Ngành học liên tục giữ vị trí top đầu về điểm chuẩn
Trong kỳ tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tiếp tục ghi nhận ngành Quan hệ công chúng là ngành có điểm chuẩn cao nhất đạt 28,18/30 điểm, vượt qua nhiều ngành “hot” khác như Thương mại điện tử (28,02), Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (27,89), Kiểm toán (27,79) hay Marketing (27,78). Toàn bộ các ngành đào tạo tại trường đều có điểm chuẩn từ 26 điểm trở lên.
Điểm chuẩn Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm 2024.
Đáng chú ý, ngành Quan hệ công chúng nhiều năm liền duy trì vị trí nhóm ngành có mức điểm trúng tuyển cao nhất. Cụ thể, điểm chuẩn ngành này trong các năm 2022, 2023 và 2024 lần lượt là 28,6; 27,2 và 28,18 (thang điểm 30).
Có mức học phí "dễ thở"
Bắt đầu tuyển sinh từ năm 2018, ngành Quan hệ công chúng nhanh chóng khẳng định vị thế quan trọng trong hệ thống đào tạo của trường.
Theo đề án tuyển sinh năm 2025, Đại học Kinh tế Quốc dân áp dụng ba phương thức tuyển sinh cho tất cả các ngành, bao gồm: xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp và xét tuyển thẳng/ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của trường.
Riêng với ngành Quan hệ công chúng, thí sinh có thể lựa chọn xét tuyển theo một trong bốn tổ hợp môn là A00, A01, D01 và D07.
Năm học 2025-2026, học phí chương trình chính quy chuẩn tại Đại học Kinh tế Quốc dân dao động từ 18-25 triệu đồng/năm. Đối với sinh viên các khóa từ K61–K64 ngành Quan hệ công chúng, mức học phí ghi nhận là 17,5 triệu đồng/năm, tương đối phù hợp so với mặt bằng chung các trường đại học top đầu.
Cơ hội việc làm rộng mở giữa thời đại số hóa, lương cao trong tầm tay
Theo báo cáo năm 2023, 94,12% sinh viên ngành Quan hệ công chúng có việc làm sau tốt nghiệp, phản ánh nhu cầu nhân lực lớn và tiềm năng phát triển bền vững của ngành trong thị trường lao động hiện nay.
Ngành học này trang bị kiến thức và kỹ năng để xây dựng, quản lý hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp, tổ chức thông qua các chiến lược truyền thông hiệu quả, một nhu cầu cấp thiết trong thời đại bùng nổ số hóa và mạng xã hội.
Theo xu thế hiện nay, sinh viên ngành Quan hệ công chúng có thể đảm nhận nhiều vị trí trong ba bộ phận chính: Digital Marketing, Content và PR.
PR: Phụ trách truyền thông thương hiệu, tổ chức sự kiện, xây dựng và duy trì hình ảnh doanh nghiệp trong mắt công chúng.
Digital Marketing: Quản lý nền tảng truyền thông số, tối ưu quảng cáo trực tuyến, phân tích dữ liệu để phát triển các chiến dịch tiếp thị hiệu quả.
Content: Sáng tạo nội dung trên nhiều định dạng như bài viết, video, kịch bản truyền thông, nhằm truyền tải thông điệp thương hiệu một cách rõ ràng và hấp dẫn.
Account, Event, Creative, Strategic Planner: Quản lý khách hàng, tổ chức sự kiện, sáng tạo ý tưởng, lập kế hoạch truyền thông tích hợp.
Những vị trí này thường đi kèm mức thu nhập khởi điểm từ 9–12 triệu đồng/tháng, thậm chí cao hơn tại các tập đoàn, công ty truyền thông lớn. Chính sách phúc lợi, thưởng hiệu quả và lộ trình thăng tiến rõ ràng cũng là điểm cộng thu hút nhân tài trong lĩnh vực này.
Cạnh tranh cao, đòi hỏi tư duy linh hoạt và cập nhật công nghệ
Cùng với cơ hội phát triển rộng mở, ngành Quan hệ công chúng cũng đi kèm mức độ cạnh tranh khốc liệt. Người học cần chủ động rèn luyện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm thực tế qua các hoạt động ngoại khóa, thực tập hoặc cộng tác truyền thông từ sớm.
Bối cảnh chuyển đổi số và sự xuất hiện của AI đang tạo ra thách thức lẫn cơ hội mới. Người làm truyền thông hiện đại cần linh hoạt bổ sung các kỹ năng bổ trợ như thiết kế cơ bản, viết chuyên sâu, phân tích dữ liệu số và tối ưu hóa quy trình làm việc để nâng cao hiệu suất, từ đó khẳng định giá trị cá nhân và tăng sức cạnh tranh trong sự nghiệp.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)