Sự thay đổi này, đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng, xuất phát từ quá trình chuyển giao giữa hai chương trình giáo dục phổ thông: chương trình GDPT 2006 và chương trình GDPT 2018. Năm 2025 là năm đầu tiên chương trình GDPT 2018 được áp dụng hoàn toàn cho học sinh lớp 12. Chương trình mới này, với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, có sự khác biệt đáng kể so với chương trình GDPT 2006, vốn tập trung chủ yếu vào trang bị kiến thức học thuật.
Tuy nhiên, không phải tất cả thí sinh tham gia kỳ thi năm nay đều được đào tạo theo chương trình mới. Vì vậy, để đảm bảo công bằng và phù hợp với từng đối tượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quyết định tổ chức hai đề thi riêng biệt. Học sinh theo chương trình GDPT 2018 sẽ thi theo phương án mới với 4 bài thi, bao gồm Toán, Ngữ văn và hai môn tự chọn, nhằm xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Ngược lại, thí sinh theo chương trình cũ vẫn sẽ thi theo cấu trúc quen thuộc với Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học xã hội (Sử, Địa, GDCD).
Năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, kỳ thi tốt nghiệp THPT có tới 2 đề thi
Ngoài học sinh lớp 12, kỳ thi còn có sự tham gia của các thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT hoặc có bằng trung cấp, nhưng muốn thi lại để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Các thí sinh này được quyền lựa chọn một trong hai đề thi: đề thi theo chương trình GDPT 2006 hoặc đề thi theo chương trình GDPT 2018. Sự linh hoạt này tạo điều kiện cho các thí sinh tự do có thể chọn lựa đề thi phù hợp nhất với kiến thức và sự chuẩn bị của mình.
Để đảm bảo tính công bằng, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hai hội đồng thi riêng biệt, một cho chương trình GDPT 2006 và một cho chương trình GDPT 2018. Đề thi theo chương trình GDPT 2018 sẽ tập trung đánh giá năng lực của học sinh thông qua các câu hỏi trắc nghiệm mới lạ như đúng/sai, trả lời ngắn, bên cạnh các dạng câu hỏi truyền thống. Trong khi đó, đề thi theo chương trình GDPT 2006 vẫn giữ nguyên phong cách quen thuộc, phù hợp với cách học truyền thống. Cách tiếp cận này không chỉ giúp đánh giá chính xác năng lực của thí sinh mà còn giảm bớt áp lực thi cử.
(Ảnh minh hoạ)
Với việc tổ chức hai đề thi riêng biệt, Bộ GD&ĐT mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho tất cả các thí sinh, dù họ được đào tạo theo chương trình nào. Đây là một bước chuyển giao nhẹ nhàng, vừa hỗ trợ những thí sinh theo chương trình cũ, vừa giúp mọi người làm quen với định hướng giáo dục mới.
Tuy nhiên, sự thay đổi này chỉ mang tính tạm thời. Từ năm 2026, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ sử dụng một đề thi duy nhất theo chương trình GDPT 2018. Do đó, kỳ thi năm 2025 được xem là một sự kiện đặc biệt, là một bước chuyển giao lịch sử trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)