Hợp đồng dẫn dắt các đội tuyển quốc gia Việt Nam của HLV Park Hang-seo sẽ đáo hạn vào tháng 1/2020. Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải đã lên tiếng trấn an cho nỗi lo lắng của người hâm mộ khi khẳng định mối lương duyên giữa hai phía vẫn rất tốt đẹp và không gặp khó khăn gì để tái ký hợp đồng.
Người đứng đầu VFF cũng cho biết mức lương mới sẽ không khiến ông Park cảm thấy bị thiệt thòi. Với những gì đã làm được trong gần 2 năm qua, thầy Park có thể được tăng lương cao hơn gấp đôi mức 20.000 USD/tháng hiện nay nếu đặt bút cam kết tiếp tục đồng hành cùng bóng đá Việt.
So sánh tiền lương của HLV Park và một số thầy ngoại từng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Đồ họa: Minh Phúc.
Ông Park sẽ nhận mức lương từ 40.000-50.000 USD
Trong lịch sử, 26.000 USD là số tiền lương tháng kỷ lục mà một HLV được VFF chi trả khi đồng ý dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Con số này không cao hơn nhiều so với mức lương ông Park đang nhận.
So với những đồng nghiệm trước đây, thầy Park chưa phải là HLV nhận lương cao nhất, nhưng ông lại có bảng thành tích tốt nhất với chức vô địch AFF Cup 2018 và HCB giải U23 châu Á 2018. Người nhận lương cao nhất là HLV Calisto chỉ đưa Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup 2008 và HCB SEA Games 2009.
HLV Falko Goetz nhận tới 22.000 USD mỗi tháng nhưng bảng thành tích của ông với bóng đá Việt Nam lại hoàn toàn trống trơn. Bởi thế, sẽ là hợp lý nếu thầy Park được đề nghị hưởng lương cao nhất lịch sử bóng đá Việt Nam.
Số tiền chiến lược gia này đang được VFF chi trả không chênh lệch là bao so với mặt bằng chung trong khu vực, nhưng giá trị ông đem về lại vượt trội. HLV Milovan Rajevac dẫn dắt đội tuyển Thái Lan từ tháng 4/2017 với lương được cho vào khoảng 750.000 baht, tương đương khoảng 23.000 USD.
Sau đó, ông được tăng lương lên thành 58.000 USD. Tuy nhiên, những gì nhà cầm quân này làm được tại xứ triệu voi chỉ là sự thất vọng với việc dừng bước tại bán kết AFF Cup 2018 và trận thua sốc Ấn Độ 1-4 ngay ngày ra quân tại Asian Cup 2019.
HLV Eriksson khi làm việc tại Philippines nhận mức lương vào khoảng 80.000 USD. HLV Tan Cheng Hoe được chi trả 23.000 USD/tháng cho việc dẫn dắt đội tuyển Malaysia, còn HLV Luis Milla nhận 44.000 USD/tháng cho công việc tại Indonesia. Tất cả họ đều có thành tích kém hơn hẳn so với thầy Park.
So sánh thế để thấy, HLV Park Hang-seo nhận mức lương ít nhất 26.000 USD để tiếp tục dẫn dắt đội tuyển Việt Nam xem ra vẫn là con số tương đối "hời" cho VFF. Ông thầy người Hàn Quốc hoàn toàn có thể nhận mức lương hơn 40.000 USD mỗi tháng, thậm chí có thể lên tới 50.000 USD.
So sánh mức lương của HLV Park Hang-seo với một số đồng nghiệp trong khu vực.
VFF không có nhiều tiền
Vấn đề là VFF không có nhiều tiền, nếu không muốn nói là... nghèo. Theo các báo cáo tài chính cuối kỳ, tổ chức này lỗ 6 tỷ trong năm 2017. Tổng thư ký Lê Hoài Anh chia sẻ tình hình được cải thiện đôi chút vào cuối nhiệm kỳ 7 (cuối năm 2018) nhưng không nhiều.
Mới đây, tờ Star News của Hàn Quốc nhấn mạnh Thái Lan, Malaysia và Indonesia đều đang nhòm ngó và tiếp cận HLV Park. Thậm chí, một số nguồn tin còn khẳng định Thái Lan sẵn sàng trải thảm đỏ với 100.000 USD/tháng để mời thầy Park về làm việc.
Con số 100.000 USD (hơn 2,3 tỷ đồng) mỗi tháng là quá sức với VFF. Hỗ trợ cho thầy Park còn là một đội ngũ trợ lý lên tới 5-6 người ( Lee Young Jin, Kim Han Yoon, Park Sung Gyun, Kim Tae Hoon, Choi Ju Young và cả bác Choi Ju-young). Tất nhiên họ cũng được hưởng lương trong quá trình làm việc.
