TP.HCM mới trở thành địa phương có hệ thống cảng biển lớn nhất cả nước
Dự kiến với việc hợp nhất này, TP. HCM mới này được kỳ vọng có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới với kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ.
Theo số liệu thống kê, tổng GRDP của ba địa phương TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024 đạt gần 2,4 triệu tỉ đồng; tổng thu ngân sách năm 2023 là hơn 530 triệu tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của tỉnh Bình Dương là 99 triệu đồng/người/năm, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 64 triệu VNĐ/người/năm, TP.HCM là 78 triệu đồng/người/năm.
Một góc TP. HCM hiện tại.
Dự kiến sau khi sáp nhập, TP.HCM “mới” có tổng diện tích khoảng 6.772 km2 (ước tăng tỉ lệ 135,4%); dân số hơn 13,7 triệu người (ước tăng tỉ lệ 979%).
Theo TSKH - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch, khi TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu được sáp nhập với nhau thì sẽ có nhiều yếu tố mới, bao hàm nhiều thử thách và cơ hội mới cho TP.HCM.
TP.HCM sẽ có hai hạ tầng trọng điểm quy mô lớn mà trước đây TP chưa có, bao gồm cảng biển lớn nhất của vùng đô thị là cảng Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa-Vũng Tàu và ga xe lửa lớn nhất của Việt Nam là ga Sóng Thần ở Bình Dương.
Điều này mở ra các cơ hội phát triển đô thị công nghiệp và công nghệ cao về phía bắc, cũng như phát triển chuỗi đô thị cảng biển và đô thị du lịch biển về phía nam và đông nam.
Một góc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay.
Trong Quy hoạch giai đoạn 2021-2030, thành phố dự định xây cảng trung chuyển tại huyên duyên hải Cần Giờ. Song với phương án sáp nhập, dự kiến TP.HCM mới sẽ sở hữu cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay), lớn nhất Việt Nam và đứng thứ 19 thế giới. Cảng có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 200.000 tấn và cũng là cảng biển duy nhất tại miền Nam có tuyến tàu trực tiếp kết nối Âu - Mỹ.
Thành phố cũng sẽ có hệ thống lên tới 89 bến cảng biển, giúp thuận tiện trong giao thương, xuất nhập khẩu hàng hoá. Nếu tính thêm 10 bến cảng dầu khí ngoài khơi thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay, tổng số bến cảng biển của thành phố sau hợp nhất là 99, lớn hơn nhiều so với hệ thống cảng biển lớn nhất nước hiện nay là Hải Phòng (50 bến). Như vậy, số bến cảng của TP.HCM mới chiếm gần một phần ba của cả nước (hơn 300 bến), gấp 2,5 lần so với số lượng hiện tại.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)