Chị “tâm thần” gặp em nhỏ nhen
Rạng sáng 11/8, tiếng kêu cứu phát ra từ nhà của bà Tống Thị Thắm (52 tuổi, ngụ ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) khiến ấp nhỏ bàng hoàng tỉnh giấc. Người dân hiếu kỳ vội chạy đến xem sự tình. Trong căn nhà xập xệ ngổn ngang đồ đạc, chị Nguyễn Kim Cúc (31 tuổi) con gái của bà Thắm nằm bất động trong buồng ngủ, được xác định đã chết vài giờ trước, trên cổ vẫn còn những dấu vân tay hằn rõ, áo quần xộc xệch có dấu hiệu bị xâm hại tình dục. Chị Cúc là một người phụ nữ đáng thương bị tật nguyền từ nhỏ và tâm trí không được bình thường.
Thông tin nhanh chóng được báo đến lực lượng công an địa phương. Hiện trường sau đó được phong tỏa để tiến hành điều tra. Qua thực nghiệm hiện trường và những lời khai của người thân của nạn nhân, nghi phạm được xác định không phải ai xa lạ chính là người em trai cùng mẹ khác cha với nạn nhân tên Đặng Quốc Cường (29 tuổi).
Tại cơ quan công an, Cường khai nhận: Chiều trước khi xảy ra vụ án, Cường hỏi mượn điện thoại của chị Cúc nhưng không được đồng ý. Lời qua tiếng lại một lúc, đối tượng bỏ đi nhậu với hai người bạn. Sau khi uống hết khá nhiều rượu mà chưa thấy “đã”, cả nhóm tiếp tục đến nơi khác nhậu đến 1h sáng mới giải tán. Về nhà trong đêm khuya với hơi rượu nồng nặc, cả nhà đều đã ngủ, Cường xộc thẳng vào buồng ngủ của người chị cùng mẹ khác cha để gây sự về việc mượn điện thoại lúc chiều.
Trong lúc tranh cãi qua lại, đối tượng leo lên giường bóp chặt cổ chị. Nạn nhân sức yếu không thể chống đỡ một thanh niên say rượu như Cường nên lịm dần. Khi thấy người chị bất tỉnh, Cường lại nổi thú tính cưỡng hiếp chị mình cho đến lúc thỏa mãn, sau đó thản nhiên ra nhà trước ôm hai đứa con nhỏ của mình ngủ một giấc tới sáng.
Tội ác được phát hiện khi đứa con gái của Cường sáng sớm vào gọi người cô của mình dậy xin tiền đi mua bánh. Lay gọi mãi không được, đứa bé mới chạy đi gọi người lớn. Ngay sau khi xác định được đối tượng gây án, Công an tỉnh Cà Mau đã có quyết định bắt khẩn cấp Đặng Quốc Cường về hành vi Giết người và Hiếp dâm. Vụ việc được đánh giá là có tính chất nghiêm trọng, hiện vẫn đang được Công an tỉnh tiếp tục điều tra làm rõ.
Bi kịch của người mẹ
Sau cái chết bất ngờ và đau đớn của nạn nhân, ngôi nhà xập xệ của gia đình chị được dựng lên từ những thứ mà người mẹ nhặt nhạnh được từ công việc mua ve chai vốn đã hoang tàn, nay lại càng bị thảm hơn. Đau đớn nhất là bà Tống Thị Thắm, mẹ của nạn nhân và hung thủ.
Người mẹ bất hạnh kể chuyện hai đứa con, một chết, một đi tù.
Bà Thắm mới ngoài 50 tuổi nhưng trông già xọm. Cuộc đời của bà thì cả xóm nhỏ này ai cũng biết. Bà có 3 người chồng nhưng không có nổi một lần mặc áo cưới. Những người đàn ông chỉ đi ngang cuộc đời bà rồi để lại những đứa con. Ba người con, 3 người chồng, nhưng bây giờ khi đứng giữa bi kịch của gia đình bà chỉ một mình cô đơn.
Nạn nhân là con gái đầu lòng của bà Thắm, năm lên 3 tuổi bị một cơn sốt hành hạ tưởng chết, may sống sót nhưng từ đó có tật ở tay rồi trí não cũng kém phát triển. Chị sống trong sự đùm bọc của mẹ, tuyệt nhiên không biết đến người cha. Bà Thắm không có ruộng đất, tài sản giá trị. Công việc giúp bà nuôi sống những đứa con là nghề đi thu mua ve chai, lặn lội ra khỏi nhà từ sớm đến chiều muộn mới về, cứ thế thầm lặng bao năm qua.
Cường là người con thứ hai, cũng là con người gây ra chuyện tày đình. Cũng như người đàn ông trước, cha của Cường cũng chỉ đi ngang cuộc đời bà. Cường may mắn hơn chị là lớn lên trong khỏe mạnh. Thủa nhỏ, đứa con này không có điều kiện học hành tới nơi tới chốn, đến tuổi thiếu niên chỉ biết chơi bời theo chúng bạn. Đến khi lấy vợ, Cường cũng không hoàn thành trách nhiệm của một người đàn ông.
