Theo Sở Y tế Bắc Ninh, bắt đầu từ ngày 18/3, đơn vị này sẽ lấy mẫu máu của học sinh 19 trường mầm non và tiểu học thuộc huyện Thuận Thành nghi nhiễm sán từ thực phẩm.
Các mẫu máu sẽ được gửi ra 2 viện ở Hà Nội (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) để xét nghiệm sán lợn. Chi phí xét nghiệm 600.000 đồng đến một triệu đồng sẽ do tỉnh chi trả. Với các cháu nhiễm sán, tỉnh sẽ cấp thuốc điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
Nhiều nhóm bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh trực tiếp tham gia lấy máu xét nghiệm. Ảnh: Thanh niên
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV tờ Tri thức trực tuyến, sáng 18/3, hàng trăm gia đình tiếp tục đưa con đi khám nhiễm sán lợn tại trường Mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Cảnh tượng hỗn loạn, chen lấn khi lấy máu thiếu chuyên nghiệp diễn ra từ sáng sớm.
Trong sáng nay, loa phát thanh xã Thanh Khương thông báo sẽ chi trả tiền khám cho phụ huynh trước ngày 17/3 tại Hà Nội. Từ 18/3 trở đi, họ phải tự chi trả nên người dân tỏ ra vô cùng bức xúc vì cho rằng đây là hành động ép phụ huynh khám tại địa phương.
Nguồn tin trên dẫn lời ông Nguyễn Duy Tuân (phụ huynh học sinh) bức xúc về việc con phải đi khám hôm nay là trách nhiệm của nhà trường và công ty cung cấp thực phẩm.
Theo ghi nhận của PV Thanh niên, để phục vụ cho việc lấy máu xét nghiệm sán lợn cho học sinh, các hoạt động giảng dạy và học tập tạm dừng. Phòng học được trưng dụng làm nơi lấy máu xét nghiệm sán lợn. Trước đó, trường này bị phụ huynh phát hiện có thịt lợn nghi nhiễm sán và thịt gà kém chất lượng.
"Toàn trường có 568 học sinh, nhưng phụ huynh chủ động đi khám, nên ước tính chỉ còn khoảng 180 - 200 học sinh được lấy mẫu máu xét nghiệm sán lợn trong ngày hôm nay", bà Nguyễn Thị Mây, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Khương nói với nguồn tin trên.
Theo số liệu thống kê trong mấy ngày qua cho thấy, đến nay đã có khoảng 2.000 trẻ từ 1 - 10 tuổi tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh về Hà Nội để làm xét nghiệm sán lợn tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Riêng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và côn trùng Trung ương, trong ngày Chủ nhật (17/3) đã có 231 cháu ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh được gia đình đưa đến xét nghiệm sán lợn. Kết quả đến cuối giờ hôm qua có 27 trường hợp, nâng tổng số đã dương tính với sán lợn xét nghiệm qua viện này lên đến 107 trường hợp.
Phía Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong số 461 mẫu xét nghiệm ngày 16/3 có tới 58 trường hợp dương tính với sán lợn. Trước đó, tại Bệnh viện này cũng xác định được 44 trường hợp dương tính với sán lợn.
Theo số liệu từ 2 bệnh viện trên, tính đến 18 giờ ngày 17/3 đã có 209 trẻ của huyện huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) dương tính với sán dây, ấu trùng sán lợn.
Đây là con số vượt xa so với trường hợp bị nhiễm sán lợn tập thể ở Bình Phước vào năm 2018. Trước đó, cơ quan y tế cũng từng phát hiện một ổ bệnh với hơn 100 người mắc sán lợn tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Thời điểm đó, cơ quan chức năng phát hiện 108/904 trường hợp dương tính với sán lợn.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn thường gặp ở nhiều nơi trên thế giới, người mắc bệnh thường liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín.
Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành. Theo số liệu được báo cáo của các cơ sở điều trị đến nay, có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây,ấu trùng sán lợn.
Nhiễm ấu trùng sán lợn do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm có nhiễm trứng sán dây lợn hoặc ấu trùng sán lợn (như thịt lợn gạo) chưa được nấu chín kỹ. Thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút.
Đức Hoà (TH - Nld.com.vn)