Vào khoảng 10 giờ 30 theo giờ địa phương ngày 4/11, ở Thành Phố Thông Liêu thuộc Nội Mông Cổ đã xuất hiện hình ảnh "ba Mặt Trời". Những người chứng kiến không khỏi thích thú trước hiện tượng kỳ thú không phải khi nào cũng có thể bắt gặp này.
Theo các bức ảnh và video do nhân chứng ghi lại, có hai quầng sáng lớn ở bên trái và bên phải của Mặt Trời, tạo hình ảnh tựa như ba Mặt Trời đang cùng hiện diện.
Trong sử sách Trung Quốc, hiện tượng này cũng được ghi lại và diễn giải theo những cách khác nhau.
Sách Đông phòng chiêm viết: "2 mặt trời, 3 mặt trời, 4 mặt trời, 5 mặt trời cùng xuất hiện, đó gọi là tranh minh (tranh nhau chiếu sáng), thiên hạ xảy ra chiến loạn, cũng có 3, 4, 6 vua được lập nên".
Sách Xuân Thu vĩ viết: "3 mặt trời cùng xuất hiện, thiên tử bị phế truất". Sách cũng viết: "Nhiều mặt trời cùng xuất hiện, hai vua tương tranh".
Sách Hiếu kinh nội ký viết: "3 mặt trời cùng xuất hiện, quốc quân ắt mất ngôi vị. Có người ở trong cung trước cung sau cùng (hợp sức) thì vua sẽ chết".
Sách Kinh Châu chiêm viết: "3 mặt trời cùng xuất hiện, nước đó có chư hầu diệt, đất mất thành ấp trống không, nước sông dâng. Nếu không thì năm đó chiến loạn lớn, chết chóc nhiều".
Lời giải thích khoa học cho cảnh tượng này là một hiện tượng khí quyển có thuật ngữ gọi tên là "Mặt Trời giả" (sundog). Mặt Trời giả là một loại quầng sáng được tạo ra do sự khúc xạ ánh sáng Mặt trời bởi các tinh thể băng trong khí quyển. Mặt Trời giả thông thường xuất hiện như một quầng sáng ở bên trái và bên phải Mặt Trời, vị trí khoảng 22° và tại cùng một khoảng cách trên đường chân trời như Mặt Trời. Mặt Trời giả dễ thấy nhất khi Mặt Trời thật ở gần đường chân trời.
Cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ những hình ảnh kỳ thú về ba Mặt Trời và bình luận đầy hài hước: "Mau gọi Hậu Nghệ tới đi", "Hậu Nghệ chắc hôm nay đang bận nên mới thấy cảnh này lâu thế"... Bên cạnh đó, một số người cũng bàn luận về "thuyết âm mưu" liên quan đến điềm báo cho các sự kiện lịch sử mỗi khi ba Mặt Trời xuất hiện.
Minh Tâm (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)