Hai đứa con của Cường lần lượt ra đời trong thiếu thốn trăm bề. Trong khi đó, Cường chẳng thiết tha làm ăn hay chăm nom gia đình của mình, tất cả trông chờ vào vợ và mẹ. Người đàn ông này vốn “chung thủy” với rượu nên quyết định gạt bỏ tất cả.
Mỗi lần rượu say Cường kiếm cớ đánh vợ, chị của mình hoặc chửi mắng mẹ ruột đủ điều. Những người trong gia đình lúc đầu còn khuyên can, về sau biết con người này đã hết thuốc chữa nên cũng ngậm đắng cho qua. Sống với người chồng như vậy nên gần một năm trước, vợ của Cường quyết định dứt áo ra đi, để lại cho chồng hai đứa con nhỏ.
Vợ bỏ đi, Cường càng thân thiết với rượu hơn. Cuộc đời của người đàn ông chưa 30 tuổi đã sớm lụn bại. Những người hàng xóm chung quanh dần xa lánh, chỉ có những bạn rượu là còn lui tới. Chiều chiều, người dân ở ấp Kinh Hội lại thấy Cường say rượu trở về nhà lôi bà chị mình ra để trút giận, nhẹ thì vài câu chửi, nặng hơn thì trút cả đòn roi.
Ngoài hai đứa con này ra, bà Thắm còn một đứa con trai nữa với người đàn ông thứ ba. Người này đã ngoài 20 tuổi và cũng không được học hành tử tế, sớm tự mình lập thân bước vào đời. “Bây giờ, hai đứa cháu nội, đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ mới 3 tuổi chỉ biết bám víu vào tôi. Tôi bất hạnh đến từng tuổi này còn phải thay con nuôi dưỡng cháu. Mỗi lần ra đường, tôi đều sợ ánh mắt của người ta nhìn mình. Tôi bạc phước quá!”, người mẹ đau đớn giãi bày.
Bình luận về vụ việc, PGS. TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý Giáo dục chia sẻ: “Khi say người ta có thể làm những việc mà lúc tỉnh không dám làm”
Mặc dù chưa đầy 30 tuổi nhưng Cường đã trở thành một “sâu” rượu, trong trạng thái khi say, cảm nhận và suy nghĩ trong con người Cường cũng thay đổi theo. Trạng thái say rượu làm lu mờ những khuôn phép đạo lí thông thường, lúc này chỉ còn những ham muốn và liều lĩnh. Rượu làm anh ta trở nên ích kỉ, chỉ nghĩ đến mình, nghĩ tới việc lúc sáng cãi nhau với chị, trong cơn say sự việc đau lòng đã xảy ra… Khi say người ta có thể làm những việc mà lúc tỉnh người ta không dám làm. Động cơ duy nhất khiến Cường ra tay là sự bế tắc, trả thù, ích kỷ.
Hiện nay, đa số người phạm tội đều không có việc làm ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn và thiếu sự sẻ chia của người thân và gia đình. Không ít thanh thiếu niên hư hỏng xuất thân từ hoàn cảnh gia đình éo le, cha mẹ ly hôn… Trình độ học vấn thấp, nhận thức hạn chế, sống thiếu lý tưởng cùng tệ nạn bủa vây khiến cho nhiều người trở nên kém bản lĩnh, mù quáng, dễ sa ngã và đi vào con đường phạm tội. Và chính những áp lực trong cuộc sống có thể khiến họ ra tay giết hại đồng loại của mình một cách vô cảm.
Những người có cuộc sống nhàm chán, không may mắn, học hành dang dở, công việc, sự nghiệp “không đâu vào đâu”, sức lực thì thừa mà không có nơi để giải tỏa, nhìn vào đâu cũng thấy bế tắc, cánh cửa cuộc đời mịt mù… Kẻ bế tắc dễ làm càn, giống như con thú dồn đến đường cùng cũng hay cắn càn.
Trong các vụ án, lỗi lớn nhất, kẻ đáng trách và lên án nhất là thủ phạm. Tuy nhiên, người bị hại cũng chịu một phần trách nhiệm do cách ứng xử không đúng mực của bản thân. Tự ái, bị mất mặt, bị tổn thương lòng tự trọng cũng khiến người ta trở nên điên cuồng. Ứng xử khéo léo, tế nhị, đàng hoàng một chút có thể sự việc đau lòng trên đã không xảy ra. Đối với người tâm thần, cần cố gắng cách ly họ ra khỏi môi trường xã hội bởi họ là người bệnh, chính bản thân họ không tự kiểm soát được bản thân, vì thế nếu để trong môi trường xã hội như vậy sẽ nảy sinh ra rất nhiều vấn đề. Ngay chính bản thân những người mắc bệnh tâm thần, nên tránh những tình huống gây ra cái ác (như cãi vã, đánh chửi nhau…) vì bản chất tâm lý người tâm thần là bị nhiễu loạn…
Baophapluat.vn