Nhắc tới hồng nhan họa thủy trong lịch sử Trung Quốc, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ tới đại danh Triệu Phi Yến nổi tiếng. Hán Thành Đế vì bà mà “từ đó quan vương không lên triều buổi sáng nữa” và trải nghiệm cuộc đời của bà cũng được coi là có “phấn đấu”. Ban đầu chỉ là một vũ nữ bình thường trong nhà của Dương A công chúa, thế mà trong một lần Hán Thành Đế đi qua nhà của Dương A công chúa, thân làm vũ nữ lại mê hoặc được Hán Thành Đế, ngay đêm ấy đã đưa Triệu Phi Yến về hoàng cung, từ đó Triệu Phi Yến độc sủng hậu cung hơn 10 năm.
Thế nhưng điều khiến chúng ta thắc mắc là, tuy Triệu Phi Yến cũng được coi là một mỹ nhân hồng nhan họa thủy nhưng ai rồi cũng sẽ già, Triệu Phi Yến cho dù có xinh đẹp đến mấy, cuối cùng rồi cũng có một ngày nhan sắc tàn phai. Trong khi đó Triệu Phi Yến không hề có con, Hán Thành Đế lại là một người có mới nới cũ, khó tránh được việc một ngày nào đó sẽ bỏ rơi họ.
Trên thực tế Triệu Phi Yến từ ngày vào cung lại độc sủng hơn 10 năm, còn Hán Thành Đế tuy có lúc hận bà ta tới mức đau nhức chân răng nhưng lại không thể làm gì được. Vậy rốt cuộc chị em nhà họ Triệu đã làm thế nào mà có thể độc sủng được hơn 10 năm?
Sử dụng tâm kế “lạt mềm buộc chặt”, trói chặt trái tim của Hán Thành Đế
Đầu tiên là Triệu Phi Yến rất biết cách trói chặt trái tim của Hán Thành Đế và đây cũng chính là nguyên nhân mà bà có thể độc sủng ở chốn hậu cung hơn 10 năm. Lúc ấy, sau khi Hán Thành Đế đưa Triệu Phi Yến về cung, có lẽ đối với những cung nữ bình thường đều sẽ vui sướng điên cuồng, vì dù sao thì đối với những cô gái thời cổ đại, đây chính chuyện chẳng khác gì một bước lên trời, hay như tiền từ trên trời rơi xuống.
Tuy nhiên Triệu Phi Yến lại cực kỳ biết cách giữ chặt trái tim của Hán Thành Đế, thủ đoạn của bà đối với ngày nay mà nói thì đó chẳng là gì, nhưng đặt vào hoàn cảnh trong thời đại ấy thì quả thực là không hề đơn giản. Đó chính là dùng chiêu lạt mềm buộc chặt, giả vờ hờ hững với Hán Thành Đế. Khi ấy Hán Thành Đế 3 lần tới cung của Triệu Phi Yến nhưng cả 3 lần Triệu Phi Yến lại viện đủ lý do để đuổi khéo ông về. Sự hờ hững này lại làm kích lên lòng chinh phục của Hán Thành Đế nên mới ngày càng si mê nàng.
Lôi kéo em gái Triệu Hợp Đức
Triệu Phi Yến cũng biết bản thân độc sủng hậu cung chắc chắn sẽ bị người khác ghen ghét đố kỵ, để bảo toàn địa vị của mình mà không từ thủ đoạn, chủ động giới thiệu em gái mình cho Hán Thành Đế, đồng thời còn được nạp vào hậu cung. Người này chính là Triệu Hợp Đức.
Còn Hán Thành Đế sau khi gặp Triệu Hợp Đức cũng vô cùng kinh ngạc, vì vẻ đẹp của bà lại khác với vẻ đẹp của Triệu Phi Yến. Triệu Phi Yến có các điệu múa mềm mại, uyển chuyển, quyến rũ, tiếng hát lảnh lót như chim yến oanh, còn Triệu Hợp Đức lại có nhan sắc rung động lòng người, xinh đẹp như hoa. Đối với Hán Thành Đế mà nói, đây chính là những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, thế nên lại càng sủng hạnh cả hai người hơn.
Từ đó, Triệu Phi Yến và Triệu Hợp Đức cùng nhau độc sủng hậu cung, Hán Thành Đế cũng chẳng còn tới tẩm cung của các phi tần khác nữa. Sau đó không lâu thì phế bỏ Hứa Hoàng hậu và lập Triệu Phi Yến làm Hoàng hậu, còn Triệu Hợp Đức được sắc phong làm Chiêu Nghi.
Liên minh với em gái, loại bỏ tất cả những người uy hiếp tới địa vị
Tuy rằng chị em nhà Triệu độc sủng hậu cung nhưng họ có một khuyết điểm chí mạng, đó chính là không có con cái. Nghe nói, để lưu giữ vẻ đẹp thanh xuân, họ đã uống một loại thuốc, loại thuốc này có thể khiến họ trẻ trung rạng rỡ nhưng cái giá phải trả là có khả năng không thể sinh nở được. Khi ấy hai chị em nhà Triệu đều không tin, cũng đã dùng nhiều cách nhưng cuối cùng vẫn không được như ý.
Lòng đố kỵ của chị em nhà Triệu cực kỳ mạnh, bản thân không sinh con đẻ cái được thì cũng không cho những người khác sinh được. Khi ấy chỉ cần họ phát hiện có người uy hiếp tới địa vị của mình thì sẽ tìm đủ mọi cách để kích động họ. Ví dụ như Hứa Hoàng hậu bị tố là “trù ẻo chị em nhà Triệu” mà gặp phải tai ương. Thế nhưng chị em nhà Triệu còn không thỏa mãn, nhân cơ hội đó còn đẩy cả Ban Tiệp Dư - người có sức uy hiếp lớn nhất đối với họ vào lãnh cung.
Nữ quan Tào Cung khi ấy mang thai, Triệu Phi Yến lo sợ bà sẽ nhờ có con mà lên hương, thế nên tìm đủ mọi cách để phá hoại. Hán Thành Đế vì bảo vệ con mình nên đã âm thầm giấu bà đi nhưng vẫn bị Triệu Hợp Đức phát hiện, thế là giả truyền thánh chỉ hạ độc giết chết bà. Nhưng cho dù Triệu Phi Yến có làm chuyện ác độc xấu xa đến mức nào trong hậu cung thì Hán Thành Đế vẫn không nhẫn tâm giết chị em nhà Triệu. Và trong khi ông còn mê đắm với nhan sắc của hai chị em nhà Triệu thì triều chính của nhà Tây Hán đã ngày một thối nát, sức khỏe của ông cũng ngày càng yếu đi.
Có thể nói, thủ đoạn của Triệu Phi Yến quả thực vô cùng lợi hại, lạt mềm buộc chặt, hờ hững khiến Hán Thành Đế ham muốn chinh phục, khiến ông vừa yêu vừa hận. Đối với những người con gái thời cổ đại mà nói thì thủ đoạn này khiến người ta khó mà chấp nhận nhưng Triệu Phi Yến lại không từ một thủ đoạn nào.
Đây chính là lý do vì sao Hán Thành Đế có hậu cung 3000 giai lệ, vậy mà lại chỉ độc sủng chị em nhà Triệu. Một bên là thủ đoạn của chị em nhà Triệu, một đằng là nguyên nhân từ chính bản thân của Hán Thành Đế. Một kẻ chịu đánh, một kẻ chịu đòn, vậy thì còn có cách gì nữa đây?
Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)