UBND thành phố Hà Nội vừa mới ban hành công văn thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn.
Theo kế hoạch, Hà Nội hướng tới xây dựng hệ thống hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ, đảm bảo tăng trưởng kinh tế hai con số. Sở Du lịch được giao chủ trì triển khai hiệu quả các kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Nghị quyết 82 của Chính phủ. Đồng thời, sở này phải cung cấp thông tin quy hoạch đến các đơn vị liên quan, tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh đào tạo nhân lực, chuyển đổi số và số hóa dữ liệu ngành.
Sở Xây dựng sẽ tiếp tục cải tạo công viên, vườn hoa theo hướng không gian mở, đặc biệt là ba công viên Thống Nhất, Bách Thảo và Thủ Lệ. Đồng thời, tham mưu xây dựng cảng du lịch, phát triển hạ tầng xe buýt điện, và triển khai 9 tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực.
Hà Nội sẽ có 9 tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực khắp thành phố. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tổ chức các sự kiện, lễ hội du lịch chuyên nghiệp, xây dựng chiến dịch quảng bá điểm đến trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế. Sở Tài chính phối hợp xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2025–2030 và đề xuất danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Thành phố Hà Nội đẩy mạnh việc triển khai Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, chú trọng 3 khu vực trọng điểm gồm: Hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ, khu du lịch Ba Vì và di tích quốc gia đặc biệt Hương Sơn.
Việc triển khai 9 tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực là bước đi chiến lược của Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tạo điểm nhấn văn hóa và thu hút du khách. Đây là một phần trong nỗ lực xây dựng Thủ đô trở thành điểm đến hấp dẫn, hiện đại và đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.
K.Hoàng (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)