Đau, bất hạnh…
Vào một buổi chiều tại văn phòng của Eunice Owiny - chuyên viên Dự án Bảo trợ tị nạn trực thuộc Đại học Makerere đặt tại Kampala, Uganda (Dự án nhằm giúp đỡ dân tị nạn châu Phi), một cặp vợ chồng độ tuổi ngoài 30 với vẻ mặt buồn bã, có phần ngượng nghịu bước vào trong.
Đứng trước mặt bà Owiny, hai vợ chồng họ đùn đẩy nhau trình bày câu chuyện. Không ai chịu lên tiếng, bà Owiny đành chỉ định người vợ nói trước.
“Chúng tôi đang gặp trục trặc trong hôn nhân, thưa bà” - người vợ nói. Theo nội dung câu chuyện, trước đó (thời gian chưa bị chia cách trong chiến tranh), đời sống vợ chồng của hai người bình thường như bao cặp vợ chồng khác.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, chồng chị luôn tìm cách trốn tránh và tỏ ra sợ hãi mỗi lần quan hệ: “Chồng tôi không thể quan hệ được”, chị phàn nàn. “Tôi gặng hỏi bằng mọi cách nhưng anh ấy không nói vì sao. Chắc chắn là anh ấy có chuyện gì giấu tôi”, nói rồi người đàn bà ấy khóc rưng rức.
Trước tình thế ấy, bà Owiny mời người chồng vào nhưng chuyện chẳng đi đến đâu. Người chồng tên Norway cứ đứng trân trân nhìn vợ với ánh mắt đau khổ mà không nói lên lời.
Chỉ đến lúc bà Owiny đề nghị người vợ ra ngoài thì câu chuyện mới bắt đầu hé mở. Giọng run run, Norway bộc bạch: “Chuyện ấy đã xảy ra với tôi”. Rồi, anh ta lấy từ trong túi ra một miếng băng vệ sinh cũ.
“Bà Owiny” - anh ta nói - “Tôi rất đau và tôi phải dùng cái này”. Đặt miếng băng lên bàn, anh bắt đầu giãi bày tâm sự. Trong khi chạy loạn khỏi cuộc nội chiến ở Congo, gia đình chia lìa còn Norway bị quân nổi loạn bắt giữ. Những kẻ đó đã cưỡng bức anh 3 lần 1 ngày trong vòng 3 năm liền.
“Tôi bị kéo xềnh xệch vào một góc bất cứ lúc nào chúng muốn. Chúng phanh xác tôi ra cưỡng hiếp. Khi thì một đứa, khi thì cả một đám 3 - 4 đứa. Đau đớn, tôi có van xin thì bị chúng đánh đập thêm”.
“Ở đây mày không có lựa chọn. Không muốn chết thì ngoan ngoãn phục tùng chúng tao” - chúng thường xuyên dọa nạt thế. “Đúng! Ở nơi địa ngục trần gian ấy, tôi không còn lựa chọn nào khác. Muốn sống về với gia đình, với vợ con thì tôi phải chấp nhận sự sỉ nhục đớn đau này” – Norway chua xót giãi bày với bà Owiny.
Những tưởng sau 3 năm địa ngục ấy, được trở về với vợ con, Norway sẽ có cuộc sống vui vẻ như trước kia. Nhưng không, những ám ảnh bị quân lính cưỡng hiếp trong quá khứ ấy cứ bám riết lấy cuộc sống của anh. Norway bị khủng hoảng tinh thần nặng nề, rồi mắc bệnh trầm cảm. Anh cảm thấy xấu hổ và lo lắng vô cùng…
Nếu một ngày nào đó sự thực bị vỡ lở, anh sợ gia đình nhỏ của mình tan vỡ, sợ người vợ đầu gối tay ấp bao năm qua sẽ bỏ anh và con mà đi. Anh sợ… sợ rất nhiều. Bởi Norway cũng từng nghe ngay khi biết chồng bị cưỡng bức, những người vợ hầu như đều quyết định bỏ đi. Norway sợ mình cũng sẽ nằm trong số ấy.
Rất nhiều đêm cố gắng, nhưng Norway không thể vượt qua nỗi ám ảnh kinh hoàng ấy. Mỗi lúc “gần gũi” vợ, những hình ảnh mình bị cưỡng hiếp kinh tởm trong trại lính năm xưa lại dồn dập hiện về. Chạy trốn vợ, Norway lại thu mình ở một góc nhà, khóc rưng rức.
Những khi ấy, anh muốn mọi chuyện cho vợ biết, nhưng bản thân không đủ dũng cảm. Thời gian trôi đi, cuộc sống vợ chồng của Norway càng trở nên bế tắc, nặng nề. Đau đớn cùng với thắc mắc không được giải đáp, không ít lần chị vợ dọa sẽ ly thân với anh. Những khi ấy, Norway lại năn nỉ để níu kéo vợ ở lại
. Và lần này vợ anh đồng ý ở lại nhưng với điều kiện hai vợ chồng cùng đến trung tâm chuyên về giải quyết các vấn đề hôn nhân để xin được tư vấn. Mặc dù trong thâm tâm không muốn, nhưng bản thân lại không đủ dũng cảm nói ra sự thực, nên Norway gượng ép nhận lời.
