Khoảng 13 giờ ngày 26/2, tại thôn Nà Ao 2 (xã Đề Thám, huyện Tràng Định, Lạng Sơn) đã xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng khiến một cháu bé 10 tuổi tử vong. Theo đó, vào quãng thời gian trên hai đối tượng Quách Đại Phát (SN 1985, ở tỉnh Quế Châu, Trung Quốc) và Liễu Diệp Quần (SN 1987, quê Cát Lâm, Trung Quốc) đã vượt biên trái phép vào Việt Nam rồi lẻn vào nhà anh Long Văn Linh (SN 1975, trú tại thôn Nà Ao 2), dùng dao cắt cổ cháu Long Thanh Tuyền (10 tuổi, con trai anh Linh). Sau gần 24 giờ lẩn trốn trong rừng, các đối tượng trên đã bị Công an huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) bắt giữ.
Vụ án mạng đau lòng trên khiến nhiều người người dân bức xúc, lên án, đòi hỏi phải có một mức án nghiêm khắc dành cho hung thủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng, vụ án mạng trên sẽ được giải quyết theo con đường ngoại giao và hai đối tượng này sẽ được bàn giao cho phía Trung Quốc xét xử.
Hai đối tượng giết dã man cháu bé sẽ được xét xử và thi hành án tại Việt Nam
Trước những lo ngại của dư luận, phóng viên Báo GĐ&XH đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Phú Thắng - Đoàn Luật sư Hà Nội xung quanh những căn cứ xử lý 2 đối tượng Phát và Quần. Theo luật sư Thắng, việc người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam có thể giải quyết theo con đường ngoại giao hoặc vẫn xử lý theo các quy định trong Bộ Luật hình sự của Việt Nam.
Theo Luật sư Thắng, hiện Việt Nam và Trung Quốc đã ký hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự từ năm 1999. Do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam xét thấy cần thiết có thể yêu cầu phía Trung Quốc hỗ trợ, xác minh, điều tra thu thập chứng cứ về nhân thân của hai nghi can cũng như các vấn đề liên quan khác đến việc điều tra, kết luận về hành vi phạm tội của hai đối tượng này.
Luật sư Thắng cho rằng, theo quy định tại Khoản 2 (Điều 5, BLHS): "Người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam; theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao".
Luật sư nhấn mạnh: “Nếu đối chiếu với quy định trên thì trách nhiệm hình sự của hai công dân Trung Quốc kia không được giải quyết theo con đường ngoại giao. Do vậy, hai đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bước đầu cho thấy, hành vi của hai người này đã có dấu hiệu thỏa mãn hàng loạt tình tiết tăng nặng của “Tội giết người” được quy định tại Khoản 1 (Điều 93, BLHS) đó là: "Giết trẻ em"; "Thực hiện tội phạm một cách man rợ".
Nếu cơ quan tố tụng chỉ cần chứng minh được một trong các tình tiết định khung nêu trên là có thể đề nghị truy tố hai nghi can “Tội giết người” với mức hình phạt cao nhất là tử hình. Việc thi hành án sẽ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam do Trung Quốc và Việt Nam không có hiệp định chung về chuyển giao người bị kết án”.
Qua phần phân tích nêu trên, có thể khẳng định vụ án đặc biệt nghiêm trọng này sẽ được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam. Các đối tượng gây án sẽ phải chịu những mức án nghiêm khắc, tương xứng với mức độ, hành vi phạm tội của chúng.
Theo Gia Đình và Xã Hội