật dù đã là 1h đêm.
Trong khi các thành viên trong ban phụ huynh thường bị… ghét bỏ, bị coi là công cụ để nhà trường thu các khoản “xã hội hóa” thì nhiều mẹ nằm trong ban phụ huynh lại có những nỗi niềm riêng.
Chia sẻ trên một diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ, một mẹ làm hội phụ huynh trưởng tỏ ra bức xúc với cách chi tiền của cô chủ nhiệm nhân ngày 20/11. Chuyện là kỳ học đó cô chủ nhiệm giữ tiền quỹ lớp. Sau ngày 20/11, ban phụ huynh đến nhà cô thì được cô đưa cho bản thu chi, trong đó có phần quà cho thầy cô ngày 20/11: giáo viên môn phụ: 1 triệu, giáo viên chủ nhiệm: 2 triệu. Điều đáng nói là cô chủ nhiệm được nhận 2 phần quà của cả giáo viên phụ và giáo viên chủ nhiệm vì cô cũng là giáo viên dạy môn phụ. “Thà rằng cô cứ chi cho giáo viên chủ nhiệm 3 triệu còn hơn là làm thế này, khiến ai trong ban phụ huynh cũng tỏ ra bức xúc nhưng cũng không dám ý kiến gì, cố ngậm bồ hòn làm ngọt” - mẹ này chia sẻ.
Nhiều mẹ kêu trời khi buộc phải nằm trong ban phụ huynh, vì là người ở giữa, “được lòng cô thì mất lòng phụ huynh”, nhiều chuyện tế nhị không biết giải quyết thế nào cho hợp ý cả hai bên.
Theo Nguyễn Thảo (Vietnamnet)