Cũng trong câu chuyện của mình, Norway cho biết đã chứng kiến rất nhiều người đàn ông khác bị bắt giữ và làm nhục trước mặt mình. Có những người đã chết ngay lập tức do vết thương quá sâu. Còn anh may mắn trở về nhưng lại mang nỗi đau ám ảnh không sao xóa bỏ được.
Ngày trở về không bình yên của những người đàn ông bị cưỡng hiếp
Norway cũng nói thật rằng, đã 2 lần anh lén vợ đi khám nam khoa. May mắn không mắc căn bệnh thế kỷ HIV, nhưng anh cũng bị mắc 2 bệnh lây qua đường tình dục. Bằng mọi cố gắng, anh bí mật chữa trị.
Kinh hoàng và tuyệt vọng
Trên thực tế, có quá ít nghiên cứu về cưỡng bức đàn ông trong chiến tranh nên không thể đưa ra kết luận nào về nguyên do cũng như mức độ phổ biến. Mặc dù năm 2010, một bản điều tra đăng trên Đặc san Hiệp hội Y khoa Mỹ đã chỉ ra rằng, 22% nam giới và 30% nữ giới ở Đông Congo bị bạo lực tình dục do xung đột chính trị.
Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trong nghiên cứu “Cưỡng bức đàn ông và nhân quyền” của Lara Stemple - Đại học California (Mỹ), bạo lực tình dục đàn ông đã trở thành một loại vũ khí trong chiến tranh hoặc xung đột tại những nước như Chile, Hy Lạp, Croatia, Iran, Cô-oét và Yugoslavia cũ.
21% đàn ông Sri Lankan có mặt tại trung tâm chữa trị thương tích tra tấn London công nhận họ bị cưỡng bức trong thời gian giam giữ. Cho đến hiện tại, những ám ảnh khủng khiếp ấy có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thường ngày của họ.
Những thất bại trong việc thừa nhận bi kịch này ở nam giới đã làm vấn đề trở nên trầm trọng. Phần lớn đàn ông Tamils ở Sri Lanka bị bạo lực tình dục trong thời kì nội chiến đều không báo cáo với cơ quan chức năng vào thời điểm đó.
Sau này vì những trục trặc về cuộc sống gia đình hoặc điều gì đó liên quan đến tính phi nhân đạo của cuộc chiến tranh, họ mới “nhỏ nhẹ” nói ra sự thực, với duy nhất một lời giải thích rằng vì họ quá xấu hổ.
Theo nghiên cứu của Lara Stemple, những tổ chức bảo trợ quốc tế hầu như không quan tâm, thậm chí là bàng quang trước vấn đề đàn ông bị cưỡng bức.
Trong 4.076 tổ chức phi chính phủ thừa nhận bạo lực tình dục, chỉ có 3% đề cập đến các nạn nhân nam giới ở những nghiên cứu của mình. Hiếm hoi mới thấy được đôi dòng ở phía cuối các báo cáo như: “Nam giới cũng có thể là nạn nhân cho bạo lực tình dục, nhưng không có dữ liệu cũng như luận cứ nào bàn về vấn đề này. Bản thân các nạn nhân cũng không dám nói hết sự việc”.
Năm 2010, Dự án Bảo trợ đã làm bộ phim tài liệu “Bạo lực tình dục nam giới” nhằm đánh một hồi chuông cảnh tỉnh về vấn nạn này. Tuy nhiên, bộ phim đã bị buộc ngừng lại ngay khi vừa công chiếu bởi một số thế lực tài trợ.
Đối với nhiều nạn nhân nam giới, việc họ còn sống trở về sau chiến tranh cũng không hoàn toàn là phải một điều may mắn.
Ở Uganda, những người còn sống sót có nguy cơ bị cảnh sát bắt giữ với tội danh “đồng tính” (có đến 38/53 quốc gia châu Phi coi đồng tính là một tội lỗi). Thêm vào đó, họ bị bạn bè xa lánh, gia đình chối bỏ.
“Ở châu Phi đàn ông không được phép yếu đuối”, chuyên viên Salome Atim của RLP cho biết: “Người đàn ông là trụ cột của gia đình. Nếu không làm được điều đó thì anh ta có vấn đề, sớm hay muộn anh ta cũng bị loại.
Ngay khi biết chồng bị cưỡng bức, những người vợ hầu như đều quyết định bỏ đi bởi cho rằng anh ta không thể bảo vệ mình được nữa”.
Dựa vào phân tích trên, con số 22% nam giới và 30% nữ giới ở Đông Congo bị bạo lực tình dục mà Đặc san Hiệp hội Y khoa Mỹ đưa ra mới chỉ là những ước lượng chưa phản ánh đúng thực tế.
Theo các nhà nhân quyền thì thậm chí con số mới cao tới khó tin vẫn chưa thực sự phản ánh hết mức độ nghiêm trọng thực sự của vấn nạn bạo lực tình dục ở Cộng hòa Congo, bởi nhiều người vì lý do sợ xấu hổ, bị kỳ thị hay bị trừng phạt vẫn còn giấu giếm sự việc bị cưỡng bức, và nhiều người đàn ông, chứ không riêng gì phụ nữ cũng đang phải chịu đựng tệ nạn đáng lo ngại này.
Phunutoday