Đi tìm hòn đá thèm ăn… thịt
Trải qua năm tháng dâu bể với bao biến cố lịch sử, người dân ở xã Văn Sơn (Lạc Sơn, Hòa Bình) đến nay vẫn còn nhắc đến một hòn đá tự nhiên kì lạ có tên: Dạ Há. Tuy nhiên, nói đến gốc tích thực sự của hòn Dạ Há kì lạ này chỉ còn rất ít người biết.
Theo lời chỉ dẫn của những người dân địa phương, tôi phải vòng vo qua nhiều con đường đất đỏ rất xấu và những dốc núi mới tới được xóm Mận. Đây là một xóm nhỏ nằm sát những ngọn núi bơ vơ lừng lững giữa núi rừng Hòa Bình.
Không như tưởng tượng ban đầu của tôi, đường vào xóm Mận ngoài đường đất đỏ khó đi còn có một cái khó khác là nhà cửa người dân khá thưa thớt nên việc hỏi thăm càng khó hơn. Đó là chưa kể đến việc những người trẻ tuổi ở xóm Mận không biết nhiều về hòn Dạ Há huyền thoại.
Tuy nhiên, cuối cùng chúng tôi cũng đã tìm được một người dẫn đường rất nhiệt tình có tên Bùi Văn Nhinh đưa nhóm phóng viên đi tìm hòn Dạ Há kì lạ. Ông Nhinh khẳng định rằng, những chuyện kì bí quanh hòn Dạ Há là... hoàn toàn có thật và đến nay hòn đá này vẫn còn ở trong vườn của một người dân.
Đi theo hướng ông Nhinh chỉ, hóa ra chúng tôi đã đi qua hòn Dạ Há ngay trên đường đi mà không hề hay biết.
Vừa chỉ tay về phía khoảnh vườn có hòn Dạ Há, giọng ông Nhinh run run pha chút hơi sợ hãi nói: “Hòn Dạ Há này thiêng lắm. Không ai có thể xoay được trừ khi phải có thày mo đến làm lễ và cần đến tận bốn cậu trai trẻ mới xoay được sau khi Dạ Há đã được… ăn thịt”.
Hòn Dạ Há cũng không quá khó tìm vì nằm ngay giữa một khoảnh vườn cây cỏ tranh mọc um tùm của một người dân trong xóm Mận. Vạt những đám cỏ dại, tôi cuối cùng cũng đã được mục sở thị hòn Dạ Há huyền thoại của người Mường với “thú vui” thích ăn thịt và gieo tai họa.
Hòn Dạ Há kì lạ của người Mường
Dạ Há trước mắt tôi một hòn đá tự nhiên, cao chừng nửa mét và có hình thù kì dị. Theo truyền tụng dân gian nơi đây, Dạ Há là hòn đá thiêng mỗi khi ngoảnh cái miệng há ngoác lè lưỡi ra như miệng của một con rắn lớn đang ẩn mình trong lòng đất lại làm dân trong vùng khốn khổ.
Ông Nhinh khẳng định rằng, hòn Dạ Há có cái miệng rất độc. Mỗi khi làm lễ để xoay đầu hòn Dạ Há về hướng nào thì năm đó người dân ở hướng đó làm ăn thất bát. Sở dĩ người Mường vẫn xoay hòn Dạ Há là vì muốn “chia đều” sự may mắn và rủi ro cho từng vùng sau lễ hội cúng hòn Dạ Há.
Đến nay, việc thờ cúng hòn Dạ Há đã không còn nhưng nói đến cái tên này, nhiều người dân ở xóm Mận vẫn run run vì sợ uy lực vô hình qua lời truyền tụng về hòn đá này. Những người già cả trong làng sống xung quanh khu vực có hòn Dạ Há đều khẳng định rằng, hòn Dạ há chứa đựng nhiều điều huyền bí đối với người dân nơi đây.
Trước đây, cứ ba năm một lần người dân nơi đây lại tổ chức lễ hội và đặc biệt phải treo thịt lợn lên trên hòn Dạ Há vì tương truyền hòn Dạ Há rất thích… ăn thịt. Khi cho ăn thịt rồi thì mới xoay được hòn Dạ Há.
Để chứng minh thêm “uy lực” của hòn Dạ Há rất đáng sợ, ông Nhinh đưa tôi tìm gặp thày mo Bùi Văn Minh là người rất am hiểu về những điều kì bí nhất của người Mường, trong đó có hòn Dạ Há.
Sự thật về hòn Dạ Há
Bước chân vào ngôi nhà sàn của thày mo Minh, với cái nắng nóng của vùng núi Hòa Bình, thày mo Minh vẫn rất cởi mở lý giải về những chuyện kì lạ xung quanh hòn Dạ Há. Thày mo Minh kể lại tất cả những gì mà từ trước đến nay ngay đến những người già cả như ông Bùi Văn Nhinh cũng chưa từng được biết. Thày mo Minh khẳng định rằng, hòn Dạ Há và những câu chuyện kì lạ quanh hòn đá này đã có từ rất lâu rồi. Để biết nó có từ bao giờ thì chưa có sử sách, tư liệu nào trong làng ghi lại.
Chỉ biết rằng, theo tục lệ của người Mường ở xóm Mận xưa kia, cứ ba năm tổ chức một lần lễ hội cúng Dạ Há, trước lễ hội thường tổ chức các trò chơi như kéo co, ném còn, chơi cờ... Ngoài lễ lớn ba năm một lần, hàng năm có lễ nhỏ vào rằm tháng hai, tháng bảy, tháng tám. Không chỉ thế, xưa kia ở gần hòn Dạ Há còn có đình Khênh và cách vài năm lại mở hội để cầu mong no ấm cho nhân dân trong vùng cũng như quay hòn Dạ Há.
