Cư dân khu chung cư Đại Thanh lấy nước dự trữ vì thiếu nước.
Ảnh: Quang thành
Ăn nước từng để… tưới cây!
Theo khảo sát của PV Báo GĐ&XH, trong vòng 2 tuần nắng nóng vừa qua, hàng trăm hộ dân phương Khương Hạ (Thanh Xuân) lâm vào tình cảnh nước máy không đủ dùng.
Nhiều người dân ở đây cho hay, nước máy không chỉ phập phù trong đợt nóng này mà đã là vấn đề bức xúc từ cuối tháng 4. Để có nước sinh hoạt hàng ngày, người dân buộc dùng nước giếng khoan, nếu lo ngại không bảo đảm an toàn thì mua nước nơi khác hoặc tạm thời xin nước về dùng.
Anh Nguyễn Văn Hoàng ở phường Khương Hạ cho biết, từ đầu hè đến nay, nước máy lúc có lúc không, có những đợt cả tuần lễ không có một giọt nào. Để có nước sinh hoạt, từ đầu tháng 5 tới giờ, gia đình anh Hoàng đã phải dùng đến nước giếng khoan. Anh Hoàng cho biết: “Giếng khoan ở vùng này đã ngưng sử dụng cách đây chục năm. Nhưng bây giờ, nhiều hộ gia đình đã phải sử dụng trở lại. Nhà nào không có giếng thì thuê thợ về khoan. Không biết nước ở dưới đất này có đảm bảo vệ sinh hay không, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác”.
Người dân ở đây cho biết không chỉ năm nay mà nhiều năm qua nước sạch là vấn đề rất bức xúc, đặc biệt khi mùa hè đến lượng nước sử dụng tăng vọt là y như rằng... mất nước.
Mới đây, Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội cho biết, do lượng nước ngầm suy thoái 4-6%, trong khi nhu cầu sử dụng nước tăng 3-4%; vì vậy trong đợt nắng nóng kéo dài, tổng lượng nước thiếu hụt có thể lên tới 40.000-60.000m3/ngày đêm đã làm tăng thêm sự lo lắng từ phía người dân. Không chỉ ở những vùng ven đô, ngay ở nội thành, tình trạng thiếu nước thường trực vẫn ngày ngày làm khổ người dân.
Anh Hồ Hải Đức nhà ở đường Đê La Thành (quận Ba Đình) tỏ ra chán nản khi nói đến vấn đề nước sạch. Anh Đức cho biết, tính từ đầu tháng 5 đến giờ tình trạng thiếu nước xảy ra thường xuyên, có những đợt mất liền 3 - 4 ngày. Sau nhiều năm chịu cảnh "khát" nước sạch, người dân thuộc phường Quan Hoa, Q. Cầu Giấy (từ tổ 43 đến 45) mùa hè này vẫn tiếp tục “khát” nước. Nguyên nhân là hệ thống đường ống cũ, dẫn đến rò rỉ, thất thoát nước sạch. Mặc dù lượng nước sạch cấp đến đường ống vẫn đủ nhưng nước lại không đến được nhà các hộ dân.
Không chỉ người dân khu vực Đê La Thành, tổ 43-45 phường Quan Hoa... lo lắng vấn đề thiếu nước sạch dịp hè, các hộ dân ở khu vực ngoài đê như Chương Dương, Phúc Tân, Nguyễn Khoái… cũng vậy!
Hàng chục nghìn dân khổ vì nước
Chỉ trong vòng 2 năm qua, từ ngày 4/2/2012 đến 25/4/2014, đường ống nước sông Đà đã 6 lần bị vỡ, trong đó có sự cố kéo dài 72 giờ mới được xử lý. Trên thực tế, đợt vỡ đường ống mất 72 giờ để hoàn thành việc xử lý, chứ không phải chừng đó thời gian hơn 7000 hộ dân dùng nước sông Đà được cấp trở lại. Phải rất nhiều ngày sau đó, người dân mới có nước dùng, tuy nhiên lượng nước cung cấp cũng rất nhỏ giọt, trong đó có cả những khu chung cư mới đưa vào sử dụng. Điều đáng lo hơn, cho đến bây giờ, nguyên nhân của việc vỡ đường ống này vẫn chưa được tìm ra.
Hàng nghìn hộ dân ở chung cư Đại Thanh với số dân lên tới hơn 10.000 người đã phản ánh, sau khi đường ống được sửa thì nước chảy chậm, nhỏ và lúc có lúc không khiến người dân không biết được lịch để lấy nước dự trữ. Một tuần nay, 2 tòa nhà A và B của khu chung cư này không có lấy một giọt nước. Bà Nguyễn Tố Nga ở CT8B Đại Thanh bức xúc: “Chúng tôi háo hức chuyển lên chung cư mới, nhưng ở được thời gian ngắn nước đã mất liên tục. Nhà tôi ở tầng 12 nên việc mua nước, dự trữ nước rất khó khăn. Không biết phải sống như thế nào cho hết mùa hè này?”.
Kèm theo việc đua nhau mua xô chậu, thùng nước về dự trữ nước, người dân đã viết đơn khiếu nại, thậm chí có lời qua tiếng lại với Ban quản lý tòa nhà nhưng sự việc vẫn không được giải quyết. Ông Nguyễn Trọng Phú, phụ trách điện nước CT8C chung cư Đại Thanh cho biết: “Chung cư này mua nước của Công ty nước Sông Đà. Từ ngày khắc phục sự cố vỡ đường ống, nước chảy về bể chung với công suất rất nhỏ. Chúng tôi cũng đã hướng dẫn nhân dân nhân dân có đơn khiếu nại lên công ty cấp nước, chứ bể nước tòa nhà có thiết kế thừa sức cho dân dùng và Ban quản lý đã làm hết chức trách nhiệm vụ”.
Thực tế, nguồn nước sông Đà có thể đạt tối đa đến 60.000m3/ngày đêm, nhưng được dự báo vẫn tiếp tục có khả năng xảy ra các sự cố, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình quản lý vận hành, điều phối cấp nước, đặc biệt là gây thiếu nước tại địa bàn các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Trì.
Mùa hè năm 2014 chỉ mới bắt đầu với một đợt nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng lên, sự cố trên mạng lưới cấp nước liên tục diễn ra, đặc biệt là sự cố đường ống sông Đà đã có vấn đề nay khiến người dân càng lo lắng hơn.
giadinh.net.vn