Mặc dù chúng ta đang sống trong thế kỷ 21 nhưng ở đâu đó những câu chuyện huyễn hoặc về ma quỷ vẫn tồn tại, khiến cuộc sống của không ít người dân bị đảo lộn, thậm chí những lời đồn thất thiệt còn khiến cho dư luận xã hội xôn xao, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống thường nhật...
Từ truyền thuyết...
Ở vùng núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên có khá nhiều câu chuyện liên quan đến sự xuất hiện của “ma lai”. Người dân vùng Lào Cai vẫn rỉ tai nhau chuyện liên quan đến gia đình bà T. khi gia đình người phụ nữ đã luống tuổi này liên tiếp phải chịu nhiều bất hạnh. Theo người dân địa phương cho biết: gia đình bà T. đang yên đang lành thì các con dâu rồi đến con gái lần lượt ra đi một cách bí hiểm, nhiều người gở mồm nói rằng nhà bà T. bị “ma lai” ám nên mới có nhiều người bị chết đến vậy. Thời gian trôi qua, chuyện “ma lai” cũng rơi vào quên lãng. Một thời gian sau câu chuyện liên quan đến “ma lai” lại rộ lên ở đây. Gia đình anh Nam thuộc diện nghèo khó tại địa phương, một thời gian ở đây có phong trào buôn hàng ở khu vực biên giới nên vợ anh xin phép chồng theo bạn hàng tranh thủ tháng vài chuyến kiếm tiền cho con ăn học. Đi buôn nên mọi người ăn ngủ trên xe, khi cần giải tỏa “bức xúc”, tài xế dừng thì tìm bụi cây nào đó để xả… Do đau bụng nên vợ anh Nam tìm một mé rừng để “giải quyết” nhưng không hề lấy củi khô, cành nhọn để lấp đi như tập tục tránh “ma lai”, nên ngay tối hôm đó chị về phát bệnh, bụng đau nhức không chịu nổi. Sau đó anh Nam đưa vợ đến các bệnh viện lớn ở Hà Nội chữa vẫn không khỏi. Khi ôn lại mọi chuyện chị kể thì mọi người mới nghi là “ma lai” đã ăn ruột của chị… Chị chết sau đó không lâu mà chẳng rõ lý do là gì (!?).
Không chỉ ở Việt Nam mà hình ảnh “ma lai” còn xuất hiện khá nhiều trong truyền thuyết Nhật Bản, nhưng với một cách hình dung khác dưới cái tên Kuchisake Onna. Người đàn bà bị rạch miệng được nhắc đến trong cả Thần học Nhật Bản lẫn trong những phiên bản hiện đại của sự tích về những người phụ nữ bị những người chồng hay ghen làm tổn thương, họ đã biến thành những linh hồn hiểm độc và tái diễn lại những gì họ phải chịu đựng lúc còn sống. Truyền thuyết về Kuchisake Onna được cho là bắt nguồn từ một người phụ nữ trẻ sống hàng trăm năm về trước (một số dị bản cho rằng nó bắt nguồn từ triều đại Heian) và là vợ hoặc thiếp của một Samurai. Cô ta rất đẹp, nhưng lại rất kiêu căng, "thường xuyên" lừa chồng. Người võ sĩ Samurai cảm thấy như vợ mình ngoại tình, anh ta ghen đến cực độ nên đã tấn công vợ, rạch bụng, rút ruột thậm chí còn rạch miệng kéo đến tận hai mang tai và thét "Giờ thì còn đứa nào cho rằng mày đẹp nữa?". Cũng chính từ truyền thuyết này mà khi đêm về, đặc biệt là những đêm đầy sương mù, nếu xuất hiện một người đàn bà đi lang thang trong đêm với khuôn mặt được che kín. Khi gặp một ai đó (chủ yếu là trẻ con), bà ta sẽ bẽn lẽn hỏi: "Trông tôi có đẹp không?" hoặc một câu hỏi tương tự. Nếu người đó nói có (câu trả lời thông thường), bà sẽ bỏ mạng che ra, để lộ cái miệng bị rạch toét và hỏi lại cũng câu hỏi đó. Nạn nhân thường sẽ bỏ chạy và la hét, và Kuchisake Onna sẽ đuổi theo sau để rút ruột nạn nhân. Truyền thuyết nói rằng, nếu nói có ở câu trả lời thứ hai sẽ làm Kuchisake Onna cười và để người đó được yên. Cách chắc chắn để thoát, dựa trên tất cả các phiên bản của truyền thuyết, là đánh lạc hướng Kuchisake Onna bằng cách ném kẹo, hoa quả hoặc một vật gì đó hấp dẫn.
