Trong những ngày này, hàng nghìn người giúp việc và người dân Hồng Kông đã giận dữ xuống đường biểu tình để đòi sự công bằng cho một người giúp việc người Indonesia đã bị bạo hành trong suốt 8 tháng trời.
Erwiana Sulistyaningsih đang được điều trị tại một bệnh viện ở Indonesia. Theo bác sĩ,
Erwiana bị sưng não do nhiều lần bị đánh vào đầu, một số răng bị vỡ, gẫy mũi, tay và bàn chân bị sưng và bầm tím.
Sau khi bị bạo hành, Erwiana Sulistyaningsih, 22 tuổi, đã không thể đi lại được. Cô được chuyển tới một bệnh viện Indonesia trong tình trạng nguy kịch sau khi trở về nhà.
Erwiana cho biết cô phải ngủ trên sàn nhà, phải làm việc 21 giờ một ngày, không có ngày nghỉ, một ngày chỉ được ăn một bát cơm, bị đánh đập thường xuyên, đôi khi vì những lý do không rõ ràng.
Hàng ngàn người dân Hồng Kông xuống đường biểu tình đòi công lý cho Erwiana.
Khi vết thương của cô bị chảy máu và rỉ nước, chủ nhà bực tức vì chiếc thảm nhà bị bẩn. Thay vì đưa cô đi bệnh viện điều trị vết thương, chủ nhà đã băng vết thương của cô bằng băng dính và túi nhựa, nhưng máu vẫn thấm ra ngoài.
Cuối cùng, khi vết thương đã quá nghiêm trọng, cô không thể làm việc được nữa, chủ nhà đã mua cho cô một vé máy bay về nhà, đưa cho cô một ít tiền và bỏ rơi cô tại sân bay Hồng Kông để cô tự về nhà.
Cô không thể đi sau 8 tháng liên tục bị bạo hành.
Erwiana sợ hãi nói: "Bà chủ nói với tôi rằng bà ta biết rất nhiều người ở Indonesia và nếu tôi nói ra bất cứ điều gì, bà ta sẽ giết bố mẹ tôi”.
Các bác sĩ điều trị cho Erwiana cho biết, cô bị sưng não do thường xuyên bị đánh vào đầu, một số răng bị vỡ, gẫy mũi, tay và bàn chân bị sưng và bầm tím, nhiễm trùng da do vết thương không được điều trị kịp thời.
Cô vừa khóc vừa bày tỏ: "Khi đến Hồng Kông, tôi nghĩ đây là một nơi sang trọng, một nơi tuyệt vời. Nhưng không phải vậy. Bà ta dùng rất nhiều dụng cụ khác nhau để đánh tôi, thường xuyên nhất là cán cây lau nhà. Bà ta đánh khắp người tôi, nhưng chủ yếu là đánh vào đầu. Tôi phải làm việc 21 giờ một ngày. Tôi không có phòng riêng vì vậy tôi phải ngủ dưới sàn nhà”.
"Nếu con của bà chủ nhìn thấy tôi đang ngủ khi không được phép, chúng sẽ nói với mẹ chúng và bà ta lại tiếp tục đánh tôi”.
Sau khi sự việc của Erwiana được lan truyền, hôm 19/1, Bunga, một người giúp việc 28 tuổi, cũng lên tiếng cho biết cô từng bị tra tấn trong suốt 10 tháng trời khi làm việc cho người chủ của Erwiana.
Bunga nói: "Có một lần, bà ta giận dữ đến nỗi kéo tôi ra ban công và dọa đẩy tôi xuống. Bà ta bắt tôi quỳ gối xin tha mạng. Tôi đã phải quỳ gối xin bà ta tha mạng vì tôi còn có một cậu con trai”.
Bunga không bao giờ được ra khỏi nhà và mỗi khi cả nhà chủ đi ra ngoài thì cô bị khóa bên trong.
Bunga nói thêm: “Người đàn bà đó đe dọa sẽ trả tiền cho người ở Indonesia giết toàn bộ gia đình tôi nếu tôi nói với người khác về việc bị đánh đập”.
Cuối cùng Bunga đã được một công ty tuyển dụng việc làm giải thoát nhưng công ty này thuyết phục cô không tố cáo vụ việc.
Bunga nói: "Giờ tôi nói ra bởi vì tôi cảm thấy rất buồn, tôi đã không làm bất cứ điều gì để giúp Erwiana".
"Công lý cho Erwiana", "Không bạo lực" là những tấm biển được người dân
mang theo trong cuộc biểu tình.
Điều đáng buồn là sự việc trên không phải là hy hữu, hàng loạt những cáo buộc tương tự diễn ra trong thời gian gần đây ở Hồng Kông
Hồi tháng Chín, một đôi vợ chồng Hồng Kông bị tống giam vì đã tra tấn một người giúp việc người Indonesia, với hành động dã man nhất là dí thanh sắt nung nóng vào người cô và đánh cô bằng xích xe đạp.
Hồi tháng 11/2013, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã lên án việc hàng nghìn phụ nữ Indonesia bị đối xử như nô lệ khi làm giúp việc tại các trung tâm tài chính châu Á.
Hàng nghìn người biểu tình, trong đó có những người giúp việc, các nhà hoạt động nhân quyền và các thành viên của các tổ chức hỗ trợ người nhập cư đã diễu hành qua khu vực thương mại Wanchai. Nhiều người giận dữ giương cờ Indonesia và hô khẩu hiệu “Công lý cho Erwiana”.
Họ gửi một bản kiến nghị lên Ủy viên cảnh sát Hồng Kông Tsang Wai-hun, thúc giục xử lý nhanh vụ việc này trước khi diễu hành tới các trụ sở chính phủ khác.
Eni Lestari, Chủ tịch Liên minh Di cư Quốc tế và là phát ngôn viên của cuộc biểu tình này cho biết: "Chúng tôi yêu cầu chính quyền điều tra nhanh về vụ việc trên và chúng tôi yêu cầu chính phủ Hồng Kông phải ngăn chặn những hành vi ngược đãi những người giúp việc ở Hồng Kông.
Đầu tiên, cảnh sát Hồng Kông chỉ xếp những vụ việc này là những vụ việc nhỏ nhặt nhưng dưới áp lực của người dân thành phố, họ đã phải điều tra hình sự về những sự việc trên.
Hôm 17/1, giới chức Hồng Kông cho biết các nhà điều tra đã tới Indonesia để nói chuyện với Erwiana.
Ông Lestari cho biết, nếu không có các cuộc biểu tình sau vụ việc của Erwiana thì vụ việc sẽ không được điều tra hình sự và sẽ không còn công lý. Ông nói thêm có 2 người giúp việc khác tố cáo cùng người chủ này từ sau khi vụ việc Erwiana bị bại lộ.
Trong khi đó, công ty tuyển dụng Erwiana cho hay họ không biết cô bị thương cho tới khi được đối tác bên Indonesia thông báo.
Tại Hồng Kông hiện có gần 300.000 người giúp việc đến từ nhiều nước Đông Nam Á, chủ yếu đến từ Indonesia và Philippines. Nhiều người bị lừa gạt nộp mức phí cao với lời hứa hẹn sẽ tìm được việc làm tốt với lương cao, nhưng thực tế thì lại hoàn toàn khác.
Infonet