Đã khổ thì phải "khổ tận cam lai”.
Từ lâu ở Việt Nam, nhất là tại các lễ hội hay những nơi như đền, chùa, không hiếm cảnh người ăn xin vạ vật, lê lết nhưng ít ai biết rằng, những người ăn xin ăn mày đều có những kỹ nghệ riêng hay ngón nghề để cốt lấy tình thương của người khác với mục đích mong họ cho càng nhiều tiền càng tốt. Để tìm hiểu về những kỹ nghệ ăn mày “độc nhất vô nhị “ này, phóng viên đã thâm nhập "đường dây ăn mày" và đã phát hiện được rất nhiều vấn đề mà không phải ai cũng biết.
"Đội quân" ăn mày ở Hội chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc)
Có mặt tại hội chùa Hương (Mỹ Đức - Hà Nội) và Hội Lim (Tiên Du, Bắc Ninh), trong vai người ăn mày đích thực, PV đã có cơ hội tìm hiểu những ngón nghề của “đệ tử cái bang” mà có lẽ khiến cho nhiều người phải giật mình.
Trong số hàng chục ăn xin ngồi vạ vật ven đường, PV chú ý đặc biệt đến hình ảnh người phụ nữ cụt chân nằm lê lết, kêu khóc thảm thiết, khiến ai nhìn thấy cũng động lòng thương cảm. Nhưng mấy ai biết rằng, đằng sau sự kêu khóc thảm thiết dưới thân hình khuyết tật đó là một người phụ nữ hoàn toàn khỏe mạnh. Ở mỗi lần xin đó, người phụ nữ vốn cụt chân kia lại nhìn trước ngó sau rồi chạy rất nhanh để … cất cả một xô tiền đầy.
Khi PV trong vai một người ăn mày, rồi lân la làm quen, người phụ nữ đó không ngại ngần: “Thế mà cũng đi ăn xin, muốn họ cho tiền thì phải biết cách làm cho mình càng thảm thương càng tốt, người ta nhìn vào phải động lòng mới xin tiền của của họ...”.
Một "cái bang" mang theo cả trẻ nhỏ để đi ăn xin
Ở một góc đường khác là hình ảnh người cha khuyết tật ôm đứa con chưa hết mùi sữa mẹ trong bộ quần áo rách tươm, tiếng khóc trẻ nhỏ cùng với người đàn ông có vẻ ngoài khổ hạnh, khiến những người xung quanh không khỏi mủi lòng. Người hai chục, kẻ vài nghìn, chỉ một lát số tiền cũng chốc chốc đầy xô.
Theo những đệ tử cái bang, việc lợi dụng trẻ nhỏ là dễ lấy tình thương của người khác nhất, nên kỹ nghệ này được cánh ăn mày lựa chọn nhiều nhất. Họ mượn những đứa trẻ thơ ngây, bé dại để vào vai ăn mày, khiến nhiều người khó có thể cầm lòng chắc ẩn. Theo một người ăn xin mà PV tiếp cận, để tìm được những trẻ nhỏ mới lọt lòng không phải chuyện đơn giản, nhưng đã là kỹ nghệ thì phải chịu khó thuyết phục và trả thù lao hậu hĩnh. Nhiều người còn về mượn con em họ hàng để che cho những người “hành nghề” ăn mày...
Không có “bảo kê” thì đừng đi ăn mày!
Không chỉ có những kỹ nghệ giả nghèo, giả khổ “độc”, những “đệ tử cái bang” khi hành nghề luôn có “bảo kê” bên cạnh. Sự kết hợp này là một trong những kỹ nghệ xin ăn rất quan trọng mà PV khám phá được trong vai người ăn xin tại Hội Lim.