... Đến thực tại
Theo lý giải của một số người Bana, Jarai: "ma lai" là một thứ ma không có hình thù cố định, chuyên bay đi để ăn nội tạng của người hay súc vật. Người có "ma lai" sẽ làm ra "thuốc thư". Nếu ghét ai thì sẽ bỏ cho người đó đau ốm mà chết. Người bị nghi “ma lai” bị cộng đồng xa lánh, bị đuổi ra khỏi làng, thậm chí bị giết cả nhà. Những vụ án giết người hết sức đau lòng xảy ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua đã minh chứng cho hủ tục lạc hậu và nhận thức còn hạn chế của đồng bào. Làng Đắk Yă, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai giờ là ngôi làng bình yên giữa bạt ngàn núi rừng Tây Nguyên. Thế nhưng cách đây gần 5 năm, hai vụ án mạng xảy ra làm 3 người chết và nhiều căn nhà, tài sản bị đập phá đã gợi lên những nỗi buồn vô hạn của người dân nơi đây về một hủ tục. Năm 2007, Duân và Kel đều 29 tuổi, trú ở làng Đắk Yă, thường ngày có hành vi trộm cắp vặt, gây gổ với một số thanh niên trong làng. Mọi người đến khuyên can thì cả hai đều cho rằng: "Tao đi ăn cắp của làng khác, chúng mày xen vào làm gì. Từ nay, đứa nào cản chuyện của tao, chúng tao sẽ thư chết". Ai ngờ, câu nói trong khi ngà ngà say của cả Duân và Kel như lửa đổ thêm dầu vào những thanh niên trong làng vốn trước đây đã nghi ngờ Duân và Kel có "thuốc thư". Trớ trêu thay, sau phát ngôn ấy được một tuần thì làng Đắk Yă có bà H'Blin lăn ra ốm và chết. Quá bức xúc, khoảng 21g ngày 10-3-2007, hàng chục người dân trong làng đã kéo đến nhà Duân đập phá tan hoang. Vài tiếng sau, Duân đi uống rượu về thấy nhà mình bị đập phá nên đến nhà rông chửi bới, đe dọa những thanh niên đang ngủ ở đây. Thấy Duân cầm dao rựa rất hung hăng nên hàng chục thanh niên đã bao vây, đánh Duân cho đến chết rồi kéo xác vứt ở khu nhà mồ của làng. Không chỉ dừng lại ở đó, sáng sớm hôm sau, nhiều thanh niên trong làng lại tiếp tục kéo nhau đến đập phá nhà cửa, tài sản của gia đình Kel. Sau đó cả nhóm thanh niên dùng bụi than, bôi vào mặt với mục đích giả những người bị thư chết về trả thù rồi kéo lên khu rẫy Đắk Ram đánh chết Kel cùng cha ruột Hnhêu (76 tuổi) khi họ đang làm rẫy.
Năm 2005 liên tục trong nhiều ngày, người dân ở TP Cần Thơ loan tin có một con "ma lai" ăn thịt trẻ con đã bị cảnh sát bắt sau khi "di cư" từ Sóc Trăng về ẩn náu tại một ngôi chùa ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy. Thế nhưng, khi về tới trụ sở CA, "ma lai" này biến mất, để lại chiếc còng số 8. Chính vì thế, nhiều bậc phụ huynh ở Cần Thơ đã cho con em mình nghỉ học hoặc sơ tán trẻ con đi nơi khác lánh nạn… Theo lời "tường thuật" của những người bán vé số, câu chuyện đó "thật" như trong... phim kinh dị. Theo đó, một phụ nữ ở Sóc Trăng vừa mới sinh con đã bảo với chồng mình là muốn được ăn tim, gan heo. Khi anh chồng ra chợ mua món vợ cần thì ở nhà chị này đã moi bụng, lôi con mình ra để lấy gan và tim ăn ngon lành. Chưa đã thèm, người đàn bà này tìm đến xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng để tìm trẻ ăn thịt. Điểm "dừng chân" của bà ta là chùa Hưng Thọ Tự. Tại đây, bà ta đã bóp cổ một chú tiểu và định ăn thịt thì bị CA "tóm". Chiều 16-4-2005, hàng nghìn người dân hiếu kỳ từ khắp nơi đã kéo đến vây kín trước cổng chùa Hưng Thọ Tự để tận mắt xem mặt mũi của "ma lai", khiến cho đoạn đường này bị ách tắc gần 2 km. Vì số lượng người hiếu kỳ kéo đến ngày càng tăng, nên trụ trì ngôi chùa phải đóng kín cổng. Bà Trần Kim Tươi, người bốc thuốc Nam tại chùa Hưng Thọ Tự, kể: "Khoảng 17g ngày 16-4-2005, có một phụ nữ không biết từ đâu bước vào chùa tắm rất tự nhiên. Sau đó, chị ta xuống bếp và tranh giành việc nấu nước với một người làm công cho chùa. Sau một hồi giằng co, người phụ nữ lạ mặt liếm vào cổ người làm công. Sợ hãi, người làm công chạy ra ngoài tri hô rằng "ma lai" muốn moi tim mình nên người dân xung quanh kéo đến để xem "ma lai"".
(Còn nữa)
Pháp luật xã hội