Theo thông báo số 6150/TB-BLĐTBXH năm 2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ), công chức, viên chức sẽ được nghỉ lễ từ thứ Tư, ngày 30/4 đến hết Chủ nhật, ngày 4/5, bao gồm 2 ngày nghỉ lễ chính thức, 2 ngày nghỉ cuối tuần và 1 ngày nghỉ hoán đổi.
Hoán đổi ngày làm việc để nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày (Ảnh minh hoạ)
Để có được kỳ nghỉ dài này, công chức, viên chức sẽ thực hiện hoán đổi ngày làm việc thứ Sáu, ngày 2/5 sang thứ Bảy, ngày 26/4. Quyết định này nhằm tạo điều kiện cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi, du lịch và sum họp gia đình sau những ngày làm việc căng thẳng.
Thông báo cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ lễ cần bố trí nhân sự trực ban phù hợp, đảm bảo công việc được giải quyết liên tục, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức và phục vụ người dân. Các đơn vị không thực hiện lịch nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần sẽ chủ động sắp xếp lịch nghỉ phù hợp với đặc thù công việc, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
Đối với khu vực doanh nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng lịch nghỉ lễ tương tự như công chức, viên chức, tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ ngơi và tái tạo sức lao động.
Như vậy, người lao động tại khu vực nhà nước đang áp dụng lịch nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ Nhật sẽ được nghỉ liên tục 5 ngày nhờ chính sách hoán đổi này.
(Ảnh minh hoạ)
Tuy nhiên, đối với người lao động trong khu vực tư nhân, số ngày nghỉ sẽ do người sử dụng lao động quyết định, nhưng phải đảm bảo tối thiểu 2 ngày nghỉ lễ chính thức theo quy định. Việc hoán đổi ngày nghỉ và đi làm bù sẽ được thực hiện dựa trên sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Theo quy định của Bộ Luật Lao động, trong trường hợp hoán đổi ngày làm việc để tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ dài ngày hơn, người sử dụng lao động không có nghĩa vụ phải trả thêm lương cho người lao động khi làm bù vào ngày nghỉ hàng tuần.
Elly (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)