Trưa ngày 16/6, nhiều người dân sống tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Bình Dương, Mỹ Tho và một số tỉnh thành khác thích thú khi chứng kiến hiện tượng quầng sáng bao quanh mặt trời. Khung cảnh "huyền ảo" nhanh chóng thu hút sự chú ý, được ghi lại và đăng tải rầm rộ lên mạng xã hội.
Quầng mặt trời xuất hiện ở Mũi Né lúc 11h30. Ảnh: Châu Dân.
Các hình ảnh cho thấy mặt trời được bao quanh bởi một quầng sáng như 7 sắc cầu vồng, xuất hiện trong khoảng thời gian từ 10h30-14h tùy khu vực. Càng về trưa, khi thời tiết nắng, ít mây, quầng mặt trời càng rõ nét.
Quầng mặt trời lúc 11h30 tại Trảng Bom, Đồng Nai.
Được biết, hình ảnh vòng tròn ánh sáng xuất hiện quanh mặt trời được gọi tên là "hào quang 22 độ", hay “quầng mặt trời”. Đây là một hiện tượng quang học tự nhiên nhưng hiếm thấy, xảy ra khi ánh sáng bị khúc xạ nhiều lần theo góc 22 độ. Hiện tượng này từng xuất hiện tại Việt Nam.
Hào quang 22 độ xuất hiện ở TP.HCM được FB Giang Lang Thang chia sẻ trên mạng xã hội.
Hiện tượng quang học thuộc về các quầng sáng tinh thể băng, dưới dạng một vòng tròn có bán kính góc khoảng 22 độ quanh mặt trời hoặc mặt trăng. Hình thành khi ánh sáng mặt trời hoặc ánh trăng bị khúc xạ trong hàng triệu tinh thể băng lục giác lơ lửng trong bầu khí quyển.
Quầng mặt trời tại TP Bà Rịa lúc 11h55 ngày 16/6.
Giống như các hào quang khác, hào quang 22 độ xuất hiện khi bầu trời bị bao phủ bởi những đám mây mỏng hoặc mây ti tầng thường xuất hiện vài ngày trước một trận bão lớn. Do mây này có cấu trúc tinh thể nên ánh sáng bị khúc xạ khiến quầng xuất hiện với đủ sắc màu y hệt cầu vồng ta hay thấy.
Nếu cầu vồng có 7 màu từ ngoài vào trong là đỏ-cam-vàng-lục-lam-chàm-tím... thì màu của quầng mặt trời được sắp xếp ngược lại.
Đức Hoà (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)