Hòn đá Dạ Há nằm ở phía đông nam so với nhà đình xưa kia. Người Mường thường phải làm lễ rất cẩn thận để xoay tượng Dạ Há theo bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Nhưng từ hồi kháng chiến chống Pháp đến nay, dân xóm Mận không mở hội, không xoay hòn Dạ Há nữa và ngay cả ngôi đình Khênh giờ cũng đã bị san phẳng.
Giải thích rõ hơn về hòn Dạ Há không như nhiều người vẫn lưu truyền. Thày Minh lục lại trí nhớ và những cuốn sách đã úa vàng đầy chữ nho theo thời gian cho biết, hòn Dạ Há không phải là miệng của một con vật ác, con vật này thường ăn thịt người. Thực tế, hòn Dạ Há là… đầu của một bà mẹ chồng hay cãi nhau với con dâu và theo truyền tụng dân gian là thích ăn thịt người.
Nói thêm về gốc tích của hòn Dạ Há, thày Minh kể rằng xưa kia ở trong xóm Mận có một người mẹ chồng thích ăn thịt người. Vì vậy, khi người con trai lấy vợ về nhà sau đó đi làm lính cho ông Chưởng Tín và Triệu Ân, vợ ở nhà sinh con thì bà mẹ chồng nằng nặc đòi ăn thịt đứa trẻ và rình bằng mọi cách để bắt cóc đứa bé. Người con dâu lúc đó sợ hãi ném một cái hoa chuối xuống dưới nhà cho bà mẹ chồng khát máu ăn… tạm.
Thấy cái hoa chuối ném xuống bên dưới, bà mẹ chồng nhai ngấu nghiến để thỏa cơn thèm thịt người. Tuy nhiên, ăn thấy chát, bà mẹ chồng mới phát hiện ra mình bị lừa thì người con dâu đã bế con trốn mất từ lâu rồi. Tức giận lồng lộn và đói khát, bà mẹ chồng cuối cùng đã chết đi và biến thành hòn Dạ Há như bây giờ. Từ sau đó, hòn Dạ Há trở thành một biểu tượng của sự ác độc và là nơi ẩn náu của các loại ma chết non trong vùng. Hòn Dạ Há này thực chất chính là miệng của bà mẹ chồng đòi ăn thịt người năm xưa chứ không phải miệng của một con quái vật như một số người vẫn biết. Chính vì vậy, trong các lễ tế hòn Dạ Há năm xưa phải có thịt nhưng không phải là… thịt người mà là thủ lợn mới có thể xoay vần được hòn đá quái dị này.
Hình thù kì dị của hòn Dạ Há
Tiếp lời thày mo Minh, cụ Bùi Văn Nhưởng là thân sinh ra thày mo Minh tiết lộ rằng, hồi ông còn trai trẻ từng tham gia xoay hòn Dạ Há và vào lúc đó để xác định hướng xoay của hòn đá Dạ Há thèm ăn thịt, phải nhờ đến một thầy mo cao tay nhất vùng gieo quẻ âm dương. Việc làm này rất quan trọng vì nó sẽ xác định xem năm đó hòn Dạ Há “thích” đến “quấy” vùng nào.
Nếu thầy mo gieo quẻ hai đồng tiền xu nằm sấp thì hòn Dạ Há sẽ phải xoay về hướng Đông Tây, quẻ nằm ngửa sẽ phải quay về hướng Nam Bắc. Các thanh niên chưa vợ trong làng xoay đá đúng theo hướng đã gieo quẻ thì dừng lại và cũng không thể quay được nữa.
Cụ Nhưởng cho biết, có năm, hòn Dạ Há quay về hướng Thượng Cốc (Tân Lạc) làm khu vực này mùa màng thất bát, dân chúng đói khổ. Không chịu thấu, người dân Thượng Cốc cử một đám thanh niên chưa vợ lên xoay trộm cho hòn Dạ Há hướng cái miệng cực độc của mình đi hướng khác nhưng không làm sao nhúc nhích được hòn Dạ Há. Cuối cùng, đám trai tráng đành lủi thủi quay về nhà.
Thày mo Bùi Văn Minh lý giải thêm rằng, hình thù của hòn Dạ Há từ xa xưa đã như vậy, không hề có bàn tay can thiệp của con người. Xưa kia, hòn Dạ Há còn có chiếc lưỡi bằng đá to kẹp vào giữa miệng nhìn rất đáng sợ. Nhưng về sau, không hiểu vì lý do gì đã biến mất.
Thày mo Minh nói rằng, uy lực thực sự của hòn Dạ Há có thực hay không, không ai kiểm chứng được. Chỉ biết, những gia đình sống trong khu vực có hòn Dạ Há đến nay đều có những biểu hiện lạ như việc gia đình quanh năm ốm đau, bệnh tật, có người mắc bệnh không tìm ra nguyên nhân…
Những câu chuyện dân gian, sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú của người xưa đã hằn sâu, trở thành một phần tín ngưỡng, đi qua bao đời, bao thế hệ... Và những chi tiết kì lạ được những người dân thêu dệt thêm càng làm cho hòn Dạ Há thêm phần huyền bí ...
Kỳ 2: Giếng nước thần của người Mường
Giáo dục Việt Nam