Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT vừa tham dự cuộc họp Ban chỉ đạo khu vực Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á (SEA-PLM) lần thứ 15 tại Malaysia. Theo thông tin ban đầu, học sinh tiểu học Việt Nam tiếp tục nằm trong top đầu ở cả 3 lĩnh vực Toán, Đọc hiểu và Viết.
Giữ vững vị trí top đầu
Tiếp nối thành công chu kỳ đầu tiên, Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á (SEA-PLM) bước vào chu kỳ mới (2024) với nhiều cải tiến mới, thúc đẩy trao đổi về chính sách, hợp tác và tạo cơ hội thu hút các bên liên quan, xây dựng quan hệ đối tác, khuyến khích các quốc gia mới tham gia và cải thiện hiệu quả hoạt động. Trong chu kỳ này, 7 quốc gia như Campuchia, Đông Timor, Lào, Myanmar, Malaysia, Philippines và Việt Nam sẽ tham gia.
Việt Nam đã triển khai thành công kỳ khảo sát thử nghiệm năm 2023 tại 30 cơ sở giáo dục tiểu học thuộc 9 tỉnh, thành phố, và kỳ khảo sát chính thức năm 2024 tại 152 trường tiểu học ở 53 tỉnh, thành phố toàn quốc.
Khi tham gia SEA-PLM chu kỳ 2024, học sinh tiểu học Việt Nam tiếp tục nằm trong top đầu cả 3 lĩnh vực Toán, Đọc hiểu, Viết (Ảnh minh hoạ)
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo khu vực Chương trình SEA-PLM lần thứ 15 diễn ra vào tháng 4/2025 tại Malaysia, với sự tham dự của Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Ban Thư ký SEAMEO đã công bố kết quả sơ bộ: học sinh Việt Nam tiếp tục nằm trong top đầu cả 3 lĩnh vực Toán, Đọc hiểu. Kết quả chi tiết về điểm số và xếp hạng sẽ được công bố vào cuối năm 2025.
Thành tích từ chu kỳ đầu tiên
Việt Nam lần đầu tham gia SEA-PLM vào chu kỳ 2019. Chu kỳ này được khởi động từ năm 2012–2015 và triển khai hoạt động từ 2016–2020, với khảo sát thử nghiệm năm 2018 và khảo sát chính thức năm 2019.
SEA-PLM được xây dựng với sự tham vấn và phối hợp giữa các quốc gia Đông Nam Á thông qua Ban Chỉ đạo khu vực và Ban Thư ký SEAMEO. Trong số 6 quốc gia (bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Malaysia, Philippines và Việt Nam) tham gia khi đó, học sinh Việt Nam đạt kết quả cao nhất ở cả ba lĩnh vực:
Toán: 341,55 điểm (trung bình khu vực là 304,79)
Đọc hiểu: 336,46 điểm (trung bình khu vực là 300)
Viết: 328,01 điểm (trung bình khu vực là 304,92)
Kết quả này đã khẳng định năng lực học vượt trội của học sinh tiểu học Việt Nam so với các mặt bằng khu vực.
Tương đồng với kết quả PISA quốc tế
Những thành tích đạt được tại SEA-PLM cũng cho thấy sự tương đồng rõ rệt với kết quả Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA), dành cho học sinh ở lứa tuổi 15. Trong kỳ thi PISA 2022, học sinh Việt Nam xếp thứ 2 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore, với các vị trí nổi bật:
Toán xếp thứ 31/81 quốc gia
Khoa học xếp thứ 35/81 quốc gia
Đọc hiểu xếp thứ 34/81 quốc gia
(Ảnh minh hoạ)
Đặc biệt, điểm Toán của học sinh Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất , chỉ sau Hong Kong, Đài Loan và Hàn Quốc khi tính theo chỉ số PISA về điều kiện kinh tế - xã hội.
Cơ sở cho khuyến nghị chính sách giáo dục quốc gia
SEA-PLM nhằm đánh giá mức độ học sinh tiểu học đáp ứng mục tiêu chương trình giáo dục tại các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt ở các lĩnh vực Đọc hiểu, Viết, Toán và Công dân toàn cầu. Đây là chương trình đầu tiên sử dụng mô hình dựa trên giá trị chung ASEAN, xây dựng khung đánh giá phức tạp để đo lường khả năng vận dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tiễn. SEA-PLM có sự phối hợp với nhiều đối tác quốc tế như UNICEF, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Phát triển Hàn Quốc – ASEAN (AKCF)... và được phát triển theo chu kỳ 5 năm/lần nhằm theo dõi tiến trình giáo dục tiểu học một cách khách quan và thời hạn.
SEA-PLM cũng là chương trình đầu tiên đo lường năng lực viết với nhiều hệ chữ viết khác nhau, sử dụng thang đo chung, đồng thời thu thập thông tin từ học sinh, giáo viên, nhà trường và phụ huynh qua đề thi và phiếu hỏi.
Việc Việt Nam tích cực tham gia SEA-PLM không chỉ nhắm đánh giá khách quan chất lượng giáo dục so với khu vực mà còn là cơ sở khoa học để phân tích thực trạng, đề xuất giải pháp và mục tiêu chính sách giáo dục quốc gia.
Kết quả SEA-PLM cung cấp thông tin có giá trị giúp các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục tại Việt Nam tham khảo kinh nghiệm quốc tế và cải thiện chất lượng giáo dục, chuẩn bị tốt cho học sinh trước những thách thức của cuộc sống thực tế và thành công trong tương lai.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)