"Kỹ nghệ" ăn mày được thể hiện tại Hội chọi trâu Hải Lựu
(Sông Lô - Vĩnh Phúc)
Khi đó, đã rất nhiều lần PV bị xua đuổi và bị đe dọa bởi những người tự nhận là du khách đi lễ hội: “ Mày ra chỗ khác kiếm ăn, lân la ở đây không có đường về bây giờ”. Theo thông tin từ một bà lão ăn mày mà PV có dịp làm quen cho biết, họ đều là “bảo kê” của những người ăn mày khác. Lực lượng bảo kê không chỉ bảo vệ “ vùng lãnh địa” cho ăn xin hoạt động mà còn đóng giả vai người cho tiền, để những người xung quanh làm theo.
Theo bà lão ăn mày, bao giờ đi hành nghề, “đệ tử cái bang” cũng phải thuê bảo kê. Tỉ lệ ăn chia giữa bảo kê và người ăn mày là 70%-30% thế nên số tiền bảo kê kiếm được không phải là nhỏ bởi lợi nhuận do nghề ăn mày kiếm được là rất lớn.
“Muốn có kỹ nghệ cao cũng phải học”
Tại lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Sông Lô, Vĩnh Phúc), PV đã thâm nhập vào đường dây “cái bang” tại đây. Thấy hình ảnh người ăn mày “lạ mặt”, một bang đệ đã tiết lộ bí mật về kỹ nghệ ăn xin. “Nhìn chú em khổ chị mách nước, chú mà xin thế này đến tối cũng chẳng ai cho đâu”, rồi người này ngỏ ý: “Ăn xin cũng cần phải có cách chứ xin được tiền của người ta không hề đơn giản chút nào đâu. Có muốn “truyền” cho một vài bài không?”.
Thấy PV gật đầu, đưa 50 nghìn đồng, người đàn bà đó vội vã ngồi xuống bày trò: “Muốn xin ăn được quan trọng phải làm cho người ta thương tình, ngồi một chỗ không được mà phải nằm lết đường, thảm thiết kêu xin”. Như để minh chứng cho lời nói, người phụ nữ này nằm lăn lê dưới đất, tóc phủ xõa đường, gào khóc cầu xin, chỉ một lát sau, những du khách trẩy hội cũng không mày may gì mà cho một vài đồng.
Cụ bà Tạ Thị Xa (thị trấn Lim - Bắc Ninh) vì hoàn cảnh gia đình
khốn khó, độc thân nên mới đi ăn xin.
Theo những đệ tử “cái bang” ăn xin cũng phải có thứ bậc, người có kỹ nghệ ăn mày cao thường là người được giới ăn mày "kính trọng", "nể phục". Bởi những người ăn mày muốn có kỹ năng thì không có trường lớp nào đào tạo, ngoài chiêu thức truyền dạy từ những “bậc tiền nhân ăn mày”.
Trong nhóm những đệ tử cái bang mà PV có dịp được tiếp cận, ông lão ăn mày tên Hóa (quê Phú Thọ) được nhiều ăn mày khẳng định đã có 40 gắn với “nghiệp” ăn mày với đủ các chiêu trò xin tiền độc, ông có một gia tài rất lớn, nhưng do là nghề nên ông vẫn bám trụ.
Với vẻ mặt khắc khổ nhăn nheo, khi PV đề cập đến việc muốn học hỏi kỹ năng, ông đã thẳng thừng từ chối, bởi theo ông lão ăn xin này, muốn ông truyền nghề thì phải biết cách để ông tin tưởng. Bởi theo ông đây là nghề “gia truyền” mà đã là nghề “gia truyền” thì phải tìm được “đệ tử” tâm huyết.
Có đến hàng nghìn kỹ nghệ ăn mày, miễn sao tùy từng trường hợp cụ thể để áp dụng, lòng thương của con người đã bị lợi dụng bởi những kỹ nghệ ăn mày độc nhất ở trên. Và như một “bài học đắt giá” cho những kỹ nghệ trên được truyền qua nhiều thế hệ “đệ tử cái bang” để tiếp tục… lừa người.
Giáo dục Việt Nam