Nỗi kinh hoàng của người dân
Dù chỉ cách trung tâm TP.Lạng Sơn mấy chục cây số, nhưng xã Đồng Giáp gần như tách biệt với bên ngoài, xung quanh được bao bọc bởi rừng núi hiểm trở. Buổi chiều đầu đông trở nên thê lương, ảm đạm hơn bởi những câu chuyện xưa lại ùa về trong ký ức của đồng bào vùng biên ải.
Anh Hoàng Văn Ín bố của nạn nhân D.
Mới vào đến đầu xã, đã nghe người dân nơi đây bàn tán xôn xao về việc Hà Văn Pẩu trở về địa phương. Thấy chúng tôi là người lạ bà con nhao nhao hỏi: "chú về đưa thằng Pẩu đi phải không?".
Từ khi nghe tin Pẩu được trả về địa phương, người dân Đồng Giáp đều tỏ vẻ sợ hãi. Nét kinh hãi, rúm ró hiện rõ trên khuôn mặt của những người đã từng chứng kiến tội ác rợn người của Pẩu 3 năm về trước.
Mấy ngày trước, bà con đã tụ tập trước trụ sở ủy ban xã để phản đối việc tiếp nhận Pẩu về địa phương.
Bà Nguyễn Thị Hói, nhà ngay cạnh ủy ban xã chia sẻ: "Biết Pẩu sắp về làng, mọi người ở đây không ai bảo ai đều nghỉ đi rừng, làm đồng mà ở nhà sửa lại cái cửa, làm lại cái then. Nếu ai lỡ đi đâu về vào lúc trời tối thì đành vào nhà người thân nào đó ngủ tạm chứ không dám ra đường. Nhà tôi có hai cháu nhỏ nên lúc nào cũng cài then đóng cửa chặt". ông Hoàng Văn Óng ở cùng thôn với gia đình cháu D, nói thêm: "Chú không biết đấy thôi, Pẩu về làng đến con chó còn sợ không dám sủa nữa kia".
Trao đổi với PV, ông Hà Văn Hải, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Giáp cho biết: "Mặc dù chúng tôi đã trực tiếp vận động, giải thích cho bà con hiểu, nhưng với họ, việc Pẩu trở về không chỉ làm sống lại những nỗi đau quặn lòng mà còn là sự lo lắng tội ác sẽ có thể tiếp diễn".
Sự trở về của Pẩu đã khơi lại nỗi đau của gia đình anh Hoàng Văn Ín (bố cháu Hoàng Thị D). Với gia đình anh Ín, kẻ giết hại con mình vì mắc bệnh tâm thần mà không bị pháp luật trừng trị đã là nỗi ám ảnh.
3 năm sau ngày định mệnh đó, hắn lại trở về làng, lại trở thành hàng xóm. Mỗi lần nhắc đến Pẩu, nỗi đau của gia đình anh như nhân lên gấp bội. Những ngày này, hầu như vợ chồng anh không làm được gì, ngồi thất thần trong căn nhà tạm bợ, trước bàn thờ của đứa con xấu số.
Giải pháp chỉ mang tính tạm thời
Ngày 11/10/2011, Hà Văn Pẩu được bệnh viện Tâm thần trung ương phối hợp với TAND tỉnh Lạng Sơn đưa về trụ sở UBND xã Đồng Giáp và giao cho địa phương tiếp nhận, quản lý. Chính quyền địa phương đã mời gia đình lên nhận Pẩu về.
Tuy nhiên, cả anh Hà Văn Đoàn và Hà Văn Xuôi (anh, em trai của Pẩu) đều từ chối nhận Pẩu về nhà. Theo anh Xuôi, gia đình họ suốt ngày lam lũ ngoài đồng, rồi lại lên rừng, không có thời gian để canh giữ, nuôi dưỡng Pẩu, với lại họ đều có cháu nhỏ, sợ Pẩu lên cơn và gây họa.
Gia đình không tiếp nhận, bệnh viện đã trả về, chính quyền xã không thể nuôi Pẩu hay cắt cử người canh Pẩu thường xuyên. Việc Pẩu trở về đã làm xáo trộn cuộc sống thường nhật của hàng nghìn người dân ở xã Đồng Giáp.
Đã có nhiều cuộc họp giữa xã và huyện bàn về tương lai của Pẩu nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất. Theo ông Hà Văn Hải, Phó chủ tịch xã thì nguyện vọng lớn nhất của gia đình Pẩu là đừng đưa Pẩu trở về địa phương nữa, điều đó thật sự làm khó cho xã. Xã không thể ép gia đình phải nhận nuôi Pẩu nhưng cũng không thể đưa Pẩu đi nơi khác.
Điều đáng lo ngại là sau khi trở về địa phương được mấy ngày, Pẩu lại có biểu hiện tái phát, đêm đêm nghe tiếng chó sủa Hà Văn Pẩu cũng cất tiếng sủa theo, càng làm cho người dân hoảng hốt, kinh sợ. Vụ án giết người ghê rợn năm xưa có khả năng tái hiện.
Cuối cùng, xã và huyện đã đi đến một giải pháp tạm thời là đưa Hà Văn Pẩu trở lại bệnh viện tâm thần, tuy nhiên lần này không thể đưa Pẩu trở lại bệnh viện Tâm thần Trung ương. Mọi chi phí do huyện và xã cùng đóng góp.
Nhưng theo lãnh đạo xã Đồng Giáp thì đây chỉ là giải pháp trước mắt để an lòng bà con, về lâu về dài thì cả xã và huyện đều không kham nổi kinh phí. "Có thể sau một vài tháng, Pẩu lại trở về địa phương, và chúng tôi đang nghiên cứu để tìm ra một phương án hợp lý nhất", ông Hải cho biết thêm.
Người Đưa Tin