Riêng trợ lý Lee nhận lương khoảng 7.000 USD, các thành viên khác được chi trả theo từng vai trò và đóng góp. VFF còn phải chi thêm một khoản tiền không nhỏ bởi mức lương công bố là sau thuế.
Tổ chức này từng phải xin miễn thuế thu nhập các nhân cho các HLV ngoại (đồng nghĩa với việc xin miễn trả thêm 1/3 số lương), nhưng Bộ tài chính khi đó không chấp nhận.
Nhờ thành tích của các đội tuyển, nhà tài trợ tìm đến muốn kết hợp với VFF nhiều hơn. Tuy nhiên, số tiền này không thấm tháp vào đâu so với mức chi hiện tại. Ngoài việc duy trì bộ máy vận hành, tiền hưởng nóng cho các đội tuyển có thành tích ngày một tăng.
Chỉ với việc về nhì tại King's Cup 2019, VFF đã chi 800 triệu thưởng nóng cho đội tuyển Việt Nam. Đó là chưa kể những chi phí phát sinh như nộp phạt do CĐV quậy phá.Tổ chức này cũng không được nhận các khoản thưởng nóng cho các đội tuyển sau mỗi thành tích của bóng đá Việt Nam. Số tiền trên được chia thẳng đến tay các thành viên của từng đội.
Trong lần chia sẻ mới đây với báo giới, Phó chủ tịch VFF Cao Văn Chóng khẳng định đơn vị này không chờ đến 3 tháng cuối của hợp đồng mới bắt tay vào đàm phán. Điều đó cho thấy sự sốt sắng và cũng là tôn trọng HLV Park Hang-seo.
Tuy nhiên, vấn đề tài chính vẫn là yếu tố quan trọng. Ông Chóng chia sẻ: “VFF đang trong quá trình xúc tiến và cần thời gian để đưa ra phương án khả thi nhất, xứng đáng với cống hiến của ông Park và phù hợp cho bóng đá Việt Nam”.
HLV Park được kỳ vọng tiếp tục dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Thuận Thắng.
Phải tìm được "mạnh thường quân"
Trước ngày đưa HLV Park về Việt Nam, VFF từng phải đi xin Tổng cục TDTT hỗ trợ trả 10.000 USD mỗi tháng. Sau đó, bầu Đức với tư cách là Phó chủ tịch phụ trách tài chính đã đứng ra lo liệu một phần tiền lương và thuế cho ông thầy người Hàn. Số tiền từ Tổng cục TDTT được chuyển sang trả lương cho đội ngũ trợ lý.
Bầu Đức sẽ rút lui và không còn trách nhiệm gánh vác tiền lương nếu ông Park ký hợp đồng mới. Cùng với đó, vấn đề tiền lương cho đội ngũ trợ lý đi kèm (6-7 người như hiện tại) cũng khiến VFF phải đau đầu tìm cách lo liệu.
VFF sẽ phải vận động từ Tổng cục TDTT tới các nguồn vốn xã hội hóa. Lãnh đạo đơn vị này sẽ bớt cơn đau đầu vì vấn đề tài chính nếu tìm được mạnh thường quân đứng ra lo liệu tiền lương cho thầy Park cùng đội ngũ trợ lý như cách bầu Đức từng làm.
Theo thông tin từ các lãnh đạo VFF hiện nay, việc trả lương cho ông Park đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm và gần như chắc chắn tổ chức này sẽ lo đủ mức lương mới cho nhà cầm quân người Hàn Quốc.
Trong một cuộc trò chuyện không chính thức gần đây, người đại diện của ông Park cũng bật mí khả năng thân chủ của mình sẽ gắn bó lâu dài với Việt Nam bất chấp những lời đề nghị nặng ký từ nhiều nơi. Với kinh nghiệm của mình, ông Park thừa hiểu ông có thể nhận được gì và đánh mất những gì nếu rời Việt Nam.
Tiền lương chỉ là một phần trong tổng thu nhập từ quảng cáo, thưởng mà chiến lược gia người Hàn Quốc nhận được trong hai năm vừa qua.
Mới đây, nhà cầm quân sinh năm 1959 công khai bày tỏ thiện chí: "Tôi thực sự yêu Việt Nam và sẽ nỗ lực để trao đổi tốt nhất với VFF". Câu trả lời của HLV Park về vấn đề hợp đồng có thể coi là lời mở cho việc đàm phán gia hạn sắp tới.
Theo (Tri Thức Trực Tuyến)